BẠN ĐƯỜNG – Tâm Phương

Tâm Phương

Một sáng mùa Thu năm 1965 , Tôi đến Ga xe-lửa Sài-gòn quá sớm nên Nhà Ga chưa mở cửa. Sân Ga nhìn qua dưới lớp sương mù dày đặc chỉ lác đác vài người qua lại dưới ánh đèn vàng mờ nhạt của buổi sáng sớm mát mẻ ban mai .
Ngồi bệt dưới mái hiên ,Tôi tựa lưng vào vách tường nhắm mắt thiêm-thiếp ngủ .

Hơn hai tiếng đồng hồ sau mới thấy Quầy bán vé mở cửa , Tôi chạy đến trước nhất và hỏi Cô bán vé.:

–  Tại sao hôm nay Tàu ra miền Trung trễ vậy Cô ? Cho Tôi cái vé khứ-hồi Sài-gòn Đà-Nẵng .

Cô ta nhìn Tôi mỉm cười nói :

–  Mấy năm nay lúc nào cũng giờ này chứ có sớm trễ gì đâu  .
–  Ủa ! Lúc trước có Tàu khởi hành bốn năm giờ sáng mà .
–  Lâu lắm rồi . Bây giờ phải đợi Tàu rà mìn chạy trước, báo cáo an-toàn rồi mới được phép bán vé . Anh mua vé hạng nào ?
–  Hạng nào rẻ nhất Cô bán cho Tôi .

Cô ta giải thích :

–  Vé hạng ba  rẻ nhất, nhưng phải ngồi chung với những người buôn gánh bán bưng, và có cả mùi thối cá thịt, làm sao Anh chịu nổi hai ngày hai đêm ?

Tôi thành thật nói  :

–  Mua hạng nhì thì không có tiền ăn dọc đường, nếu biết trước thế này , Tôi đã mượn thêm tiền thằng bạn .

Rồi hỏi Cô ta :

–  Chính phủ có giảm vé cho học trò nghèo không Cô ?
–  Anh học lớp mấy, Trường nào ?
–  Đại-học khoa-học, năm thứ tư .
–  Trong danh sách này chỉ có các Trường Chuyên-nghiệp như Y-khoa, Dược-Khoa và Đại-học Sư-phạm mà thôi .

Tôi thở dài, phân vân lưỡng-lự . Cô ta nhìn Tôi có vẻ thương hại hơn là coi thường , tự động xé vé đưa cho Tôi và  mỉm cười nói :

–  Chúc Anh thượng lộ bình an, hãy đến Cửa số 3 đi Miền Trung .

Tôi trả tiền vé hạng ba rồi cầm vé bỏ vào túi áo,  gật đầu chào và nói :

–  Nếu Tôi trở về bình an, Tôi sẽ đến cám ơn Cô .

Khi bước chân lên tàu, đúng là mùi cá thịt muốn nghẹt thở .Tôi tìm chỗ trống gần cửa để có gió cho đỡ mùi hôi .
Đặt cái túi xách đựng mấy bộ áo quần xuống ghế định nằm nghỉ thì Ông già kiểm soát vé đến gần Tôi bảo :

–  Cậu đưa vé cho Tôi kiểm soát  .

Tôi đứng dậy rút tấm vé ra trao cho Ông .  Ông liếc mắt nhìn thật nhanh và nói :

–  Cậu đi ra phìa trước bốn năm toa nữa, đây là chỗ ngồi vé hạng ba .

Tôi quá vui mừng và sững sờ, thì ra Cô bán vé đã làm một điều nhân đức cho Tôi mà Cô không nói trước . Điều này làm Tôi thêm một lần thắc mắc, tại sao trong một Đất nước chiến tranh,một xã-hội loạn lạc, gian-dối lừa đảo cứ đối diện với con người hằng ngày nhưng vẫn có những người xả thân làm điều nhân nghĩa ?

