Nam Hàn và Biển Đông : Xoay trục ? – Trần Lý

                                                             Trần Lý

  • Tin tức báo chí và truyền thông :
  • VOA Mar 21, 2024 :

   “Tensions Simmer between South Korea and China as Seoul Pivots to Global Role”

Ngoại Trưởng Nam Hàn đã mạnh mẽ lên tiếng bênh vực chính sách của Hàn khi mời Taiwan tham gia Hội Nghị Thượng đỉnh về Dân chủ, (14 tháng 3) tổ chức tại Seoul. bất chấp phản đối của Tàu. Trước đó ngày 7-3, Hàn đã thay đổi thái độ ‘trung lập’, lên tiếng công kích Tàu đã dùng ‘vòi rồng’ tấn công tàu Phi, gây những ‘căng thẳng’ trong khu vực  Biển Đông  (mời Taiwan tham dự Hội Nghị là chính thức.. chống Tàu !)

  • South China Morning Post 12 Mar, 2024

“Watch yourself’ Beijing warns South Korean after remarks on South China sea clashes”

  Ngoại trưởng Tàu lên tiếng cảnh báo, rất quan ngại, sau khi Hàn công khai chỉ trích thái độ hành xử của Tàu, dùng vòi rồng tấn công tàu thuyền Phi, trong cuộc tranh chấp “Bãi Cỏ Mây”. Ngoại trưởng Tàu Uông Văn Bân (Wang Wenbin) cho biết ‘Hàn ‘không” liên quan đến Vùng biển Nam Trung Hoa (Biển Đông).. nhưng thay vì giữ tính cách trung lập như trước đây, nay lại lên tiếng chỉ trích.. Tàu ?

    Nam Hàn, từ sau 1975,  theo truyền thống, đã cố giữ một cân bằng thận trọng trong chính sách ngoại giao, đặc biệt giữa Mỹ và Trung Hoa. Mỹ vẫn là một Đồng Minh quan trọng nhất của Nam Hàn,  ‘bảo vệ’ an ninh và yểm trợ quân sự’ cho Hàn nhưng Tàu lại là đối tác kinh tế tối quan trọng với Hàn!. Cân bằng tế nhị này khiến Hàn cố tránh né  ‘về phe’ , trong các cuộc đối đầu tại khu vực Đông Á, Biển Đông và cả Taiwan !

   Tàu luôn luôn có thái độ ‘trừng phạt kinh tế’ mỗi khi Hàn có thay đổi trong kế hoạch quân sự :  Ngay khi  Hàn  chấp nhận (2016) thiết đặt Hệ thống Phòng thủ Phi đạn THAAD (Terminal High-Altitude Area Defense) . Tàu đã phản ứng bằng trừng phạt kinh tế: cấm du khách Hàn đến Tàu, tẩy chay hàng hóa  như xe hơi, phones ra lệnh đóng cửa Hệ thống Siêu thị Hàn Lotte trên toàn nước Tàu . Công ty Hyundai thiệt 75.7% doanh số và đóng 3 cơ xưởng tại Tàu..   

  • Nam Hàn và Biển Đông

   Giữ cân bằng  một cách thận trọng trong các giao tiếp với Mỹ và Trung Hoa là một nghệ thuật ngoại giao của Nam Hàn qua nhiều thập kỷ và qua những chính phủ kế tiếp nhau. Bị kẹt giữa ‘dilemma’ chọn giữa, một đồng minh quan trọng nhất (Mỹ) và một đối tác thương mại (Tàu)  cũng.. lớn nhất. Seoul đã phải tránh né, theo phe giữa hai cường quốc đang tranh quyền ‘bá chủ’ (hegemony). Kết quả là Hàn luôn giữ ‘im lặng’ (ngậm miệng, không lên tiếng), tránh bày tỏ ý kiến trong các vấn đề chính trị tế nhị và vấn đề an ninh đang diễn ra tại Vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương..  

     Tuy nhiên, sự cạnh tranh thách thức càng ngày càng gia tăng tại mọi khu vực chiến lược, từ trao đổi thương mại và kỹ thuật đến an ninh.quốc gia . Khu vực để Seoul giữ thái độ mơ hồ (ambiguity) càng bị thu hẹp, đặc biệt là sự căng thẳng gia tăng trong các vùng biển tranh chấp có nguy cơ đưa đến đụng độ quân sự, Nam Hàn đã phải đối đầu trực tiếp với vai trò trên biển.. của mình !  

 Khu vực Biển Đông, trải dài trên 1800 hải lý từ Sumatra đến Taiwan (phía Tây Thái Bình Dương) đã trở thành vùng tranh chấp chiến lược ‘bá chủ’ chính giữa Mỹ và Tàu..

  • Phía Mỹ , Biển Đông là vùng trái độn, để Mỹ phát huy sức mạnh quân sự vào khu vực Thái bình dương Á châu và vào Ấn độ dương , ngăn chặn ảnh hưởng của Tàu.
  • Phía Tàu, Biển Đông là thủy lộ để Tàu vào Thái Bình dương và là đường biển nối Tàu với vùng Trung Đông và Phi châu., đồng thờ là khu vực chiến lược để Tàu tạo được cân bằng với ảnh hưởng quân sự và chiến lược của Mỹ..nhằm mục tiêu xa hơn..”bá chủ’ khu vực!

      Với mục tiêu ‘Bá quyền’, chiến thuật trên biển của Tàu đã manh nha từ thời Đặng Tiểu Bình, với quan niệm ‘Chuỗi hải đảo”

  • Chuỗi thứ nhất được ‘vẽ’ thời Giang Trạch Dân (Jiang Zemin), bao gồm Indonesia và Philippines, nối đến các đảo của Nhật, được vẽ như ‘đường ranh phòng thủ từ xa .. của Tàu !
  • Chuỗi thứ 2, vẽ trong thời Hồ Cẩm Đào (Hu Jintao) ra xa hơn., kéo từ các đảo Izu của Nhật đến tận Papua Tân Guinea..

   Bắc Kinh xây dựng các hệ thống bảo vệ không phận A2/AD (anti-access and area denial) để ngăn chặn các lực lượng quân sự Mỹ. Dưới thời Tập Cận Bình, Tàu gia tăng phát triển Hải quân và các phương tiện hàng hải, xây dựng các căn cứ quân sự trên các bồi đắp nhân tạo trong vùng chiếm đóng Hoàng Sa và Trường Sa..

    Tham vọng bành trướng vùng biển, lấn chiếm hải đảo gây nhiều tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải với các quốc gia Đông Nam Á (Trung Cộng tìm các thỏa ước song phương, tránh bị kiện cáo trước Tòa Án Quốc Tế, vì luôn bị xử.. thua!, không chịu thi hành các phán quyết bất lợi của Tòa Quốc Tế (dù Tàu là một thành viên UNCLOS)..

  Tập Cận Bình còn vẽ thêm một ‘ Chuỗi đảo phòng thủ thứ 3’.. nhằm vào Mỹ !

   Thái độ hung hăng gây hấn của Tàu gia tăng, tạo thách thức cho tình trạng ổn định hiện có, đồng thời đe dọa việc lưu thông hàng hải tự do, tối quan trọng, đối với Mỹ tại Thái bình Dương Á châu. Và Mỹ đã phải ‘xoay trục về Ấn Độ-Thái bình Dương sau một thời gian lơ là, Mỹ đã phải gia tăng lực lượng hải quân tại Biển Đông..

    Quan điểm chiến lược ‘chính’ chống Tàu của Mỹ có thể tóm lược vào 3 kế hoạch : Mosaic Warfare, Ghost Fleet Overlord program và Offset Strategy, nhằm ngăn chặn Tàu không để Tàu  tăng ảnh hưởng quân sự tại Biển Đông..

  • Mosaic Warfare , Chiến lược dùng một lực lượng giới hạn nhưng tái sắp xếp hợp lý thành nhiều dạng khác nhau, nhằm chống sự kiện Tàu, Nga  tăng cường số lượng quân và vũ khí trong khu vực có thể xảy ra chiến tranh (cụ thể tại Biển Đông như Taiwan).
  • Ghost Fleet Overlord Program, dùng khả năng chiến đấu của Hạm đội Chiến đỉnh không người lái..” (unmanned surface vehicles), nghiên cứu từ 2018,  đã được HQ Mỹ đưa vào sử dụng từ 2024..
  • Offset Strategy, chiến thuật cạnh tranh, tìm cách giữ lợi thế trước một đối phương , trong một thời gian kéo dài và duy trì hòa bình cho đến khi có thể được..

   Sự căng thẳng tại Biển Đông đưa đến nguy cơ có thể xảy ra đối đầu quân sự giữa Mỹ và Tàu? cũng có thể Mỹ bị lôi cuốn vào, do đối đầu quân sự giữa Tàu và các nước trong khu vực ( Tàu với Taiwan, Philippines..)

    Đụng độ quân sự trong khu vực có ảnh hưởng đến quyền lợi quốc gia của Hàn

gây trở ngại cho các hài trình tại Biển Đông và các đường nối kết chuyển vận hàng hóa xuất-nhập cảng.

   Khoảng 40% khối lượng hàng hóa xuất-nhập của Hàn được chuyển vận theo đường Biển và 90% lường dầu thô và khí đốt nhập vào Hàn đều đi qua Biển Đông..

                                      Hàng hóa từ Seoul đi Singapore

                                    Dầu thô và Khí đốt đến Nam Hàn

   Khi Tàu gia tăng áp lực tại Biển Đông và Mỹ lo ngăn chặn.. Mỹ buộc phải ‘kéo’ thêm Đồng Minh yểm trợ thêm về chính trị, quân sự và Nam Hàn là một trong những quốc gia Mỹ cần đến sự trợ giúp.. Hàn buộc phải tính toán lại tình huống khó xử ‘dilemma’ này, Trong khi Úc và Nhật lên tiếng mạnh mẽ hậu thuẫn cho các chính sách chống Tàu tại Biển Đông, sự lựa chọn thái độ của Hàn có phần khó khăn hơn!

  • Nam Hàn xoay trục..

 Trong các năm 2015 và 2016, Seoul bày tỏ thái độ: Cần có một kế hoạch giải quyết các cuộc tranh chấp tại Biển Đông trong Hòa Bình và ủng hộ cho Việc Tự do Hải hành trong khu vực.. Một thái độ.. ‘vô thưởng vô phạt’

    Tàu ngoài vai trò đối tác kinh tế, còn là một lân bang mà Nam Hàn rất cần  để giúp kiềm chế Bắc Hàn, có vũ khí nguyên tử, luôn gây rối..

     Nam Hàn đã phải đi từng bước  trong cuộc xoay trục..

  • Về vấn đề Taiwan, Nam Hàn rất thận trọng,,tuyên bố ủng hộ Hòa bình và ổn định tại Eo biển Taiwan, và tự do hàng hải trong khu vực Đông và Nam Thái Bình Dương, ngừng và  từ chối đi xa hơn khi bàn về tình trạng và chủ quyền Taiwan !
  • Trục bắt đầu xoay..

     Ngày 21 tháng 8, 2023..lần đầu tiên Nam Hàn và Ấn Độ cùng lên tiếng phối hợp với Mỹ, Nhật và một số quốc gia Âu châu, ủng hộ Philippines trong cuộc tranh chấp với Tàu tại Biển Đông..sau khi Tàu tấn công thuyền bè Phi bằng.. vòi rồng.

  TT Mỹ Biden đã mở cuộc Họp Thượng Đình 3 nước cùng Thủ tướng Nhật Fumio  Kishida và TT Nam Hàn Yoon Sook Yeol tại Camp David (18-08-2023)

 Thông cáo chung “The Spirit of Camp David’ được đưa ra, khẳng định 3  Nước Mỹ-Nhật-Hàn cùng ủng hộ Phán quyết bác bỏ việc đòi hỏi về chủ quyền tại Biển Đông của Tòa Án Quốc Tế The Hague 2016..Phán quyết này bác bỏ đòi hỏi, dựa theo.. quyền thừa hưởng mơ hồ về lịch sự, hải phận do Tàu ra  ‘’Đường 9 đoạn’

   Bản thông cáo khẳng định : “ Chúng tôi chống lại mọi hành động đơn phương nhằm thay độ tình trạng đang có ‘statu-quo’ tại Vùng Biển Ấn độ – Thái bình Dương.

    Với bản thông cáo này, lần đầu tiên Nam Hàn xác định việc xoay trục, chính thức về phe Mỹ-Nhật tại Biển Đông..tuân theo phán quyết của Tòa UNCLOS

Chính sách ngoại giao của Nam Hàn vượt ra khỏi khu vực Bán đảo Triều Tiên, và TT Hàn tuyên bố thêm sẽ cộng tác cùng Mỹ và Nhật để trợ giúp cho các quốc gia tại Biển Đông những yểm trợ cần thiết về an ninh và an toàn hải hành..

    Ấn Độ gia nhập liên minh..chống Tàu xưng ‘bá’ tại Biển Đông, sau khi lên tiếng (6-2023) bênh vực Phi trong cuộc tranh chấp Bãi Cỏ Mây, phù hợp với phán quyết của UNCLOS 2016  (Việt Nam, tính sai, do e ngại Tàu, không kiện chủ quyền Đảo Cỏ May.. nay đành chịu trở thành.. kẻ ngoại cuộc !). Ấn Độ đã ‘sát cánh’ với Mỹ trong việc ủng hộ Phi.

1- Trục Kinh tế :

    Từ tháng 12-2023, Hoa Kỳ đã trở thành quốc gia đứng đầu trong các ‘bạn hàng’ của Nam Hàn, thay chỗ cho Tàu (hạng nhất từ 2004). Lần đầu tiên sau 31 năm, Hàn có một thâm thủng mậu dịch với Tàu, xuất cảng sang Tàu năm 2023 giảm 20% từng năm xuống còn 124.8 tỷ USD trong khi nhập cảng từ Tàu chỉ giảm 8%, còn 142.8 tỷ USD. Đầu tư gia tăng mạnh đổ vào Mỹ của các Đại Tổ hợp Hàn về xe hơi, phụ tùng, và bình điện, semiconductors…. và Nam Hàn trở thành quốc gia tuy sát cạnh Tàu nhưng lại mua bán ít hơn với Tàu (từ 2024)

   Điểm quan trọng đáng chú ý nhất trong sự kiện chuyển trục kinh tế này là Bản Kế hoạch công bố tháng 12-2023 của Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn về Chiến lược 3050, đặt ra chương trình ổn định hóa dây chuyền cung ứng nguyên liệu, giảm mọi tùy thuộc vào Tàu, dự trù vào 2030 sẽ giảm được tối thiểu 50%. Kế hoạch này cho thấy quan ngại của Nam Hàn trong việc ‘giới hạn cung cấp nguyên liệu’ rất có thể xảy ra do sự trả đũa’ của Tàu..

  Nam Hàn xuất cảng sang Tàu các mặt hàng chính.. Chips điện tử (50.3 tỷ USD); hóa chất từ dầu hỏa (6.28 tỷ); trang bị truyền thông (6.13 tỹ). Công nghiệp bình điện xe EV của Hàn tùy thuộc vào các nguyên liệu tối quan trọng do Tàu cung cấp như lithium, graphite và khí hiếm..

    Hàn đã được sự yểm trợ của Mỹ-Nhật trong Mineral Security Partnerships để có kế hoạch cung ứng các nguyên liệu hiện đang bị Tàu giữ độc quyền..

   Hàn đã đầu tư 20 tỷ USD vào xe EV và Bình điện vào Mỹ, theo Inflation Reduction Acts, và trở thành quốc gia đầu tư hạng đầu tại Mỹ , trước cả EU và Nhật.

2- Trục Buôn bán vũ khí

Trong những năm gần đây, Hàn tiến dần , trở thành một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về buôn bán vũ khí. Tham vọng trở thành Global Pivotal State của Hàn mở rộng trong nhiều lĩnh vực và xuất cảng vũ khí (với trợ giúp kỹ thuật của Mỹ) là mục tiêu quan trọng nhất. Năm 2023, Nam Hàn đã bán đến 15 tỷ USD về công nghiệp quốc phòng và theo chương trình  dự định thì đến 2027 sẽ trở thành quốc gia bán vũ khí hạng thứ tư trên thế giới, vượt qua cả Tàu  (năm 2000, Hàn chỉ ở hạng 31, nhưng  2019 lên hạng 10..)

     Phía sau công nghiệp vũ khí Nam Hàn là cộng tác kỹ thuật Mỹ (phương thức tránh né của Tài phiệt vũ khí Mỹ, tìm cách vượt khỏi các kiểm soát của Quốc Hội.)  Hiện nay số quốc gia mua vũ khí của Hàn lên đến 12 nước : mua đại bác, xe tăng, giàn phóng rocket và phi cơ chiến đấu, đạn… Mục tiêu thương vụ vũ khí năm 2024 là 20 tỷ USD..

     Chuyện bên lề của..cách làm ăn : Nam Hàn không ..buôn bán súng đạn trực tiếp cho Ukraine.. nhưng cung cấp đạn 155m mới cho Mỹ sau khi Mỹ.. xuất kho đưa đạn gần hết hạn tồn kho.. sang Ukraine !

Các Công ty Công nghiệp Quốc phòng Nam Hàn như Hanwha Aerospace, Korean Aerospace Industries, Hyundai Rotem, LIG Next1.. không kịp sản xuất nhiều mặt hàng. mà các nước “không thân Mỹ’  hoậc không thể mua trực tiếp từ Mỹ (vì phải có sự chuẩn thuận của quốc hội..)

       (Xin đọc bài riêng  về Công nghiệp vũ khí Nam Hàn..và những bí ẩn..đằng sau)

3- Trục Liên minh quân sự

     Hoa Kỳ và Nam Hàn có thỏa ước liên minh quân sự từ 1953 Mutual Defense Treaty và thỏa ước vẫn đang còn hiệu lực. Hoa Kỳ sẽ cùng Nam Hàn phòng thủ trong trường hợp Nam Hàn bị tấn công, kể cả bị tấn công bằng vũ khí nguyên tử.. Mỹ có một lượng trú đóng khoảng 40 ngàn quân, thường trực tại Nam Hàn.. Thỏa ước được tái xác nhận và tăng cường thêm nhân dịp kỷ niệm 70 năm ký kết (2023). Ngoài các điều khoản đã và đang có, bản Defense Vision 2023 còn mở rộng thêm với các điều khoản mới liên quan đến ‘cộng tác kỹ thuật’ quốc phòng, về ‘an ninh’ tại Vùng biển Ấn Độ – Thái bình Dương, bao gồm Biển Đông..

Ngoài Hoa Kỳ là liên minh chính, Nam Hàn còn quay trục và mở rộng thêm các liên minh đối tác chiến lược khác :

  • NATO : Nam Hàn có những cộng tác song phương với NATO, chia sẻ những vấn đề an ninh, gồm cả chống cyberwar, chống khủng bố.. Từ 2022, Nam Hàn đã có Phái bộ Ngoại giao thường trực bên cạnh NATO..

  Nam Hàn trở thành đối tác chung với Úc, Nhật và NewZealand trong khu vực Ấn Độ-Thái bình Dương (đây là biểu hiện xoay trục của Nam Hàn, qua các Phiên họp Thượng đỉnh NATO 2022 (Madrid) và ké tiếp (2023 Vilnius)

  • ANKUS (Anh + Úc + Mỹ) : Nam Hàn trở thành đối tác chiến lược (2022), tham dự vào các nghiên cứu kỹ thuật (cùng chế tạo tàu ngầm  cho Úc) (Chương trình ANKUS Pillar 2)
  • Nam Hàn cộng tác chặt chẽ hơn với Úc và qua Úc đang có những chương trình hợp tác với Khối QUAD (có cả Nhật và Ấn Độ)
  • Ngày 18 tháng 8, 2023, tại Camp David Mỹ , Nhật và Nam Hàn đâ ký một Thỏa ước an ninh quốc phòng chung (trilateral pact) JAROKUS. Thỏa ước xác định : “Đe dọa anh ninh với 1 trong 3 quốc gia sẽ là đe dọa chung cho cả 3 nước’.Thỏa ước tuy không nêu rõ các phản ứng quân sự nhưng ghi rõ về cộng tác phòng thủ chống phi đạn và tập trận chung của 3 nước… Ba quốc gia có chung một chính sách an ninh cho vùng Ấn độ-Thái bình Dương..

                                                                            Trần Lý 5-2024

Nguồn: Mr. TL chuyển.

Nửa thế kỷ nhìn lại đời ‘Boat People’ – Triều Phong

Vài cảm nghĩ sau khi xem phim “Thuyền Nhân” của đạo diễn Thanh Tâm
  • Triều Phong – 15 tháng 5, 2024

Poster của phim

Ngày 12 Tháng Năm năm 2024 cũng là ngày Lễ Mẹ, Cộng Đồng Người Việt ở Dayton và các vùng phụ cận đã có dịp gặp gỡ đạo diễn trẻ, đẹp, duyên dáng; cô Thanh Tâm và được xem phim tài liệu lịch sử cận đại của Việt Nam, đó là phim “Boat People” do chính cô dàn dựng. Buổi chiếu phim miễn phí gồm hai xuất vào lúc 1:45 chiều và 5:45 tối đã được một số nhà hảo tâm tại đây tài trợ! 

Đối với lịch sử thì năm mươi năm không phải là một khoảng thời gian dài nhưng với một đời người thì nó đủ cho người ta nhìn, soi rọi và chiêm nghiệm lại đời mình. Đặc biệt đối với các nhà viết, nghiên cứu lịch sử thì năm mươi năm là một thời gian đã đủ để cho người ta phân tích, tìm hiểu những sự kiện lịch sử đã xảy ra ở thời kỳ đó. 

Trong cùng cái ý tưởng ấy, một người trẻ của thế hệ không phải là thuyền nhân nhưng đạo diễn Thanh Tâm đã băn khoăn đi tìm lại cội nguồn của mình, tìm hiểu vì sao mình hiện diện tại Canada, vì sao người Việt có mặt ở khắp năm châu, bốn bể để mới chợt khám phá ra cả một biến cố to lớn đầy đau thương sau Ngày 30 tháng Tư năm 1975 khiến cả dân tộc Việt Nam của cô phải chịu đựng biết bao khổ đau mà cô cần phải ghi lại. 

Cô ghi lại bằng những thước phim tài liệu lịch sử của Việt Nam cho chính cá nhân cô cũng như các thế hệ mai sau biết về hải trình, lộ trình của ông bà họ đã hy sinh tất cả gia tài sự sản, thậm chí cả mạng sống trên đường vượt thoát chế độ cộng sản để tìm tự do. Cô ghi lại để cho cô và những người trẻ lớn lên ở hải ngoại biết “Freedom is not free!” mà Martin Luther King đã nói, nó quý giá như thế nào để gìn giữ. Và đó là lý do phim Boat People ra đời! 

Thanh Tâm đã không quản nhọc nhằn để bỏ ra một thời gian dài đi tìm phỏng vấn các nhân chứng, nạn nhân của phong ba bão táp, của hải tặc Thái Lan tàn bạo, hãm hiếp giết người diệt khẩu trong suốt các thập niên cuối 70 tới 80 rồi 90. Và Thanh Tâm cũng không ngại “thân gái dặm trường” mà lặn lội đi khắp những trại tị nạn thuyền nhân ngày xưa như Bidong, Galang… để tìm hiểu về đời sống cơ cực của họ ở đó bằng tài chánh cá nhân ít ỏi của mình. Chính ở những quốc gia tạm dung này cô đã thấy có nhiều nghĩa trang với vô số mồ xiêu mả lạc của người vượt biển đã bỏ mình, đã gửi lại nắm xương tàn trước khi đến được xứ sở tự do thật sự. Nhiều thảm cảnh thương tâm đã từng xảy ra ở đây mà dân chúng xứ tự do không biết, lương tâm nhân loại không chứng kiến được. 

Cô đã tự hỏi tại sao đất nước không còn chiến tranh, thống nhất hai miền Nam Bắc rồi mà sao lại có hàng triệu người phải bỏ nước ra đi? Họ băng rừng vượt biển, đem sinh mạng đùa với đói khát, với phong ba bão táp, đem số phận đánh đu với hải tặc luôn rình rập ngoài biển khơi? Theo thống kê của Cao Ủy Tị Nạn thì đã có cả mấy trăm ngàn người bỏ mạng dưới lòng đại dương hay trong rừng sâu nước độc với hàng trăm lý do khác nhau. Ho đã dùng mọi phương tiện thay cho cứu cánh vì hai chữ tự do! 

Thế cho nên hai từ “Boat People” là cục xương khó nuốt của chính phủ Cộng Sản Việt Nam. Nó là hệ quả nói lên bởi một chính sách khắc nghiệt, phân biệt đối xử, trả thù tàn bạo dân chúng miền Nam sau 1975 mà đảng Cộng Sản Việt Nam đã thực thi. Vì vậy họ ra sức dùng quan hệ ngoại giao để ép buộc những nước từng có trại tị nạn quanh vùng Đông Nam Á đập phá các bia tưởng niệm thuyền nhân nhằm xóa bỏ dấu tích cai trị dã man của mình. Nhưng dã tâm của họ không thành công vì hiện nay có vô số đài tưởng niệm thuyền nhân được xây dựng trên khắp các quốc gia tự do có người Việt sinh sống và sâu xa hơn nữa là ngay trong tim của người tị nạn! 

Và bây giờ ngoài các tác phẩm văn học hay âm nhạc nói về khúc quanh lịch sử này thì trong lĩnh vực điện ảnh, chúng ta bắt đầu có một số phim ngắn mà điển hình là Boat People của nữ đạo diễn Thanh Tâm đang công chiếu! 

Tác giả Triều Phong cùng gia đình, tại buổi ra mắt phim (Hình: TP)

Tôi là một thuyền nhân vượt biên nhiều lần, bị bắt ở tù vài ba lần và bị kẹt lại ở trại PFAC (The Philippine First Asylum Camp) gần mười một năm nhưng tôi cũng không nén nổi nỗi ngậm ngùi khi xem lại các cảnh đoạn trường xưa trên màn ảnh hoặc lúc nghe lời tâm sự đớn đau đẫm nước mắt của các phụ nữ từng là nạn nhân của hải tặc thuở nào hay nghe tiếng thét hốt hoảng của người ngồi sau khi thấy cảnh ghe vượt biên lật úp làm toàn bộ thuyền nhân phải mạng vong. 

Đạo diễn Thanh Tâm đã thành công khi khai thác các hình ảnh tài liệu thật sự thương tâm để lột tả nỗi cơ cực kinh hoàng của thuyền nhân khi vượt biển qua hình ảnh bà mẹ đã kiệt sức do đói khát nhiều ngày nhưng vẫn cố cho con bú để

cứu con khỏi chết đói. Và đứa bé thì chỉ còn da bọc xương, mắt mở trừng trừng nhưng miệng vẫn cố ngậm chặt vú mẹ tìm chút sữa cuối cùng hay chi tiết khéo léo tuy nhỏ khác nhưng cũng đã đánh động lòng người bằng việc quay lại lời kể 

của một nhân viên di trú lúc thấy một em bé bốn năm tuổi khệ nệ mang theo chiếc bình nhựa có chứa ba bốn lít nước bên trong, lẽo đẽo đi rất xa gia đình ở phía sau vì nặng khi được định cư do lo sợ chết khát bởi không có nước uống như trên ghe hôm nào! 