Cô bán vé lương bổng có bao nhiêu ? Thế mà khi trực diện với hoàn cảnh đáng thương tâm của Tôi , Cô cũng động lòng mà ra tay nghĩa hiệp .

Nằm gối đầu lên túi áo quần cố nhớ lại nét mặt Cô bán vé ban sáng ngồi sau tấm kính  trong veo, không biết Cô  cao thấp thế nào nhưng trông rất đẹp lại có bản tánh thương người, chắc chắn Trời Đất sẽ ban cho Cô tương lai tươi sáng . Tôi cầu xin như thế cho Cô .

Tàu khởi hành đã lâu, không biết đến đâu rồi nhưng chắc là cách Sài-Gòn xa lắm . Nằm ở toa hạng nhì, có ghế bọc nệm nên đỡ đau lưng nhưng vẫn  nghe tiếng sình-sịch của máy tàu chạy bằng hơi nước . Thỉnh thoảng hú lên vài hồi còi nghe ghê rợn . Tàu chạy êm nhưng cũng cảm giác rung rinh, không thể ngủ tiếp được .

Tôi nằm suy  nghĩ về thân phận mình , nếu có tấm kiếng-soi thật lớn, Tôi sẽ đứng dậy xem dung nhan Tôi có giống tên ăn mày hay không ? Bởi vì sáng nay chỉ nói chuyện với Cô bán vé vài câu là Cô đã nhìn thấu tâm can của Tôi thuộc thành phần khố rách áo ôm rồi .
Nhớ có lần Bằng nói với Tôi khi hai đứa ngồi làm bài trong Thư-viện :

–  Mày có biết Em gái Tao nhận xét thế nào về Mày không ?
Nó nói : Trông dáng dấp Anh Nhân thì thuộc hạng trung bình thôi nhưng khi Anh mở miệng nói bất cứ điều gì cũng làm cho người đối diện phải chú ý lắng nghe .

Tôi cười nói :

–  Thì đúng rồi chứ gì nữa , Tao nói tiếng Huế trọ trẹ, nếu không chú ý nghe, làm sao hiểu được Tao nói gì . Mày có biết lần đầu bước chân đến Sài-gòn, Tao hỏi Ông Xích-lô đi về Phú-nhuận bao nhiêu tiền, hỏi cả chục lần rát cổ họng mà Ông ta vẫn không hiểu .
–  Không phải thế đâu . Ý nó nói là Mày diễn đạt ý-tưởng một cách thành thật, làm người nghe dễ xiêu lòng .
– Ồ ! Vậy thì cám ơn Em gái Mày đã cho Tao lời an ủi .
–  Nó còn nói Anh Nhân mà tán gái thì chắc là đắt Đào lắm .

Nghĩ đến đây Tôi mỉm cười một mình, vì bây giờ tuổi đã ngoài hai mươi nhưng chưa bao giờ nói với người con gái nào một lời tán tỉnh . Ngay cả những Cô biểu-lộ cảm tình với mình mà mình cũng không dám đáp lại thì làm sao có chuyện đắt Đào ? .  Nhất là mặc cảm con nhà nghèo khó, mặt khác đã tự hứa với lòng mình phải gạt ra ngoài những yêu đương vớ vẩn để sớm học xong ra đời giúp Mẹ . Nhưng cho đến bây giờ, ta xem như sắp sửa đi vào lối rẽ cuộc đời . Lần này về thăm Mẹ, ta phải ăn nói làm sao ? .
Có phải chăng vì tình hình Đất Nước, vì chiến tranh, hay Trời Đất không chiều lòng người  ?

Ta lại buồn chán nữa rồi . Không biết lúc này sức khỏe Mẹ ra sao ? . Hôm trước Anh Thảo viết thư nói rằng Anh Thanh mỗi tuần phải đem Mẹ vào Bệnh-Viện một lần để hút nước trong buồng phổi, nên Mẹ yếu lắm, đi đứng không được nữa . Rất may là Anh Thảo chỉ làm việc ở Hậu-cứ, không đi hành-quân nên có thì giờ giúp Chị Thảo săn sóc Mẹ.

Không biết tại sao số kiếp của Mẹ khi về già lại sống khổ cực bệnh hoạn như thế nầy . Thật là Trời Đất không thương xót cho Mẹ .

Nếu bây giờ Tôi có công ăn việc làm, có nhiều tiền giúp Mẹ, thì Mẹ cũng không hưởng thụ được gì trong cuộc đời còn lại với tuổi già  bệnh hoạn như thế này .

Nghĩ đến đây, nước mắt tự nhiên tuôn trào lên hai  má .

Bà Già ngồi đối diện, tay cầm Cuốn Kinh Phật và xâu chuỗi , miệng luôn lâm râm khấn nguyện và tay lần tràng hạt, nhưng thỉnh thoảng mở mắt nhìn Tôi, vì thấy Tôi có vẻ bất bình thường , khi thì cười một mình, khi thì rơi nước mắt .
Có lẽ Bà không còn kiên nhẫn theo dõi, nên chồm người ra phía trước hỏi :

–  Nè xin lỗi, Cậu có chuyện buồn hay sao mà khóc ? .

Tôi ngồi thẳng dậy trả lời :

–  Cháu đang suy nghĩ chuyện này chuyện kia để giết thì giờ với quãng đường quá dài .
–  Vậy tại sao lại khóc ?
–  Khi nghĩ đến chuyện vui thì cười, nghĩ chuyện buồn thì không cầm được nước mắt .
–  Hồi nãy nghĩ đến chuyện buồn gì mà khóc ?
–  Mẹ cháu …. Đã gần bốn năm nay, từ khi vào Sài-gòn học Đại-học, Cháu không  có cơ hội về thăm . Bây giờ anh Cháu viết thư cho hay Mẹ bệnh nặng, không thể đi đứng được nữa nên Cháu phải về .
–  Ôi  ! Người già thì không bệnh này cũng bệnh kia giống như Bác đây, uống thuốc vài hôm là khỏi thôi . Cậu buồn làm chi .
–  Dạ …, Cháu cũng cầu mong như thế . Còn Bác ? Vào Sài-gòn chơi hay có việc gì ?
–  Tôi tháng nào cũng phải mang tiền vào cho hai đứa con gái đang học ở đây. Đứa lớn năm nay ra trường Đại-học Sư-phạm, con út mới vào năm thứ nhất .
–  Bác có bao nhiêu người con ?
–  Chỉ có bốn đứa con gái, bạn bè cho rằng tôi may mắn, thời buổi này không có con trai để phải chứng kiến cảnh con bị thương-tật từ mặt-trận trở về hoặc rủi ro hơn nữa là đến Đơn-vị nhận xác con về mai-táng . Thế nhưng hơn một năm qua Tôi cũng đau lòng thương xót cho đứa con gái đầu của tôi, lấy chồng Sĩ-quan tác chiến, có hai con còn nhỏ dại nhưng Chồng chết mất xác trên chiến-trường Hạ-Lào năm rồi. Bây giờ nó đem con về ở với tôi, trông coi cửa-hàng tạp-hóa .
Đứa thứ nhì cũng lấy chồng tác chiến, nhưng tôi đã bỏ ra số tiền lớn chạy cho nó qua Cảnh-sát tháng trước rồi nên không còn lo-lắng nữa . Không biết số phận hai đứa sau này ra sao ? .
Tôi vẫn thường khuyên chúng nó nên lấy người Thương buôn hay Công-chức, nhưng tụi nó nói Trai tráng  bầy giờ hầu hết đi vào Quân-đội, tìm đâu cho ra Thương buôn hay Công chức ?
Thôi thì phó thác cho Trời Phật, cũng như Ông nhà tôi, chết đã hơn mười năm nay, một mình Tôi gồng gánh nuôi Con cho tới bây giờ . Nay con gái lớn lại rơi vào hoàn cảnh góa bụa như tôi, tội nghiệp nó quá .