Họ cũng có thể là các người đã đến được bến bờ tự do nhưng chỉ còn là những cái xác không hồn vì bị khủng hoảng tinh thần bởi vô số chuyện kinh hoàng đã xảy ra trên ghe, trên biển mà họ đã chứng kiến hoặc như tôi bây giờ dù đã định cư ông Mỹ hơn hai mươi năm mà đôi lúc cũng còn giật mình hốt hoảng vì hình ảnh hãi hùng vượt biển năm xưa mà thầy tôi; một giáo sư người Mỹ gọi đó là hội chứng PTSD (Post-Traumatic Stress Disorder) của thuyền nhân Việt Nam. 

Tuy nhiên phim cũng không tránh khỏi thiếu sót khách quan lúc nói về trại PFAC ở Palawan, Philippines. Do dịch Covid-19 hoành hành nên đoàn làm phim không thể tới trại tị nạn này vì vậy không biết chính phủ Phi cũng có cưỡng bức hồi hương thuyền nhân vào ngày Valentine, 14 tháng 02 năm 1996, như các trại khác chứ không phải không có như trong phim đã nói! 

Vì Phi có tham gia ký cam kết vào Chương Trình Hành Động Toàn Diện (CPA) về tị nạn Đông Dương năm 1989 nên cũng phải áp dụng biện pháp cưỡng bức nhưng là quốc gia nhân đạo duy nhất chỉ thực hiện một lần rồi cho phép thuyền nhân ở lại theo tinh thần nhân ái của người Kitô hữu khi chứng kiến người lánh cư lại một lần nữa liều mạng ngăn chặn máy bay, phản ứng quyết liệt trên phi đạo ngày ấy. 

Cuối cùng, xin chân thành cảm ơn đạo diễn Thanh Tâm đã hy sinh công sức để dựng lại một cuốn phim có giá trị lịch sử rất cao về tự do, nhân bản cho hậu thế bằng cả nhiệt huyết của người trẻ có lòng với quê hương cùng sự can đảm không sợ chính quyền cộng sản Việt Nam bên nhà cũng như các vị mạnh thường quân ở đây đã tài trợ dù người Việt chúng ta nơi này không nhiều nhưng cũng đã tạo cơ hội cho các em cháu hiểu thêm về nguồn gốc, xuất xứ của bản thân, gia đình mình.

Hy vọng cuốn phim này được chiếu rộng rãi và gặt hái thêm nhiều thành công ở khắp nơi có người Việt sinh sống trên thế giới và được sự ủng hộ của mọi người dành cho Thanh Tâm; nữ đạo diễn trẻ, cả về vật chất lẫn tinh thần để cô có thêm phương tiện thực hiện những ước mơ kế tiếp. Đây là dịp cho chúng ta nhìn lại mình nhưng không phải thấy đời đã “xanh rêu” mà là xanh tươi do đã gieo hạt, ươm mầm cho các thế hệ con cháu đời sau được sống trong ấm no hạnh phúc, và thành đạt trên xứ người. 

Dayton, Ohio ngày 13 Tháng 05 năm 2024

Nguồn: https://saigonnhonews.com/van-hoa-van-nghe/dien-anh/nua-the-ky-nhin-lai-boat-people/

Mấy sông cũng lội… – Kim Loan

14/05/2024

  • Kim Loan

Tình yêu thì ở nơi đâu cũng có, mùa nào cũng có, hoàn cảnh nào cũng có, nhất là trong trại tỵ nạn khi mà nỗi buồn niềm vui mong manh luôn luôn hiện hữu. Nhưng đừng nghĩ rằng ở trại tạm dung, lộn xộn, thì được tự do thoải mái hẹn hò yêu đương, mà còn có những trường hợp bị cấm đoán, ngăn cản. Không cách núi ngăn sông mà lòng phải nhớ nhung, gặp nhau lén lút, bí mật như câu hát của Trịnh nhạc sĩ: vội vàng thay những lúc yêu người.

    Chàng và nàng là cư dân cùng lô nhà với tôi. Nàng qua trại cùng với bố mẹ, bà ngoại và hai đứa em trai. Là con gái mới lớn, con gái cưng của gia đình nên khi biết nàng quen với chàng thì cả nhà phản đối, lý do rất rõ ràng: chàng đã có một đời vợ bên Việt Nam.

    Dù chàng có giải thích đã ly dị vợ cũ, đường ai nấy đi, nhưng mấy ai tin ở cái hoàn cảnh trại tỵ nạn xô bồ xô bộn này, quá  khứ ai mà kiểm chứng được thực hư! Cho nên kể từ đó, nàng bị gia đình “kìm kẹp” sát nút, nhất cử nhất động đều có người đi theo, giám sát, cận kề. Mà cái trại thì nhỏ xíu như cái lỗ mũi, đâu thể giữ nàng mãi trong “căn nhà” chật chội tù túng, mà hổng lẽ cả nhà cứ phải mất thời gian đi theo nàng cả ngày lẫn đêm? Nhưng làm gì làm, nhiệm vụ “canh gác” con gái rượu vẫn được ưu tiên một. Vậy mà đùng một cái, tin đồn nàng …có bầu râm ran cả khu nhà.

    Bà ngoại nàng qua nhà chúng tôi kể lể than van:

    – Trời ơi là trời, nhà tui canh chừng nó không hở phút giây nào, chỉ có điều thỉnh thoảng phải cho nó đi bộ ra ngoài đi…vệ sinh, đi tắm rửa, hoặc buổi chiều cho nó đi dạo vài vòng co giãn chân cẳng, trước giờ giới nghiêm luôn có mặt ở nhà, chẳng bao giờ đi đâu qua đêm, giờ chẳng hiểu sao nó lại mang bầu?!

    Tuị tôi hỏi lại ngoại:

    – Ái chà, ngoại hỏi tui, tui biết hỏi ai, nhất là cái vụ “không qua đêm mà vẫn mang bầu”, ai biết đâu nà!

    Còn câu chuyện tiếp theo đây, mới thực sự kỳ lạ, yêu hay không yêu, cuối cùng cũng vướng đường tơ. Có bác lớn tuổi kia, qua trại với cô con gái xấp xỉ tuổi băm (ba mươi). Chị ấy khá xinh nên được một anh chàng trong Ban An Ninh trại theo đuổi, nhưng chị không thích. Tuy nhiên, bác ấy thấy chàng ăn nói ngọt ngào, lại có “chức sắc”, mỗi lần đến chơi đều mang theo những tin tức nóng hổi về tình hình tỵ nạn, về cuộc thanh lọc khó khăn, nên bác nghĩ rằng biết đâu sẽ giúp ích được hai mẹ con trong cuộc thanh lọc và được đi định cư nước thứ ba. Bởi vậy bác cứ ép uổng chị. Mỗi lần chàng đến chơi, chị trốn qua nhà tôi, còn bác đem trà bánh ra tiếp khách rất ân cần nồng hậu. Chờ tối mịt, khách ra về rồi, chị mới về nhà, lần nào cũng bị bác càm ràm cả đêm, nghe nhức cái đầu. Mấy lần chị kêu tôi giải thích cho bác:

    – Bác ơi, ép dầu ép mỡ ai nỡ ép duyên. Hơn nữa, chàng An Ninh trại cũng như tất cả chúng ta, phải trải qua cuộc Thanh Lọc bởi Bộ Nội Vụ Thái, chàng ấy chẳng có quyền lực gì giúp bác và chị đậu thanh lọc đâu nha.

    – Nhưng tao cũng thấy nó hiền lành, chân thật.

    – Đó lại là chuyện khác, mà chị không ưng, không hợp thì thôi bác ơi.

    Ai dè, ông bà ta nói “nước chảy đá mòn”, “đẹp trai không bằng chai mặt” quả chẳng sai. Một thời gian sau, chị lại dần dà cảm mến chàng. (Ủa, mà lần nào chàng đến chơi, chị cũng tránh mặt, vậy cảm mến lúc nào cà? Tôi thắc mắc lắm mà chưa có dịp hỏi).

    Nhưng đời ai biết được chữ ngờ, oái ăm thay, lúc đó mẹ chị cũng vừa nghe được tin đồn về quá khứ “lợn cợn” của chàng, nên đã trở mặt như trở bánh tráng nướng. Hễ chàng đến nhà là bác lạnh lùng, cầm cây chổi chà đuổi thẳng tay, mà còn kèm thêm mấy câu chửi mới ghê. Thế là hai anh chị phải hẹn hò lén lút. Vì tôi cũng có chút “chức sắc” đi làm thiện nguyện trong trại, nên được chị nhờ vả:

    – Loan ơi, em giúp chị, đến rủ chị đi chơi để chị được gặp ảnh.

    – Ai nỡ lòng nào nói dối bác, em hổng dám đâu chị, tội lỗi lắm á.

    – Em thấy rồi đó, má chị thành kiến quá quắt, chớ chị cũng đâu còn bé nhỏ gì mà canh giữ, chị cũng có quyền tìm hiểu, yêu đương chớ!

    Nghe chị năn nỉ giải bày, tôi cũng mủi lòng. Tội cho bác ấy, nào có biết đã “nuôi ong tay áo” là tôi. Bác nấu ăn rất ngon và rất quý mến tôi, thường để dành cho tôi những món mà tôi yêu thích. Chiều chiều sau giờ làm ở bưu điện về, thỉnh thoảng tôi ghé qua nhà bác báo tin mỗi khi bác có tên trong list lãnh thư ngày hôm sau, và y như rằng tôi luôn được thưởng công, có khi là miếng bánh xôi vị, bánh tai yến hoặc bánh khoai mì do chính tay bác làm.

    Giờ tôi ở “ngã ba đường”, biết phải làm sao đây? Thôi thì “một liều ba bảy cũng liều”, thấy chàng và nàng nhớ nhau như Ngưu Lang Chúc Nữ, ray rứt quá, tôi cầm lòng hổng đặng. Tôi đành phải…phản bội niềm tin tưởng của bác, đến xin cho nàng đi chơi, dẫn nàng ra điểm hẹn chàng đã đợi sẵn, rồi tôi đi về, để cho chàng và nàng tự do tâm tình “buồn vui đời tỵ nạn”.

    Câu chuyện thứ ba sau đây, là câu chuyện tình cũng không kém …gian nan chỉ vì đứa con.

    Tôi quen khá thân với anh bạn làm bên văn phòng Cao Uỷ. Anh qua trại với đứa con gái bảy tuổi. Rồi “tình yêu không hẹn trước” cũng đã đến với anh giữa những chênh vênh hàng ngày của đời tạm dung. Nhưng đứa con gái luôn là… kỳ đà cản mũi, không hẳn vì muốn bảo vệ mẹ của nó, đã qua đời mấy năm trước bên Việt Nam khi nó mới lẫm chẫm biết đi, mà vì trái tim bé bỏng sợ bố san sẻ tình thương cho người phụ nữ khác, nó chỉ muốn bố của riêng nó thôi. Ngoài giờ anh đi làm thì thôi, chớ về đến nhà là nó không rời anh nửa bước, phụng phịu nhõng nhẽo khi cô bạn gái của bố đến chơi. Anh cầu cứu tôi:

    – Loan ơi, em có “uy tín” với cháu lắm, là cô giáo lớp Việt Ngữ tỵ nạn của nó, em đến nhà đưa nó đi chơi loanh quanh cỡ… hai tiếng, để anh và bạn gái có thời gian gặp nhau, nhe!?

    – Ủa, vậy là em phải lừa dối đứa con nít ư, vậy thì còn gì uy tín của cô giáo?

    – Đâu đến nỗi vậy em, chỉ là nó chưa hiểu chuyện đời, còn ngây thơ sợ mất tình cảm của bố, nên anh cần em ở bên nó cho nó vui.

    Thế là, một lần nữa, tôi lại yếu lòng. Để đền đáp sự yếu lòng của tôi, mỗi khi đến đón bé, anh đưa tôi mớ tiền, bảo hai cô cháu đi ăn hủ tíu đêm lót dạ, rồi uống sinh tố cho …mát dạ. Úi cha, chắc ảnh sợ tôi không biết làm gì trong ngần ấy thời gian, mà quên rằng tôi có biệt danh là cô “TámTina” tức là cô Tám Tị Nạn. Đầu tiên, tôi dẫn bé đi lễ nhà thờ cũng hết 1 tiếng, sau đó ghé ăn hủ tíu ngắm cảnh “tỵ nạn by night” cũng vui ra phết, bé vui vẻ hớn hở, quên hết chuyện về sớm để canh chừng bố. Rồi hai cô cháu đi bộ xung quanh bãi đá, ghé vào nhà thờ xem các hội đoàn nhóm họp, tập ca tập múa, cuối cùng là về nhà của tôi ở chung với 3 cô bạn gái, chúng tôi xúm lại tán gẫu, kể chuyện vui. Thế đó, lần nào đưa bé về giao lại cho bố, tôi cũng “vượt chỉ tiêu” một cách xuất sắc, không phải hai tiếng như thỏa thuận ban đầu, mà có khi kéo dài đến 3    – 4 tiếng. Bởi vậy, ảnh cảm động, mua chiếc áo thun ngoài chợ Lào tặng tôi, gọi là “thưởng bonus”, làm tôi ngại quá chừng, dù vẫn … nhận chiếc áo!

    Trong ba câu chuyện trên, chỉ có câu chuyện đầu tiên tôi không dính dáng liên quan và họ đã có happy ending. Chàng đậu thanh lọc, nàng ôm con hồi hương về Việt Nam, sau đó chàng bảo lãnh nàng và con qua Úc đoàn tụ, câu chuyện chàng đã ly dị vợ trước khi đi vượt biên là có thật trăm phần trăm. Một thời gian sau, khi làm ăn thành công, ổn định cuộc sống, chàng bảo lãnh cả bố mẹ vợ, em vợ, bà ngoại vợ qua bên xứ Kangaroo, đại gia đình sum vầy hạnh phúc. Chàng là đại gia, làm đại lý hãng xe hơi tại Perth, cuộc sống sung túc khá giả, gia đình bên vợ ai cũng nở mặt nở mày. Có lần tôi “gặp” bà ngoại nàng trên facebook, nhắc lại kỷ niệm xưa, chuyện đời chuyện tình, tôi hỏi ngoại đã tìm ra câu trả lời tại sao hồi đó canh chừng cháu gái cả ngày, không bao giờ cho nó đi qua đêm mà vẫn dính bầu chưa nà, ngoại cười sặc: “Quỷ sứ, chuyện xưa như trái đất, nhớ dai dữ đa!”

    Riêng hai câu chuyện sau, tôi có nhúng tay vào, làm “ông tơ bà nguyệt”, làm “cây cầu Ô Thước”, âm thầm hỗ trợ hết mình “tình yêu trong gian khó” của họ, thì kết quả là họ…tan vỡ, mỗi người một phương trời, nghìn trùng xa cách.

    Chẳng lẽ tôi là một “bà mai” vô duyên?!

–  Kim Loan

Nguồn: https://vietbao.com/p316377a319014/may-song-cung-loi-

Thư viện Quốc Gia VNCH – Trang Nguyên

– Trang Nguyên

May 11th, 2024

Thư viện Quốc gia ở số 34 đường Gia Long (nay là Thư viện Tổng hợp số 69 Lý Tự Trọng) được khánh thành vào cuối năm 1971, có lối kiến trúc hiện đại pha lẫn đường nét Á Đông. Bên ngoài mặt tiền trang trí lam gió bằng chữ Thọ xen kẽ phù điêu chim phụng ở góc tường, có hồ nước dọc hàng hiên trước khi lên bậc tam cấp vào cửa chính, chung quanh trồng cây cảnh, tạo không gian trang nhã của nơi lưu trữ hàng trăm ngàn tư liệu quý.

Vài nét chính về công trình

Số 34 đường Gia Long, xưa kia vào thời Nguyễn là xưởng đúc tiền, rồi thành chợ Cây Da Còm. Theo Trương Vĩnh Ký, sở dĩ chợ có tên Cây Da Còm, vì nó nhóm dưới gốc một cây da nhánh còm, lá gie khòm xuống mặt đất. Xưa, nơi đây chuyên bán trống, bán lọng, yên ngựa, và mão tú tài. Sau đó, chợ dẹp bỏ, người Pháp cho xây thành Khám Lớn (Maison Centrale), đến năm 1957, xây thành Đại học Văn khoa. Sau khi, Đại học Văn khoa chuyển về đường Cường Để (nay là Đại học Khoa Học Nhân Văn), vị trí được bàn giao cho công trình Thư viện Quốc gia. Lễ đặt viên đá đầu tiên vào ngày 28/12/1968 dưới sự chủ toạ của Thủ tướng Trần Văn Hương. Khởi công trong 2 năm thì hoàn thành. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đích thân cắt băng mừng lễ khánh thành vào ngày 23/12/1971.

Kiến trúc sư Bùi Quang Hạnh và Nguyễn Hữu Thiện đồng tác giả đồ án Thư viện Quốc gia cùng với sự cộng tác của cố vấn kỹ thuật, kiến trúc sư Lê Văn Lắm. Kinh phí xây dựng lên đến 177 triệu đồng, nhà thầu xây cất phải dùng tới 100,000 công thợ, 500 tấn sắt và 27,000 bao xi măng, ròng rã 2năm mới hoàn thành với diện tích 7,070 m2 bao gồm 2 khối:

– Khối thứ nhất là một dãy nhà dài 71m, ngang 23m gồm 1 tầng hầm, 1 tầng trệt và 2 lầu, 1 sân thượng ở lầu hai.

– Khối thứ hai nằm ở trung tâm, hình vuông và vươn lên cao như một ngọn tháp với 14 tầng, cao 43m, chứa tài liệu sách báo.

Đây là thư viện lớn nhất Việt Nam vào thời bấy giờ, và đây cũng là một công trình sử dụng đá rửa và đá mài với diện tích lớn nhất trong các công trình hiện đại thời VNCH. Lúc này thư viện có 53 nhân viên phục vụ với khoảng 100,000 bản tài liệu.

Bia ghi nhớ ngày xây dựng Thư viện Quốc gia (Nguồn: Manhhaiflickr)

Hệ thống thư viện thời Pháp thuộc

Nhìn lại lịch sử, hệ thống thư viện đã được hình thành sau khi Pháp chiếm Thành Gia Định. Đó là vào năm 1868, Phó Đô đốc Ohier ký sắc lệnh thành lập Thư viện các Đô đốc, Thống đốc Nam kỳ (hay Thư viện Soái phủ Nam kỳ). Đến năm 1882, thư viện đổi tên thành Thư viện Tư liệu Chính phủ Nam Kỳ thuộc Pháp (Bibliothèque de Documentation du Gouvernement de la Cochinchine Francaise) và trở thành thư viện công cộng đầu tiên của Việt Nam. Năm 1902, thư viện được tách ra thành một sở tự trị gọi là Thư viện Nam Kỳ Soái phủ (hay Thư viện Sài Gòn) trực thuộc Tòa Thượng thư đặt ở tầng một của Tòa Thư ký Chính phủ (số 27 đường La Grandière nay là đường Lý Tự Trọng). Năm 1909, ông Riffa là giám thư đầu tiên được bổ nhiệm chính thức điều hành thư viện.

Năm 1946, Thư viện Nam Kỳ Soái phủ dời sang số 34 đường Gia Long và được Pháp trao lại cho Chính phủ lâm thời Việt Nam, đến năm 1949 được đổi tên là Thư viện Nam phần. Ở Sài Gòn có 3 thư viện công quyền gồm: Thư viện Nam phần; Tổng Thư viện (với trụ sở tạm thời trong trường Pétrus Ký), đường Trần Bình Trọng, trực thuộc Viện Đại học Sài Gòn; Thư viện cho mượn và phòng đọc thiếu nhi tại 194D Pasteur (trước đây là bộ phận của Thư viện Nam phần).

Bưu chính Sài Gòn phát hành tem kỷ niệm ngày xây dựng Thư viện QG (Nguồn: Manhhaiflickr)

Thời VNCH 

Ngày 01-07-1957, theo công lệnh số 544/GD-CL của Bộ giáo dục, Tổng Thư viện trực thuộc Viện Đại học Sài Gòn chuyển sang thuộc quyền quản lý của Bộ Quốc Gia Giáo Dục. Sau đó, ngày 04-08-1964, Nghị định số 1354/GD/PC/NĐ, Tổng Thư viện Sài Gòn trực thuộc Nha Văn Khố và Thư viện Quốc Gia; Thư viện Nam Phần chuyển sang trực thuộc Bộ Quốc Gia Giáo Dục.

Xem thêm: Tháng 4 nhớ lại

Bộ Quốc Gia Giáo Dục tổ chức cuộc thi vẽ đồ án trụ sở Thư viện Quốc Gia đặt tại số 69 Gia Long (nay là 69 đường Lý Tự Trọng). Chính quyền Sài Gòn mở 4 kỳ xổ số đặc biệt để lấy kinh phí xây dựng Thư viện Quốc Gia. Trong năm 1955, công trình xây dựng Thư viện Quốc Gia được khởi công với sự chủ tọa của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, nhưng dự án bị bỏ dở cho đến ngày 28-12-1968.

Mặc dầu thời Đệ Nhị VNCH, Thư viện Quốc gia lúc đó được xem là một thư viện hiện đại, tuy nhiên nhìn chung hệ thống thư viện công cộng chưa có một chính sách phát triển chung và đầy đủ.

Trong bài viết của ông Lâm Vĩnh Thế, cựu Chủ tịch Thư viện Việt Nam (1974-1975) cho biết: “Ðặc tính rõ nét của giai đoạn này là việc phát triển hoàn toàn không theo một kế hoạch nào cả. Lý do chính là thiếu lãnh đạo; trong cả hai lãnh vực công và tư mà đại diện là Thư Viện Quốc Gia và Hội Thư Viện Việt Nam (HTVVN) đều không có một chính sách cho việc phát triển thư viện của VNCH.

Hệ thống thư viện công cộng (public libraries) gần như không có tại Miền Nam. Ngoài Thư Viện Quốc Gia ở số 34 đường Gia Long (gồm khoảng 70,000 cuốn sách và 620 nhan đề tạp chí) và Tổng Thư Viện trong khu vực trường Trung Học Pétrus Trương Vĩnh Ký (đây là Thư Viện Ðông Dương từ Hà Nội dọn vào trong cuộc di cư năm 1954 sau Hiệp Ðịnh Genève; sưu tập gồm khoảng 3,000 cuốn sách và 110 nhan đề tạp chí) tại thủ đô Sài Gòn tương đối có bề thế, tại các tỉnh và thị xã các thư viện công cộng rất nghèo nàn, phần đông chỉ đóng vai trò một phòng thông tin hay phòng đọc sách với một số lượng sách báo không đáng kể.

Giáo sư Nguyễn Ứng Long, tốt nghiệp Master of Library Science – MLS tại Ðại Học Peabody ở tiểu bang Tennessee; về sau Giáo sư Long được bổ nhiệm vào chức vụ Giám Ðốc Nha Văn Khố và Thư Viện Quốc Gia của VNCH vào năm 1970”.

Một phòng đọc trong Thư viện Quốc gia (Ảnh: Internet)

Sau năm 1975

Sau năm 1975, hầu như toàn bộ tài liệu, ấn phẩm báo chí, sách khảo cứu từ các thư viện Abraham Lincoln trực thuộc Cơ quan Thông tin của Mỹ trên đường Mạc Đỉnh Chi, thư viện của Phái Bộ Văn Hoá Pháp cạnh nhà thương Đồn Đất và thư viện của Hội Đồng Minh Pháp Ngữ trên đường Gia Long được chuyển về một mối tại Thư viện Quốc gia. Trước đây, những thư viện này lưu giữ rất nhiều tài liệu quý về chiến tranh Việt Nam và sách báo văn hoá Pháp, Mỹ. Với số lượng ấn phẩm gần trăm ngàn đầu sách, báo chí miền Nam được bổ sung thêm kho tài liệu hiện có của thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố (sau 1975) càng thêm phong phú.

Hệ thống tài liệu của Thư viện Tổng hợp hiện nay được thêm rất nhiều đầu sách và tư liệu mới với trên 500,000 đầu sách và 300,000 báo, tạp chí các loại. Bên cạnh công việc giữ gìn hàng chục ngàn tư liệu cũ đã có từ trước cách nay hơn trăm năm thu hút ngày nhiều độc giả trong nước cũng như người học giả nước ngoài đến đây tìm tài liệu tra cứu vì ở nhiều nước không có.

Ngoài tài liệu sách báo, tạp chí, tài liệu xưa in ở Đông Dương cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 rất đầy đủ cũng như các tài liệu xuất bản trong vùng tạm chiếm, những năm kháng chiến chống Pháp và giai đoạn quân đội Mỹ tham gia chiến tranh VN, có những cuốn in bằng chữ Nho và Pháp ngữ đã ngót nghét 300 năm cực kỳ giá trị vì nó là độc bản. Tài liệu còn có cả những sắc phong, hương ước, bản đồ, gia phả rất cũ xưa của các thư viện, bảo tàng, tổ chức xã hội, của người dân trên khắp mọi miền đất nước.

TN

Nguồn: https://baotreonline.com/van-hoc/viet-nam-ngay-cu/thu-vien-quoc-gia.baotre

70 năm nói láo – Trúc Phương

May 9, 2024

Trúc Phương/Người Việt

Việt Nam đang tổ chức rầm rộ lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Điều mỉa mai và khôi hài nhất là nhân dịp ông Sébastien Lecornu, bộ trưởng Quân Đội Pháp, công du Hà Nội, chính quyền Cộng Sản Việt Nam đã đưa ông đến viếng mộ những “siêu nhân Điện Biên Phủ.” Bài báo Người Lao Động ngày 7 Tháng Năm khi tường thuật sự việc, viết rằng “Bộ trưởng Quân Đội Pháp đã lắng nghe giới thiệu về liệt sĩ Bế Văn Đàn, Tô Vĩnh Diện…”

Báo chí là bộ máy tuyên truyền của Cộng Sản Việt Nam. (Hình minh họa: Hoang Dinh Nam/AFP via Getty Images)

Không rõ mức độ “lắng nghe” của ông Sébastien Lecornu như thế nào nhưng người dân trong nước đã “lắng nghe” những Bế Văn Đàn, Tô Vĩnh Diện… suốt 70 năm qua.

Với lịch sử Cộng Sản, huyền thoại và sự thật luôn có một khoảng cách. Đó là khoảng cách được tạo ra từ sự nhào nặn của bộ máy tuyên truyền, từ chuyện “bác” biết gần 40 thứ tiếng đến những “gương anh hùng trong thời kỳ chống Pháp lẫn chống Mỹ cứu nước.”