Bà lấy khăn lau nước mắt rồi hỏi lại Tôi :

– Còn Cậu thì sao ? . Đã tới tuổi Động-viên chưa  ?
–  Dạ , tới rồi . Nhưng tuần rồi Cháu đã thi vào Hải-quân . hơn năm trăm người dự thi nhưng họ chỉ nhận chín chục, vài tuần nữa mới có kết quả . Không biết như thế nào nhưng nếu đậu thì Cháu phải ra Nha-trang học .
–  Cầu ơn trên cho Cậu vào được Hải-quân, dầu sao cũng an toàn hơn . Nhưng khi nào ra Nha-trang học nhớ ghé nhà tôi chơi nghe .Nhà Tôi có bốn tầng lầu ở đường Độc-Lập, tầng dưới là tiệm tạp hóa rộng rãi lắm .
– Dạ , cám ơn bác .

Tình cờ trên chuyến tàu lửa này Tôi gặp được Bà-già làm người bạn đường rất tâm đầu ý-hợp . Bà rất thích bản tánh thành thật trong lối nói chuyện của Tôi .
Bà kể cho nghe cuộc di-tản của gia-đinh Bà từ Bắc vào Nam năm 54 . Cuộc sống vất vả lúc ban đầu gầy dựng sự-nghiệp . Khi bắt đầu giàu có thì Ông kẹt tuổi Động-viên đi vào Sĩ-quan Thủ-đức .Bà gom góp tiền chạy cho Ông về phục-vụ gần nguyên-quán chẳng được bao lâu thì bị Việt-cộng pháo-kích ban đêm vào Doanh-trại, trúng ngay dãy nhà Ông đang ngủ, cháy rụi trong khoảnh khắc . Ông chết cháy không nhận dạng được mặt mũi, rất thảm thương  .
Khi Bà lấy khăn ra lau nước mắt, Tôi mở lời an-ủi  :

–  Đây là thảm cảnh chung của hầu hết gia-đinh Việt-nam trong thời buổi chiến tranh loạn lạc .  Nếu Bác hỏi bất cứ ai trên chuyến tàu này, chắc chắn Bác sẽ nghe toàn là những chuyện buồn mà không cầm được nước mắt .
– Ừ , Bác cũng nghĩ như vậy .

SAIGON 1974 by Gerd Nielsen - Thủ Đức | manhhai | Flickr

Tàu bắt đầu giảm tốc độ và hú còi liên tiếp, Bà già buột miệng :

–  Chắc là tới Ga Phan-thiết rồi .
–  Sao Bác biết ?
–  Tôi ngửi thấy mùi nước mắm rồi . Cậu không biết Phan-thiết nổi tiếng nước mắm à ? .  Lát nữa thế nào cũng có người mang nước mắm lên tàu bán .

Đúng như lời Bà nói, tàu vừa ngừng,hành khách chưa kịp xuống thì từng đoàn người lam lũ, tay xách nách mang , miệng rao bán hàng : Ai mua nước mắm thương hạng Phan-thiết không ? . Ai mua Cơm sườn nóng, Cơm gà chiên không ?  . Ai mua Bắp nấu, khoai nấu …Bánh tráng …..Đậu phọng …..v.   v..
Người rao bán không thiếu thứ gì … nghe điếc cả tai …

Bà già mua ba xách nước mắm, mỗi xách hai chai buộc lại với nhau có quai xách rất tiện lợi . Bà nói thông thường  mỗi chuyến đi Bà mua hai xách, lần này Bà mua thêm một xách để biếu Tôi về ăn thử . Tôi từ chối nhưng Bà bắt buộc phải lấy cho bằng được . Không những thế, Bà còn mua hai đĩa Cơm sườn nướng cho Tôi và Bà  . Tôi trả tiền, Bà nhất định không cho . Bà nói :

–  Nghe qua chuyện cuộc đời ăn học của Cậu, Tôi thực sự xúc động vô cùng . Con Tôi cũng đã nói Tôi nghe về Quán Cơm Sinh-viên, do bọn đầu-cơ bóc-lột, lấy tiền Chính-phủ rồi cho Sinh-viên ăn như cho Chó ăn, thật quá ác đức .