Trong khi một số siêu nhân như “ngọn đuốc sống Lê Văn Tám” được giải ảo một cách hiếm hoi thì nhiều “huyền thoại” được thêu dệt từ sự tưởng tượng tiếp tục “sống mãi,” chẳng hạn trường hợp ba “anh hùng Điện Biên Phủ” gồm Phan Đình Giót, Tô Vĩnh Diện, và Bế Văn Đàn. Những nhân vật này, mà sự tồn tại của họ luôn là câu hỏi, lại được “chính danh hóa” khi được đưa vào sách vở, vào những tài liệu sử và được đặt tên cho nhiều con đường lẫn trường học.

Về Bế Văn Đàn, tờ Quân Đội Nhân Dân ngày 4 Tháng Tư ghi lại: “Quân Pháp phản kích lần thứ ba, mở đường tiến, đại đội quân ta bị thương vong nhiều, chỉ còn 17 người, bản thân Bế Văn Đàn cũng bị thương, nhưng anh vẫn tiếp tục chiến đấu. Một khẩu trung liên của đơn vị không bắn được vì xạ thủ hy sinh. Khẩu trung liên của Chu Văn Pù cũng không bắn được vì không có chỗ đặt súng. Trong tình thế hết sức khẩn trương, anh không ngần ngại chạy lại cầm hai chân khẩu trung liên đặt lên vai mình và hô đồng đội bắn. Pù còn do dự thì Bế Văn Đàn nói: ‘Kẻ thù trước mặt, bắn chết chúng nó đi, trả thù cho đồng đội.’ Pù nghiến răng nổ súng quật ngã hàng chục tên, địch hốt hoảng bỏ chạy, đợt phản kích của chúng bị bẻ gãy”…

Về “anh hùng” Phan Đình Giót, tờ Quân Đội Nhân Dân ngày 1 Tháng Tư thuật: “Chiều ngày 13-3-1954, Trung Đoàn 141, Đại Đoàn 312 được lệnh nổ súng tấn công tiêu diệt cứ điểm Him Lam. Đại Đội 58, Tiểu Đoàn 428, Trung Đoàn 141, Đại Đoàn 312 của Phan Đình Giót triển khai đội hình chiến đấu từ 15 giờ. Anh em truyền tay nhau đọc thư Bác Hồ và lệnh động viên của đại tướng tổng tư lệnh (…) Các chiến sĩ Đại Đội 58 lao lên mở đường, đã liên tiếp đánh đến quả bộc phá thứ tám. Phan Đình Giót đánh quả thứ chín và bị thương ở đùi, nhưng anh vẫn xung phong đánh quả tiếp theo (…)

Phan Đình Giót nhìn trừng trừng vào hỏa điểm địch rồi anh ép người sát mặt đất, bò nhích lên từng tý, thận trọng gần đến lỗ châu mai (…) Anh nâng khẩu tiểu liên bắn mạnh vào lỗ châu mai. Hết đạn, anh thay băng khác tiếp tục bắn. Nhưng khi xung kích xung phong lên thì hỏa điểm địch vẫn bắn ra ác liệt. Mọi người thấy anh đứng lên ngồi xuống bên lỗ châu mai địch. Anh đã dùng hết sức còn lại nâng tiểu liên lên bắn mạnh vào lỗ châu mai và hét to: ‘Quyết hy sinh vì đảng, vì dân,’ rồi rướn người, lấy đà, tay bám chặt vào những thân cây gỗ phía trên lỗ châu mai rồi xoay người thật nhanh lại, áp lồng ngực vào lỗ châu mai địch. Hỏa điểm lợi hại nhất của quân Pháp bị dập tắt, toàn đơn vị ào ạt xông lên như vũ bão…”

Về Tô Vĩnh Diện, tờ An Ninh Thủ Đô ngày 7 Tháng Tư chép: “Tháng 5/1953, quân đội ta thành lập các đơn vị pháo cao xạ để chuẩn bị đánh lớn. Tô Vĩnh Diện được điều về làm tiểu đội trưởng một đơn vị pháo cao xạ. Trong quá trình hành quân cơ động trên chặng đường hơn 1,000 km tới vị trí tập kết để tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, anh luôn nhận những nhiệm vụ khó khăn, nặng nhọc, động viên giúp đỡ đồng đội kéo pháo đến nơi an toàn.

Trong lúc kéo pháo qua những chặng đường nguy hiểm, cũng như nghỉ dọc đường, anh luôn nhắc nhở đồng đội chuẩn bị chu đáo và tự mình đi kiểm tra tỉ mỉ dây kéo pháo, xem xét từng đoạn đường, từng con dốc rồi phổ biến cho anh em để tránh những bất ngờ xảy ra. Qua 5 đêm kéo pháo ra đến dốc Chuối, đường hẹp cong và rất nguy hiểm, anh cùng đồng chí pháo thủ Lê Văn Chi xung phong lái pháo.

Đến nửa chừng, dây tời bị đứt, pháo lao nhanh xuống dốc, anh vẫn bình tĩnh giữ càng lái cho pháo thẳng đường. Nhưng một trong bốn dây kéo pháo lại bị đứt, pháo càng lao nhanh, đồng chí Chi bị hất văng ra. Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn đó, Tô Vĩnh Diện hô anh em ‘Thà hy sinh quyết bảo vệ pháo,’ và anh buông tay lái xông lên phía trước, lấy thân mình chèn vào bánh pháo, nhờ đó các anh em đồng đội kịp ghìm giữ pháo lại.”

***

Với các tác giả kịch bản viết về những “siêu nhân” này, yếu tố logic không bao giờ tồn tại. Một chiếc xe Jeep dân sự nặng khoảng 2 tấn thì cỗ pháo nặng bao nhiêu? Thế mà “đồng chí Tô Vĩnh Diện” vẫn có thể lấy thân chèn cỗ đại bác đang tuột dốc, thay vì bị cỗ pháo nghiền nát như quả chuối!

Và trong trường hợp “Bế Văn Đàn,” trừ phi khẩu trung liên của “đồng chí Chu Văn Pù” là súng đồ chơi, hẳn không có “bờ vai” siêu nhân nào có thể chịu nổi độ giật của một khẩu súng bắn liên thanh. Và với “Phan Đình Giót,” chỉ cần “hứng” một viên bắn ra từ lỗ châu mai thì đồng chí đã gục chết thẳng cẳng ngay tại chỗ, có sức đâu mà gồng lên bịt được cái lỗ châu mai đang khạc lửa đạn như mưa?

Những điều phi lý như thế vẫn tồn tại, sau 70 năm, giờ đây thậm chí được mang ra để khoe với một kẻ thù Điện Biên Phủ năm xưa mà người đại diện bây giờ là ông Bộ Trưởng Quân Đội Pháp Sébastien Lecornu. Không chỉ thời Điện Biên Phủ, giai đoạn “chống Mỹ cứu nước” cũng sản sinh vô số siêu nhân.

Tờ Phunutoday ngày 8 Tháng Ba, 2012, từng thuật chuyện “anh hùng lực lượng vũ trang” Bùi Minh Kiểm, một “huyền thoại tay không ‘quật ngã trực thăng UH-1 của Mỹ – ngụy.”

Chuyện kể rằng, “giữa lúc ‘dầu sôi, lửa bỏng’ ấy, khi chiếc UH-1 rà tới chuẩn bị hạ thấp để bắn róc két thì ông Kiểm lao người lên dùng hai tay ghì càng máy bay xuống. Đôi bàn tay thép như chiếc nam châm hút chiếc UH-1 xuống gần sát mặt đất. Viên phi công bất ngờ, chưa kịp gạt cần súng máy thì đã bị anh Thao từ bên dưới bắn thốc lên, thẳng vào buồng lái. Chiếc máy bay mất thăng bằng loạng choạng lao xuống, nổ tan xác.”

Siêu nhân của Marvel, so với “siêu nhân Việt Cộng,” chỉ là đồ bỏ. Bùi Văn Thuyên chẳng hạn. Trong đời “binh nghiệp,” “đồng chí” này đã tiêu diệt hơn 700 tên lính Mỹ, 21 xe tăng, và bảy máy bay. Trong một lần đụng độ, “chú Năm (Bùi Văn Thuyên) bị một trái M79 hất văng ra hơn 4 m, ngất xỉu, lúc tỉnh dậy thấy ruột lòi ra ngoài. Chú lấy tay móc mảnh đạn ra và nhét ruột vào. Một tay ôm bụng, một tay cầm M79 chú vừa lết tới thì đụng ba thằng Mỹ. Một thằng chĩa khẩu M16 thẳng ngực chú bóp cò. Viên đạn xuyên ngực chú làm vỡ phổi, xuyên thấu ra sau lưng. Cùng lúc đó, chú cũng kịp bắn trái M79 vào ba tên địch, tiêu diệt gọn. Thấy địch tràn vào, dùng đại liên bắn xé rừng, chú bắn liên tiếp 31 quả M79, ném hai quả lựu đạn, chúng mới chịu rút ra ngoài. Chú Năm Thuyên chống cây M79 làm gậy lết về cứ”…

***

Có vài điểm dễ nhận ra sự bịp bợm trong việc xây dựng hình ảnh “siêu nhân Việt Cộng” của bộ máy tuyên truyền Cộng Sản Việt Nam. Ngoài yếu tố phi logic (hiển nhiên), hình tượng luôn được kể lại mà chẳng bao giờ có bằng chứng hoặc nhân chứng. Điểm dễ nhận ra nữa là ngôn ngữ thể hiện. Tất cả luôn được viết như một thứ văn mẫu, với văn phong giống nhau, lối xưng tụng giống nhau, bài viết không chỉ nhắc đến “tinh thần chiến đấu, lòng yêu nước” mà thường kèm hình ảnh “bác” lẫn “đảng.”

Cuối cùng, yếu tố “truyền khẩu” là chi tiết rõ ràng nhất giúp cho thấy các bài viết về những nhân vật ngụy tạo là sản phẩm được đẻ ra từ một nguồn, từ một lò tuyên truyền. Gần như chẳng bao giờ có tên tác giả cụ thể mục kích sự việc, tên một phóng viên chiến trường cụ thể, hay tên một nhân chứng cụ thể.

Bộ máy bịp bợm đã hoạt động như vậy suốt nhiều thập niên. Và nhiều thập niên qua, người ta vẫn thắp nhang “tưởng niệm” những nhân vật không có thật. Nhiều năm qua, người ta vẫn giả dối đóng vai những tên đạo đức luôn “ghi nhớ công lao” những “anh hùng dân tộc,” mà trong thâm tâm, họ biết chẳng có thằng quái nào trong lịch sử tên là Bế Văn Đàn hay Phan Đình Giót. [qd]

Nguồn: https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/70-nam-noi-lao/

BUỔI CHIỀU CUỐI CÙNG – Bảo Định

Bảo Định

Ảnh minh hoạ

Bây giờ là 6 giờ chiều ngày 29 tháng Tư năm 1975. Đó là buổi chiều cuối cùng tôi còn là lính. Tôi được gọi lên gặp Hằng Minh (danh hiệu truyền tin của Tướng Tư lệnh Sư đoàn). Trước buổi trưa, chiến tuyến cuối cùng của VNCH là Trảng Bom (Biên Hòa). Lúc này Long Bình đã là địa đầu chiến tuyến. Trước ngày 16/4, quân ta còn đánh nhau với quân CSBV tại Phan Rang. Thời gian càng dài ra thì chiến tuyến càng thu ngắn lại. Sau đó là Bình Thuận, Bình Tuy, rồi Xuân Lộc. Quân và dân Xuân Lộc đã anh dũng chiến đấu suốt 12 ngày đêm, với quân số tương đương một sư đoàn, đã chống đở thắng lợi 4 sư đoàn quân CSBV, đã tạo nên chiến tích thần kỳ. 

Nhưng cuối cùng Xuân Lộc cũng bị bỏ ngỏ vào đêm 20 rạng ngày 21/4. Lực lượng trấn thủ được lệnh lui binh về Biên Hòa lập phòng tuyến mới để bảo vệ Biên Hòa và Thủ đô Sài Gòn.

Vào lúc quá trưa, cộng quân bắt đầu pháo kích kho đạn Long Bình. Những tiếng nổ long trời lở đất, khói đen bốc lên ngùn ngụt, cao tận mây xanh. Từ buổi sáng, phòng tuyến Trảng Bom đã vỡ. Một Tiểu đoàn của Trung đoàn 43BB bị địch quân đông gấp bội, với chiến xa trợ chiến, đã tràn ngập vị trí. Vị Tiểu đoàn trưởng được ghi nhận mất tích. Mất Trảng Bom, chiến tuyến cuối cùng của VNCH là Long Bình.

Tôi dời Bộ chỉ huy Tiểu đoàn vào bên trong căn cứ, đặt tạm tại văn phòng của Ban chỉ huy Đại đội Quân Cảnh Sư đoàn.

Khi Tiểu đoàn xuống núi (Núi Thị) để hành quân triệt thoái khỏi Xuân Lộc, quân số khá đầy đủ, với hơn 500 tay súng. Nhưng vì là đơn vị sau cùng triệt thoái khỏi mặt trận, một mình đơn độc, không có không quân và pháo binh yểm trợ, đạn dược thiếu hụt, lại bị Sư đoàn 341/CSBV truy đuổi liên tục trong khu rừng rậm, từ lâu vốn là căn cứ địa của VC, nên đã bị hao hụt rất nhiều. Vì lẽ đó, lần đầu tiên đơn vị được giao một nhiệm vụ khá nhẹ nhàng là bảo vệ Bộ Tư lệnh Sư đoàn, trong lúc các tiểu đoàn bạn phải lên tuyến đầu chống chọi với cộng quân tại chiến tuyến Trảng Bom.

Lối 9 giờ sáng, Tướng Nguyễn Văn Toàn, Tư lệnh Quân đoàn III kiêm Vùng 3 Chiến thuật bay trực thăng đến BTL/SĐ để gặp Tư lệnh các đại đơn vị: SĐ5, SĐ18, SĐ25, và Lữ đoàn 3 Xung kích. Nhưng hiện diện chỉ có 2 tướng là Lê Minh Đảo, TL/SĐ18BB và Trần Quang Khôi, TL/LĐ3XK. Lúc này BTL/QĐ đã di chuyển về Sài Gòn. Sau cuộc họp mặt chớp nhoáng để ban chỉ thị giữ Biên Hòa, Tướng Toàn vội vả bay đi mà không bao giờ trở lại. Có lẽ đây là những chỉ thị cuối cùng trong tư cách là Tướng Tư lệnh Quân đoàn. Theo “Những Sự Thật Chiến Tranh Việt Nam 1954 – 1975” của các tác giả Trung tướng Nguyễn Văn Toàn, Đại tá Lê bá Khiếu, và Tiến sĩ Nguyễn Văn, thì vào một ngày của tháng 3/1975, Quân đoàn III được lệnh Bộ Tổng Tham Mưu, nghiên cứu bãi đổ bộ tại Phước Tuy cho 2 Sư đoàn Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ khi hữu sự. Khi Tướng Dương Văn Minh nhậm chức Tổng Thống chiều ngày 28/4/1975, bận lo tổ chức nội các, lo hòa giải và hòa hợp với cộng sản, Tướng Toàn tìm mọi cách liên lạc với giới chức có thẩm quyền về việc liệu có việc đổ bộ của 2 Sư đoàn TQLC Hoa Kỳ? Nhưng không gặp được ai. Sau khi họp mặt và ban lệnh cho 2 Tướng Đảo và Khôi tại Long Bình là phải giữ Biên Hòa, Tướng Toàn bay về Gò Vấp. Sau đó bay ra Soái hạm Blue Ridge của Đệ Thất Hạm đội Mỹ, để yêu cầu xác nhận. Nhưng đó chỉ là “quả lừa.”

Cũng buổi sáng ngày 29/4, lối 8 giờ, trong lúc các đơn vị QLVNCH trên khắp các mặt trận, Sư đoàn 5 tại Lai Khê, Sư đoàn 25 tại Củ Chi, Sư đoàn 18 tại Biên Hòa, Sư đoàn 22 tại Bến Lức, và tại Vùng 4, quân sĩ của Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam với các Sư đoàn 7, 9 và 21, đang anh dũng chiến đấu với quân thù, thì cựu Tướng Nguyễn Cao Kỳ đã bay ra Hạm đội 7 bằng trực thăng riêng Huey của mình. Trước khi bay đi, Tướng Kỳ ghé lại Bộ Tổng Tham Mưu, tình cờ gặp Trung tướng Ngô Quang Trưởng, và rủ rê cùng đi. Có nguồn tin cho rằng Tướng Kỳ mời Tướng Trưởng bay về Miền Tây gặp Tướng Nam để bàn chuyện cứu nước. Nhưng trực thăng đã trực chỉ ra biển đông. Được biết quân sĩ tại Vùng 4 đã tiếp tục chiến đấu với quân thù, dù có lệnh buông súng của Dương Văn Minh. Họ chỉ buông súng tan hàng sau khi nghe tin các Tướng chỉ huy của họ là Trần Văn Hai (TL/SĐ7BB), Lê Văn Hưng (TLP/QĐ), và Nguyễn Khoa Nam (TL/QĐ) tuẩn tiết. Buổi chiều ngày 28/4, tại xứ Tân Sa Châu thuộc quân Tân Bình, Tướng Kỳ nói chuyện với những người Bắc Kỳ Di cư, những người đã một lần năm 1954, bỏ nhà bỏ cửa, bỏ ruộng vườn, bỏ nơi chôn nhau cắt rốn, trốn chạy cộng sản vào Nam. Tướng Kỳ hô hào đoàn kết, cùng nhau chiến đấu chống bọn CSBV xâm lược. Khi nghe Tướng Kỳ tâm sự rằng ông sẽ ở lại chiến đấu cùng đồng bào đến giọt máu cuối cùng, ai ai cũng nức lòng. Ông còn khôi hài rằng qua Mỹ sẽ không có “mắm tôm để ăn”. Đồng bào đã hoan hô Tướng Kỳ hết mình. Một hy vọng mong manh đang nhen nhúm! Hay nói như cách nói qua lời của một bài hát: “Có Tin Vui Giữa Mùa Tuyệt Vọng”.

Sau khi Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức, bàn giao lại cho Phó Tổng thống Trần Văn Hương, Đại tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng BTTM/QLVNCH cũng đệ đơn lên Tổng Thống Tân nhiệm xin nghỉ việc. Nhưng Tổng Thống Huơng vẫn lưu nhiệm, và ông chỉ ký Sắc lệnh giải nhiệm Đại tướng Viên trước khi bàn giao chức vụ Tổng Thống cho Tướng Dương Văn Minh. Trung tướng Đồng Văn Khuyên, Tham Mưu Trưởng BTTM kiêm Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Tiếp Vận được cử thay thế. Nhưng Tướng Khuyên cũng rời bỏ nhiệm sở buổi trưa ngày 29/4. Các Tướng có chức có quyền bắt đầu rời bỏ nhiệm sở, tìm cách trốn chạy trước khi quân CSBV vào đến Sài Gòn. Lúc đó tại Sài Gòn, vị sĩ quan cao cấp nhất và thâm niên là Trung tướng Vĩnh Lộc, liền được Tổng thống Dương Văn Minh mời giữ chức TTMT đang bỏ trống. Đồng thời cựu Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh (sau này được biết Hạnh đã bị VC móc nối) được gọi tái ngũ, giữ chức Phụ tá TTMT cho Tướng Vĩnh Lộc. Vừa nhận chức TTMT, Tướng Vĩnh Lộc triệu tập cuộc họp tại Bộ TTM, yêu cầu “mọi người đừng bỏ đi, hãy ở lại để làm việc với tất cả trách nhiệm”. Tướng Vĩnh Lộc điện thoại về Vùng 4, nói chuyện với Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam, bàn kế hoạch đưa Chính phủ hoặc những nhân vật đầu não về Miền Tây. Dưới quyền của Tướng Nam, còn nguyên vẹn các Sư đoàn 7, 9, 21, Không Quân, Hải Quân, lực luợng ĐPQ và NQ. Tướng Lộc liên lạc với Tư lệnh Không Quân và Tư lệnh Hải Quân cùng lên đài Truyền hình, nhưng không thực hiện được. Trong cố gắng cuối cùng, ông ban Nhật lệnh kêu gọi quân sĩ tiếp tục chiến đấu, miệt thị đám tướng lãnh và sĩ quan bỏ ngũ, rời nhiệm sở là “những con chuột nhắt!” Nhưng lối 6 giờ sáng ngày 30/4, cùng với Trung tướng Trần Văn Trung, Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Chiến tranh Chính trị, cũng đã tìm đường di tản, cũng làm “những con chuột nhắt”.

Lúc tôi đến căn phòng nhỏ nằm sát đàng sau Văn phòng Tư lệnh, Tướng Đảo đang dùng cơm chiều. Ông ngồi đó, cô đơn, ăn cơm một mình. Một Trung úy Pilot ngồi cạnh đang đọc báo. Các vị Đại tá, gồm Nguyễn Văn Mai, TLP/SĐ, Huỳnh Thao Lược, TMT/SĐ, Hứa Yến Lến, TMP/HQ & TV, Dương Phún Sáng, Chánh Thanh Tra, đều đứng. Không ai nói gì, chỉ im lặng. Không khí trầm lắng. Có lẽ các vị vừa họp bàn xong. Đâu ngờ đây là cuộc họp cuối cùng của các vị. Trên khuôn mặt, ai ai đều mang nặng nét ưu tư. Một lúc sau, các vị đều rời khỏi phòng đi đâu đó. Giờ đây chỉ còn lại Tướng Đảo, viên Phi công trực thăng và tôi. Ông mời tôi dùng cơm. Tôi từ chối. Ông khui chai rượu Tây mời uống. Khui hộp bánh Lubico mời ăn. Tôi hỏi khẻ vị Trung úy:

– “Chỉ một mình anh thôi sao?”

– “Vâng, ông Tướng có thể làm co-pilot.”

Tướng Tư lệnh hỏi han tình hình của đơn vị, nhất là tinh thần quân sĩ. Tôi cứ tình thật trình bày. Sau cuộc triệt thoái khỏi Xuân Lộc, là đơn vị rút ra cuối cùng, phải đơn độc chiến đấu không có không quân và pháo binh yểm trợ, phải chống chỏi trước một lực lượng địch đông gấp bội, bị thiệt hại nhiều, tinh thần căn thẳng, thể xác rã rời, chưa lấy lại sức. Thật ra những người lính của tôi đã chịu đựng quá nhiều. Là một trong những đơn vị có thành tích chiến đấu dũng mãnh trong Sư đoàn, nhiều lần Tiểu đoàn tôi đã nhận lãnh những nhiệm vụ khá nặng nề, và luôn luôn đã hoàn thành xuất sắc. Vì lẽ đó, con số thương vong thường cao. Nhưng người lính QLVNCH vẫn “xem Thái sơn nhẹ tựa hồng mao!” Vào những ngày như những ngày hôm nay, những ngày của giờ thứ 25 cuộc chiến, đơn vị nằm sát đuờng Quốc lộ, chứng kiến hàng đoàn người dân di tản, và tin tức lan truyền từ Sài Gòn, rằng đã có nhiều người bỏ nước ra đi, trong đó không ít các tướng lãnh và sĩ quan cao cấp. Con đường QL1 từ Kẻ Sặt đến cầu Đồng Nai, đi ngang qua BTL/SĐBB từ mấy ngày qua trở nên chật hẹp. Người nguời gồng gánh, xe ba-gác, xe lam, xe ngựa, xe trâu, xe bò, và xe vận tải, chất đầy người và hành lý, vội vàng xuôi về Sài Gòn. Hình như Sài Gòn là nơi mà mọi người dân tị nạn chiến cuộc có thể nương náu an toàn. Tình hình xáo động. Người lính chiến từ nhiều tháng nay không có tin tức gì về gia đình. Nhưng “việc công là trọng, niềm tây sá nào”. Quân sĩ của tôi, hầu hết vẫn ở lại chiến đấu. Tinh thần không nao núng! Dù là chiến đấu một cách vô vọng! Họ ở lại, bởi vì các cấp chỉ huy trực tiếp của họ vẫn còn ở lại. Yếu tố quan trọng nhất, vị anh cả của họ, Tướng Tư lệnh Lê Minh Đảo vẫn còn ở lại. Buổi chiều trong cuộc họp tại Bộ Tư lệnh, tôi là sĩ quan tác chiến, không phải tham mưu nên không tham dự, chỉ nghe kể lại, rằng ông Tướng đã khẳng định cùng thuộc cấp, rằng ông sẽ không đi đâu cả, rằng ông sẽ ở lại chiến đấu sát cánh cùng anh em. Vợ con ông cũng ở lại, gia đình ông không ai bỏ đi.

Ông khuyên tôi cố gắng giữ Long Bình. Nếu giữ được Long Bình thì Long Bình là của mình! Ông nói: “Một Phái đoàn của Chính phủ do Giáo sư Bùi Tường Huân, Bộ trưởng Quốc Phòng của Thủ tướng Vũ Văn Mẫu đã đi gặp đối phương tại một nơi nào đó trên xa lộ Đại Hàn, để bàn chuyện ngưng bắn “da beo”. Sau này được biết, Phái đoàn của Bùi Tường Huân đã bị cộng quân giữ lại, bị bắt làm con tin. Dương Văn Minh bị lừa. Nhà Sư Thích Trí Quang đã bị lừa. Để rồi cả Miền Nam bị lừa.

Ăn cơm xong, ông Tướng đến ngồi bên chiếc bàn nhỏ, có điện thoại bàn. Ông gọi vào Dinh Độc Lập xin gặp Đại tá Đẩu, Tùy viên của Tổng Thống. Nhưng người trả lời trong máy tự xưng là Trung tá, hình như tên Thọ, Phó Tùy viên. Trung tá Thọ cho biết, hiện Tổng Thống đang chủ tọa cuộc họp Nội Các. Tướng Đảo trình bày tổng quát tình hình, và xin lệnh Tổng Thống được đưa Sư đoàn 18BB về thiết lập tuyến phòng ngự bên bờ Nam sông Đồng Nai để ngăn chận địch từ hướng Đông. Phía Bắc và Tây Bắc có Sư đoàn 5 của Tướng Lê Nguyên Vỹ, và Sư đoàn 25 của Tướng Lý Tòng Bá, phía Nam có Sư đoàn 22 của Tướng Phan Đình Niệm. Với lực lượng phòng thủ như vậy, chúng ta có thể giữ được Sài Gòn. Cuộc điện đàm kết thúc với lời hứa của Trung tá Thọ, rằng sẽ trình lại với Tổng Thống và sẽ liên lạc với Tuớng Đảo cho biết quyết định. Được biết sau khi nhậm chức Tổng Thống, Dương Văn Minh đã bổ nhiệm Trung tướng Vĩnh Lộc làm Tổng Tham Mưu Trưởng, và cựu Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh (đã giải ngũ), làm Phụ tá TTMT. Nhưng Tướng Vĩnh Lộc vừa mới nhậm chức chưa hiểu rõ tình hình. Tướng Tư lệnh Quân đoàn thì đã bỏ nhiệm sở. Do đó Tướng Đảo phải làm việc trực tiếp với Dinh Độc Lập, vì Tổng Thống là Tổng Tư Lệnh Tối Cao của QLVNCH.