Tàu ngừng tại Ga đúng nửa tiếng thì bắt đầu hú còi lăn bánh, Tôi và Bà cũng vừa ăn cơm xong, Bà nói :

–  Tôi già yếu nên mỗi khi no bụng là buồn ngủ . Lát nữa nếu Tôi ngủ thì nhờ Cậu trông coi giùm hành lý, bây giờ bọn trộm cắp trên tàu nhiều lắm .
–  Dạ vâng, Bác cứ yên tâm nằm nghỉ, Cháu trông giùm cho .

Bà xếp lại mấy túi xách hành lý gọn gàng vào một góc rồi dựa lưng nằm ngủ, Tôi lấy cuốn Kiếm-hiệp Kim-Dung ra đọc, thỉnh thoảng ngước mắt nhìn bao quát, nơi Bà nằm ngủ . Trông gương mặt của Bà rất quắc-thước và nhân hậu.
Tôi nghĩ chắc chắn Bà lớn tuổi hơn Mẹ nhiều lắm . Nhưng tại sao Bà còn quá khỏe mạnh so với Mẹ mình . Có lẽ xưa kia Bà có được cuộc sống sung túc, còn Mẹ Tôi  sống đời góa-bụa khi Tôi vừa mới lên ba tuổi . Cuộc đời lam-lũ với ruộng đồng để nuôi sáu con còn nhỏ dại , đứa lớn nhất chỉ mới mười hai . Rồi khi chiến tranh lan tràn qua thôn xóm, Mẹ đem hết tài-sản Ông Ngoại chia cho để nuôi hơn một trăm Bộ-đội Việt-Minh đánh đồn Tây, ròng rã gần hai năm trời . Cho đến khi Hiệp-định Genève 1954 chia đôi đất nước, Bộ-đội rút về Bắc thì tài-sản của Mẹ cũng tan theo mây khói từ đó .
Nghĩ đến đây, Tôi không dám nghĩ tiếp nữa …

Nhìn ra bên ngoài thấy Trời đã tối từ bao giờ, tàu chạy sát ven biển nên gió thổi vào lành lạnh . Thấy Bà nằm co người lại nên Tôi cởi cái áo choàng đắp phủ lên cho Bà . Trông Bà ngủ thật ngon giấc, Tôi nói thầm trong bụng, giá như đây là Mẹ mình thì mình sung sướng biết là bao ! .Thế nhưng bất cứ Bà Mẹ nào cũng cùng chung một Ý-hướng, một tấm Lòng son-sắt : Ráng làm lụng vất-vả để nuôi con ăn học thành tài , mai sau giúp chính bản thân và giúp Quốc-gia Xã-hội .

Tôi đứng lên đi lui đi tới cho đỡ ê-ẩm mình mẩy . Gặp Ông già kiểm soát vé cho hay khuya nay đến Ga Phan-Rang và sáng sớm mai sẽ tới Nha-trang . Tôi nghĩ khi đến Nha-trang, Bà già xuống rồi Tôi sẽ không còn ai trò chuyện cho nửa đoạn đường còn lại . Chắc lúc đó Tôi sẽ ngủ thêm một giấc khá dài …..

Tàu đến Phan-Rang đã hơn nửa đêm, Bà già còn ngủ ngon nên Tôi cũng lấy túi áo quần dựa lưng nằm ngủ . Nhưng thật sự chỉ mơ mơ màng màng chứ có ngủ được gì đâu . Bởi thỉnh thoảng phải mở mắt nhìn về phía Bà già xem có trộm cắp gì không , đó là công việc Bà đã giao phó .