Được biết, vào những ngày cuối cùng, Đại tướng Vanuxem của Pháp có mặt ở Sài Gòn, thường vào ra Dinh Độc lập. Chính vị tướng này đã khuyên Tổng Thống Dương Văn Minh cố gắng để cho quân đội cầm cự thêm 48 tiếng đồng hồ thì sẽ có giải pháp chính trị có lợi cho VNCH. Theo Tướng Vanuxem, nếu có lời yêu cầu, quân Trung cộng sẽ tràn vào Bắc Việt, áp lực CSBV ngừng tấn công. Một giải pháp chính trị có lợi cho VNCH sẽ được thi hành. Nhưng Tổng Thống Dương Văn Minh đã từ chối. Ông chỉ tin Thầy Thích Trí Quang, là người môi giới để ông tiếp xúc và đàm phán với “người anh em phía bên kia”. Nhưng khi Phái đoàn đàm phán do Giáo sư Bùi Tường Huân (Bộ trưởng Quốc phòng) cầm đầu, ra xa lộ Đại Hàn gặp VC, thì bị VC giữ lại làm con tin. Sau nhiều lần thúc giục Thầy Trí Quang không kết quả, Dương Văn Minh tuyệt vọng, đã than: “Thầy hại con rồi!”

Trở lại bàn ăn, Tướng Đảo cho biết, lối 12 giờ khuya nay, BTL/SĐ sẽ dời về Thủ Đức. Trung đoàn 43BB và Trung đoàn 52 vẫn ở lại Long Bình. Một lần nữa ông khuyên tôi cố gắng giữ cho được Long Bình. Tôi chỉ dám hứa là làm hết sức mình.

Gặp Tướng Tư lệnh xong, tôi lại được lệnh đi gặp Đại tá Trung đoàn trưởng Lê Xuân Hiếu. Đó là cuộc họp mặt cuối cùng, trong buổi chiều cuối cùng của tôi với các đơn vị trưởng bạn. Chỉ có 2 Tiểu đoàn trưởng là tôi, 2/43, và Thiếu tá Nguyễn Văn Dư, 3/43. Tiểu đoàn trưởng 1/43 được ghi nhận là mất tích, trong một trận giao tranh ác liệt tại Trảng Bom sáng nay. Được biết Thiếu tá Dư bị bọn “cách mạng 30” dùng búa đánh chết tại nhà ở Vũng Tàu, sau ngày tan hàng 30/4. Sau khi nghe tôi trình bày chỉ thị tôi vừa nhận trực tiếp từ Tướng Tư lệnh, Đại tá Hiếu đưa ra 2 kế họach:

1. Kế hoạch Alpha: Tiểu đoàn 2/43 thi hành theo chỉ thị nhận trực tiếp từ Tướng TL Lê Minh Đảo.

2. Kế hoạch Bravo: Tiểu đoàn 2/43 sẽ di chuyển qua bên kia sông Đồng Nai, lập tuyến phòng ngự từ cầu Đồng nai đến cầu Ghềnh, dọc theo bờ Nam con sông.

Đúng 12 giờ đêm, trực thăng Tư lệnh cất cánh. Tiếp theo sau đó là BTL với các phòng ban, cùng các đơn vị kỹ thuật và tiếp vận thuộc BTL bắt đầu di chuyển. Được biết, Tướng Đảo đã hoàn trả chiếc trực thăng về cho Sư đoàn 3/KQ. Ông đã di chuyển bộ cùng binh sĩ qua ngã cầu Ghềnh. Đây là lần thứ hai Tướng Tư lệnh đi bộ cùng binh sĩ khi triệt thoái. Lần thứ nhất là đêm 20 rạng ngày 21/4, Tướng Đảo đi bộ cùng binh sĩ trong cuộc triệt thoái khỏi Xuân Lộc về Bà Rịa. Đây là cuộc triệt thoái thành công nhất. Sự hiện diện của vị Tướng Tư lệnh, cùng di chuyển bộ với binh sĩ là yếu tố thiết yếu cho sự thành công. Một lần nữa, Tướng Đảo lại di chuyển bộ trên đường triệt thoái.

Lúc gần sáng, tôi nhận lệnh thi hành “Kế hoạch Bravo”. Đơn vị rời Long Bình, di chuyển qua hướng cầu Đồng Nai. Vài chiếc xe tăng địch xuất hiện. Chúng nổ súng một lúc, rồi lại trở lui. Đoàn quân tiếp tục di chuyển. Toán tiền phương đã đến cầu. Nhưng đơn vị bảo vệ cầu chận lại, không cho đi qua. Tôi phải cho lệnh đổi hướng qua ngã cầu Ghềnh. Khi toán quân cuối cùng qua khỏi cầu thì trời đã hừng sáng. Tôi gặp BCH Trung đoàn đang dừng chân trên đoạn đường dốc gần cầu. Theo kế hoạch đã định, Tiểu đoàn bắt đầu rải quân, thiết lập chiến tuyến. Tôi đặt BCH/Tiểu đoàn trong một khu vườn có vòng rào bao quanh. Đơn vị cuối cùng là Đại đội 2/2 của Đại úy Võ Văn Mười cũng bắt đầu rải quân. Nhưng nhìn về hướng cầu Đồng Nai, cách xa vài trăm mét, không tin vào mắt mình, xe tăng và xe chở quân CSBV đang di chuyển trên xa lộ. Chúng đã vượt qua cầu. Cây cầu vẫn còn đứng nguyên! Tại sao cây cầu không bị giật sập? Đơn vị bảo vệ cầu đã biến đi đâu? Tối hôm qua Tướng Đảo cho biết tất cả các cây cầu bắt qua sông Đồng Nai, gồm cầu Đồng Nai, cầu Ghềnh và cầu Mới đều đã được công binh đặt mìn. Cầu sẽ bị đánh sập, nếu cộng quân tiến qua cầu. Nhưng sự việc đã không xảy ra. Sau này được biết chính tên phản tướng Nguyễn Hữu Hạnh, với tư cách Quyền TTMT đã cấm không cho giựt sập cầu, để cho bộ đội CSBV thuận lợi tiến chiếm Sài Gòn. Đây là thành tích “dâng Bác và Đảng” mà tên Hạnh đã khoe trong một bài phỏng vấn của báo Tuổi Trẻ cách đây vài năm, nhân dịp kỷ niệm “Đại thắng Mùa Xuân” của CSBV.

Một đoàn chiến xa quân CSBV, gồm T-54, PT-76, xen lẫn những chiếc Molotova chở đầy bộ đội đang di chuyển trên xa lộ hướng về Sài Gòn. Được biết đó là quân của Tướng Nguyễn Hữu An, Chỉ huy Quân đoàn 2/CSBV được lệnh đưa bộ đội của hắn, “hợp đồng” cùng 4 cánh quân khác, tiến nhanh về Sài Gòn. Theo kế hoạch ban đầu của “Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh”, quân của Tướng Hoàng Cầm, Chỉ huy Quân đoàn 4/CSBV sẽ tiến về Sài Gòn. Nhưng 12 ngày chạm trán Sư đoàn 18BB, Tiểu đoàn 82/BĐQ, Lữ đoàn 1 Dù, lực lượng ĐPQ và NQ Long Khánh, Quân đoàn 4/CSBV bị tử vong hơn 6 ngàn bộ đội, và 37 chiếc xe tăng bị phá hủy. Chỉ huy sở Sư 341 và các đơn vị “tập kết”, chuẩn bị tiến về Biên Hòa, bị 2 trái bom BLU-82 đánh trúng, hơn 10 ngàn bộ đội bị loại ra khỏi vòng chiến, nên không còn khả năng tác chiến. Một sĩ quan bị bắt khi đơn vị bị quân CSBV tràn ngập, trong trận giao tranh ác liệt tại Trảng Bom buổi sáng ngày 29 cho biết:

“Khi bị áp giải đến gặp tên “Thủ trưởng E” (Trung đoàn trưởng), hắn nói: “May mà anh gặp chúng tôi. Nếu anh bị đơn vị kia bắt (ý hắn muốn nói các đơn vị thuộc Sư 341) thì đã bị giết ngay tại chỗ.”

Thấy còn vài chiếc lẹt đẹt chạy sau, tôi cho lệnh nổ súng. Lối 4 chiếc xe tăng dừng lại, quay nòng súng hướng về chúng tôi nổ súng. Những tràng đại liên 12.8 ly ào ào xối xả, nhưng không lâu. Rồi 4 chiếc xe đó lại quay đầu xe hướng về Sài Gòn, tiếp tục chạy. Chúng cố chạy nhanh cho kịp đoàn quân đang hung hăng hướng về Sài Gòn.

Tôi tự hỏi, nếu đơn vị giữ cầu Đồng Nai để cho Tiểu đoàn tôi qua cầu, nếu đơn vị tôi đã vào vị trí trước khi cộng quân qua cầu, nếu cầu Đồng Nai bị đánh sập thì chuyện gì sẽ xảy ra. Nhưng trang sử đã lật. Những trang sử oai hùng của quân và dân VNCH đang lùi dần vào dĩ vãng. Một trang sữ mới đầy đau thương và nước mắt đang ghi lại biết bao nỗi ô nhục của người dân Việt do bọn cầm quyền ngu dốt ngự trị tại “Bắc Bộ Phủ” cam tâm làm tay sai cho kẻ thù truyền kiếp phương Bắc.

Buổi chiều cuối cùng kéo dài đến 11 giờ 30 trưa hôm sau, ngày 30/4. Tiếp theo là bóng đêm. Bóng đêm đã đổ ập xuống trời Nam. Đã bao năm qua, hừng đông vẫn chưa ló dạng.

BẢO ĐỊNH

Nguồn: http://nhinrabonphuong.blogspot.com/2024/05/buoi-chieu-cuoi-cung-bao-inh.html

Món nợ năm xưa – Kim Loan

10/04/2024

  • Kim Loan

Truyện

Hôm ấy, trên facebook Group của nhóm cựu thuyền/ bộ nhân ty nạn Thailand, có xuất hiện bài post của Đức, chụp hình vợ chồng Đức đang tiễn con gái tại sân bay Tân Sơn Nhất đi qua Dallas Hoa Kỳ định cư theo chồng mới cưới. Ôi, chàng Đức chung chuyến tàu của tôi. Nhiều người quen cũ vào để lại những comments chúc mừng, cũng là những người tôi biết mặt biết tên, tôi liền vào tham dự, góp vui:

    – Vậy là vài năm nữa con gái có quốc tịch Mỹ, sẽ bảo lãnh hai vợ chồng Đức qua đoàn tụ, chắc chắn sẽ có ngày chúng mình tái ngộ ở Dallas, Đức ơi!

    Hắn trả lời liền:

    – Cám ơn Nàng, nhưng lần này đừng… tài lanh làm mất giỏ đồ của tui nữa nha.

    – Quỷ sứ, nhớ dai quá chừng! Tui hứa danh dự, lần tái ngộ sắp tới, sẽ mua một cái giỏ mới toanh, hàng hiệu, trả lại cho bà xã ông luôn nghen.

    Hắn để icon mặt cười, rồi kết luận:

Advertisement

    – Ừa, Đức mong đến ngày nhận cái giỏ của Nàng lắm.

    Chúng tôi gặp nhau tại bãi hẹn vượt biên, là bến xe Bà Hạt Quận 10, chuẩn bị theo nhóm dẫn đường đưa lên xe đò chạy qua biên giới Mộc Hóa Long An, rồi tiến vào đất Cambodia trực chỉ thủ đô PnomPenh. Ngồi trên xe đò, từ xa lạ cũng trở thành quen biết, cả nhóm 41 người, vì từ đây sẽ cùng chung số phận trên con đường vượt biển tìm tự do.

    Tôi và ba cô con gái, cũng mới quen trong chuyến đi, cùng vài thanh niên khác, trong đó có Đức, vì hơn kém nhau 1    – 2 tuổi, nên thường trò chuyện đùa giỡn với nhau.

    Đức có giọng hát hay, biết chơi đàn organ, vừa tốt nghiệp trường Âm Nhạc Sài Gòn, tính tình hài hước có sẵn trong máu, hầu như ở mọi tình huống, lúc buồn lúc vui, lúc gặp hiểm nguy, Đức luôn biến thành những khoảnh khắc vui cười, khiến mọi căng thẳng và nỗi sợ tan biến .

    Chỉ vài ngày đầu tiên trên đất Cambodia, đi chợ, đi dạo, đi chơi, tối về khu nhà trọ “nằm vùng” chờ lệnh lên đường đi phố biển Kongpom Som, chúng tôi đã biết khá rõ về mỗi người, gia đình ra sao, hoàn cảnh thế nào, càng thân nhau hơn trong cách xưng hô, thoải mái gọi ông gọi bà xưng tui, riêng Đức có cách gọi riêng khá dễ thương, là luôn gọi đám con gái chúng tôi là Nàng.

    Đêm tàu ra khơi từ Cảng Kongpom Som, trời 8 giờ tối tháng 12 mù căm, gió lạnh, cả tàu nằm dưới hầm như cá hộp, chật chội, chỉ có tài công và người thợ máy, cùng người dẫn đường của ban tổ chức được ở trên boong tàu. Suốt những ngày qua mệt mỏi nơi đất Cambodia, nay vừa lên tàu, mọi người bắt đầu tìm vào giấc ngủ trong tiếng máy chạy đều đều của con tàu. Dưới hầm tàu tối như hũ nút, nhưng bốn đứa con gái chúng tôi biết mình nằm cạnh nhóm của Đức, mạnh ai nấy ngủ, co ro trong hầm tàu chật chội. Bỗng nửa đêm tôi giật mình vì nghe tiếng là hét, lộn xộn, ồn ào:

    – Chuyện gì vậy cà?

    – Máy thoát nước của tàu bị hư, bên ngoài đang có mưa bão.