Ngủ chập chờn như thế cho đến lúc Hừng Đông ló dạng phía tay phải nhìn ra biển . Tàu hú lên liên tục những hồi còi báo hiệu sắp đến sân Ga trong khi vận tốc giảm dần … giảm dần rồi ngừng hẳn .
Bà già ngồi dậy vuốt tóc nhìn Tôi mỉm cười nói :

–  Đến Nha-trang rồi . Đêm qua Tôi ngủ ngon quá, chắc là nhờ chiếc áo Cậu đắp cho, hơn nữa Tôi yên tâm có Cậu nên không lo sợ trộm cắp .

Tôi vừa thu xếp bịch quần áo, nước mắm bỏ dưới ghế ngồi để lát nữa xách giúp hành lý  Bà già xuống sân Ga vừa trả lời :

–  Bác ngủ ngon nên không có ai kể chuyện đời cho Cháu nghe .
–  Yên tâm đi, chắc chắn chúng ta sẽ có nhiều dịp nữa mà . Vái Trời cho Cậu đậu Hải-quân để đến Nha-Trang học .

Chen lấn đi theo đoàn người vừa Hành khách vừa dân buôn bán, bước xuống sân Ga  là Bà nói ngay :

–  Hai đứa con gái Tôi đến đón rồi kìa .

Nhìn về hướng Bà đi tới thấy hai Cô đang chạy lại, miệng kêu lớn Mẹ ..Mẹ
Khi nhận ra Tôi xách hành lý giùm Bà già thì Họ khựng lại hỏi :

–  Ai đây Mẹ ? .
–  Đây là cậu Nhân, Sinh-viên Đại-học Sài-gòn, người đã giúp Mẹ lên xuống tàu và canh kẻ trộm cho Mẹ ngủ suốt từ Sài-gòn ra đây .

Cô Chị nhanh miệng nói :

–  Cám ơn Anh đã giúp đỡ Mẹ tôi già yếu .
–  Không có gì đâu, Tôi phải cám ơn Bà Cụ kể chuyện đời cho nghe mới phải chứ .

Bà già quay sang Cô em bảo :

–  Con đi mua một đĩa Cơm gà, ít trái cây và nước uống để trưa nay cho Cậu Nhân dùng .

Tôi chưa kịp cản ngăn thì Cô em đã nhanh chân đi rồi . Bà già nói với Cô chị :

–  Cậu Nhân đây có hoàn cảnh rất đáng thương, đã đến tuổi Động-viên, bây giờ về Đà-Nẵng thăm Mẹ bịnh trước khi vào nhập ngũ . Lát nữa về nhà Mẹ kể chi-tiết cho nghe .

Đúng lúc Cô em xách bịch nylon thức ăn trở về, còi tàu bắt đầu hú vang, hối thúc hành khách lên tàu để tiếp tục hành-trình, Tôi chỉ kịp chào từ giã ba Mẹ con và xách bịch đồ ăn chạy lên tàu chứ không kịp hỏi họ tên gì .
Bà già dặn với theo :

–  Đừng quên Niệm Phật nghe Cậu, Tôi đã tặng Cậu Tượng Phật trong túi áo .

Trở lại chỗ ngồi, Tôi lấy bịch áo quần làm gối nằm ngủ tiếp .…
Ngủ mê được vài tiếng, Tôi lại bắt đầu suy nghĩ .  Lần đầu đi tàu lửa gặp toàn là chuyện may mắn, sáng hôm qua Cô bán vé giúp, lên tàu gặp Bà già giúp, trong lòng rộn lên niềm vui khó tả . Không biết đây có phải là do phúc đức Gia-đình mình không ? . Thôi thì cũng tạm tin tưởng như thế .

Tôi thò tay vào túi áo khoác lấy ra Tượng Phật nhỏ bằng Cẩm-thạch và nhắm mắt cầu nguyện rồi lấy truyện kiếm-hiệp ra đọc để giết thì giờ  . …

San Jose cuối Hè 2008

Nguồn: http://www.bienkhoi.com/so-44/ban-duong.htm

Leave a comment