    Lúc này tôi mới để ý dưới sàn tàu có nước, ba cô bạn xung quanh tôi cũng đang dao dác hỏi tin tức từ boong tàu đưa xuống. Tình hình không mấy khả quan, thợ máy đang sửa ống thoát nước nhưng mưa gió càng mạnh hơn, lại có sấm chớp, con tàu nghiêng ngả mỗi khi nước biển và nước mưa tràn xuống hầm tàu. Mỗi lần như vậy, đàn bà con gái trong tàu rú lên, vì lạnh và vì sợ hãi.

    Lúc này, có lệnh đưa ra, các thanh niên đàn ông trong tàu phải thay nhau lên boong phụ tát nước ra ngoài, dù biết đó là việc chẳng thấm thía gì so với nước mưa như thác lũ, nhưng đúng như câu “còn nước còn tát”, chứ chẳng lẽ chịu ngồi im chờ con tàu chìm xuống đáy đại dương.

    Trong bóng tối mờ mờ, lúc này trời có lúc sáng lóe lên vì ánh sấm chớp và ánh đèn pin trên boong tàu thỉnh thoảng chiếu rọi xuống hầm tàu kêu người lên tát nước. Tôi thấy Đức ngồi ủ rũ như gà mắc mưa (mà đang mưa thiệt), tôi bảo:

    – Tới phiên Đức lên tát nước kìa.

    Đức uể oải đứng lên, vẫn không quên khôi hài:

    – Từ hồi cha sanh mẹ đẻ chỉ biết cầm đờn, cầm micro, giờ kêu Đức cầm xô tát nước là coi như thua rồi đó, tàu có chìm đừng trách nha Nàng.

    – Coi chừng cái miệng ông ăn mắm ăn muối!

    Rồi thì đàn ông thanh niên kéo nhau lên boong, còn lại là những ông già bà cả, phụ nữ và con nít ở dưới hầm tàu, tiếng ồn ào không thua gì trên boong.  Nhiều người bắt đầu ói mửa khi “lắc lư con tàu đi”, chúng tôi theo nhóm xúm lại đọc kinh, ai đạo gì thì đọc kinh theo đạo ấy, trong tiếng la, tiếng khóc hỗn độn của đủ thứ âm thanh.

    Lại có lệnh đưa xuống, mọi người nên vứt bỏ thực phẩm và hành lý cá nhân ra ngoài biển để tàu nhẹ bớt. Bốn đứa con gái chúng tôi nghiêm chỉnh chấp hành, tôi cũng còn kịp nhớ giữ lại chiếc phao được cuộn tròn trong cái bịch nhỏ trước khi giao giỏ xách của mình cho người ta truyền nhau lên boong để quăng xuống biển. Cô Nhạn, người phụ nữ lớn tuổi nhất trong nhóm, đang nằm vật vờ nơi góc hầm, khều tay ra hiệu cho tôi chuyển mấy giỏ xách của cô ấy lên boong giùm, tôi mệt lắm, nhưng cũng cố làm, nhân tiện thấy một cái túi xách gần đó, tôi cũng chuyển lên boong, rồi tìm chỗ ngồi ngả lưng. Mưa có vẻ đang nhẹ dần, bão cũng bớt điên cuồng, tuy máy thoát nước chưa sửa xong nhưng con tàu đã lặng yên phần nào, Đức từ boong bước xuống hầm, đến hỏi tôi:

Advertisement

    – Nàng có thấy cái túi xách của tui đâu không? Rõ ràng là hồi khuya tui nằm chỗ này mà.

    Tôi hơi chột dạ, tỉnh hẳn người, lắp bắp:

    – Có phải cái… túi da, có buộc… cái khăn bên ngoài?

    – Đúng rồi, đúng rồi.

    – Mình… lỡ tay đưa lên boong quăng ra ngoài biển rồi.

    – Trời, ai xui ai khiến Nàng chớ!

    – Thì lệnh của ban tổ chức, ai cũng phải nghe theo mà.

    – Thì tui đang xuống đây để làm theo lệnh đó.

    – Thì ai làm cũng vậy, làm gì dữ vậy!?

    – Sao không dữ? Nàng có biết tui có 2 chỉ vàng ở trỏng không! Giời ạ!

    Tôi giật mình, tá hỏa, chẳng biết phải nói gì, đây là tình huống đầu tiên Đức không hài hước. Tôi biết lỗi, nhưng vẫn cố cãi:

    – Đi vượt biên thì vàng phải dấu trong người, trong áo quần đang mặc, ai lại để trong giỏ xách bao giờ.

    Đức chẳng nói gì thêm nữa, đi ra phía đầu máy, nơi đó có miếng ván cao ráo, nằm xuống để ngủ bù sau một đêm mệt đừ tát nước. Tôi bước đến, lí nhí:

    – Đức ơi, cho mình xin lỗi nhé, hồi khuya quay cuồng theo sóng gió con tàu, mình không được … tỉnh táo cho lắm, chỉ nghe cô Nhạn nhờ quăng giùm mấy cái giỏ, nên tiện tay gom hết luôn, ai dè…

    Đức xua tay, dịu giọng:

    – Thôi cho qua đi, tui ngủ chút xíu.

    Biển nổi cơn thịnh nộ, rồi biển cũng trở lại dịu dàng, máy thoát nước trên tàu cũng đã sửa xong, và chiều ngày hôm sau đã thấy vết đất liền Thailand ở xa xa. Đến mờ tối, tàu nhanh chóng thả 41 người chúng tôi xuống bãi san hô giữa biển, rồi vội vã quay tàu, tăng tốc độ đi ngược ra phía biển trở lại Cambodia. Chúng tôi chơ vơ giữa bãi san hô, cũng may nhờ tôi có chiếc phao, đem ra thổi, cho hai thanh niên trẻ bơi vào bờ, gọi ghe của dân đánh cá Thái ra cứu. Sau đó có 2 chiếc ghe chèo ra bãi san hô, nói chuyện với chúng tôi bằng Tiếng Anh “to quơ”, đại khái là mỗi nhóm tối đa 3, 4 người được lên một ghe, và phải trả cho họ bằng tiền, vàng, hoặc bất kỳ trang sức nào đó như nhẫn, dây chuyền, đồng hồ. Tôi quay qua Đức:

    – Chút Đức đi với mình nhe, vì Đức thì đâu còn vàng bạc gì.

    Đức cười cười, liếc tôi:

    – Đương nhiên rồi Nàng, còn phải hỏi!

    Từng nhóm lần lượt lên hai chiếc ghe, xong mỗi chuyến, họ quay lại đón nhóm kế tiếp, tôi và Đức cùng một cô bạn là nhóm cuối cùng trên chiếc ghe cuối cùng đi vào bờ. Ôi trời ơi, vừa bước chân xuống đất, mới biết đó là vùng đầm lầy, sình ngập qua đầu gối, nặng chịch, không nhấc chân lên nổi. Cô bạn gặp được một chú đi trước giữa bãi sình, đứng đợi rồi họ giúp nhau, tôi chỉ còn biết dựa vào Đức. Mấy ngày nay trên tàu nào có ăn được gì vì lương thực quăng ra biển hết ráo, giờ mới thấy đói khát và kiệt sức. Tôi mềm như cọng bún, ôm cổ Đức ghì chặt, chàng thư sinh nhạc viện gầy yếu cũng ráng gồng hết sức kéo tôi lê lết qua bãi sình lầy rất khó nhọc nặng nề.

    Có thể nói, trên con đường vượt biên, rồi đến trại tỵ nạn, những người chung chuyến tàu là những người thân thương nhất, vì cùng trải qua những chặng đường sinh tử trên biển, gắn bó có nhau, qua đến trại vẫn phải dính chùm nhau mọi nơi mọi lúc. Cao Ủy chia mỗi nhóm tàu một lô nhà ở chung, thành hàng xóm của nhau. Đi lãnh gạo lãnh thực phẩm cũng đi theo lô nhà, đi làm giấy tờ trên văn phòng trại cũng phải theo lô nhà, tới ngày dọn vệ sinh khu trại cũng phải đi theo lô nhà, hỏi sao không gần gũi như người trong một đại gia đình.

Advertisement

Có những buổi trưa rảnh rang, hoặc chiều mưa ướt chẳng đi đâu được, nhóm tàu chúng tôi quay quần tán dóc, nhắc về chuyến vượt biển, Đức lại hí hứng khoe với mọi người:

    – Cái đêm đến bờ biển Tha Luông, chính tui là người ẵm nàng Loan này vào bờ chớ ai.

    Mọi người cười ha hả, tôi phải đính chính:

    – Ẵm, bế hồi nào vậy cà!? Nói chính xác là kéo lê kéo lết.

    – Ối, lúc đó Nàng mệt lả người, mắt nhắm mắt mở, nhớ gì chớ!

    Một buổi sáng, bốn đứa con gái chúng tôi vừa thức dậy, cây kem đánh răng cứng quá, đúng lúc Đức bước qua tính xin chút kem đánh răng, tôi nói:

    – Nè, nhờ Đức bóp giùm.

    Đức chớp thời cơ:

    – Bóp trên hay bóp dưới?

    Vì miệng chưa đánh răng, mặt mũi chưa rửa, nên tôi khép nép trả lời:

    – Phải bóp từ dưới lên trên, mà phải bóp từ từ, đừng bóp mạnh quá.

    Mấy chị mấy cô xung quanh lô cười rần rần, tôi mới biết đang bị Đức chọc phá.

    Bữa khác, buổi chiều, chúng tôi chuẩn bị đi lễ nhà thờ, đi qua nhà Đức thấy Đức vẫn ngồi ngoài cửa:

    – Ủa, sao bữa nay Đức không đi lễ?

    – Có cái quần Jeans tối qua thằng bạn lô kế bên mượn đi chơi với bồ chưa trả.

    – Trời đất! À mà nè, mặc quần shorts đi lễ cùng được mà, Chúa đâu chấp nhất chuyện áo quần.

    – Không! Đức đi lễ hoặc đi hát, thì phải nghiêm chỉnh đàng hoàng, còn không thì ở nhà.

    – Ở trại tỵ nạn mà cũng… chảnh dữ hen?

    – Ừa, tui dzậy đó!

    Có lẽ, cái máu thích đùa và máu “điên” tiềm ẩn từ lâu trong tôi, đã được đánh thức từ khi gặp Đức.

    Đời tỵ nạn vẫn trôi qua, có ngày vui xen lẫn ngày buồn, thấm thoát đã qua năm thứ ba của đời tỵ nạn. Tình hình Thanh Lọc càng căng thẳng, chương trình cưỡng bách hồi hương thông báo sẽ bắt đầu, và thuyền nhân đã biểu tình rầm rộ. Đám đông phá hàng rào, tràn ra ngoài lộ, giương biểu ngữ chống cưỡng bách trước hàng trăm họng súng và xe cảnh sát Thái bao vây. Cả trại hoang tàn vì một số người bạo động đã phá các cửa hàng người Thái ngoài chợ, phá cửa nhà tù, khiến Bộ Nội Vụ Thái báo động khẩn cấp, các văn phòng thiện nguyện ngoại quốc đóng cửa, không dám vào trại, đại diện Cao Ủy phải đi máy bay trực thăng từ Bangkok đáp xuống bãi biểu tình để đàm phán với dân tỵ nạn.  

    Đi trong buổi chiều đầy vỡ vụn xung quanh, Đức hỏi tôi:

    – Nếu rớt thanh lọc, Nàng có ghi danh hồi hương?

    – Theo quy định, chúng ta được quyền xin tái thanh lọc 2 lần nếu có những giấy tờ mới bổ sung, nên mình sẽ chờ đủ hai lần tái, rồi sau đó tính tiếp, còn Đức thì sao? Thú thiệt, thấy nhóm tàu mình có người lai rai hồi hương, đôi lúc cũng thấy nản chí, lung lay.

     – Đức sẽ theo Nàng, là chờ tái đến phút chót, cho đến khi “chín” thì thôi.

    Hai đứa nhìn nhau, cười buồn. Sau đợt biểu tình đó, cả trại được chuyển lên trại mới Sikiew.    Tương lai định cư đối với đa số đám đông vẫn là một giấc mơ xa vời, vì nhóm tàu của chúng tôi, chỉ có 8 người may mắn được đậu thanh lọc trong đó có tôi.

Advertisement

    Buổi tối chia tay để sáng hôm sau đi qua trại transit dành cho người đậu thanh lọc, tôi đi dạo cùng Đức. Tôi nói:

    – Thế là hành trình tỵ nạn đang khép lại, chỉ vì cuộc Thanh Lọc đáng ghét mà nhóm tàu chúng ta phân chia trăm ngả, mà ngã đông nhất là hồi hương về Việt Nam, thật là buồn.

    Đức trầm ngâm:

    – Chẳng ai muốn trở về nơi họ đã dứt áo ra đi, mà thôi, vượt biên có số định cư có phần. Riêng     Đức sẽ nhớ mãi cái cảm giác sung sướng vỡ òa khi bước chân lên bờ biển đất Thái sau mấy ngày bão giông tơi tả. Những ngày ấy có lẽ là những ngày hạnh phúc nhất của đời tỵ nạn, vì chúng ta chưa nhập trại lớn, chưa biết gì về cuộc thanh lọc, ba tuần ở trại nhỏ vui và đẹp như cõi thần tiên.

Đúng vậy, khoảng thời gian ở trại Cảnh Sát Tha Luông êm đềm xiết bao. Sáng ngủ dậy, chào cờ Thái, xong mọi người tản ra xung quanh trại nhặt rác, gọi là vệ sinh chung, rồi sau đó tự do, từng nhóm tàu nấu cơm trưa, ai rảnh rang thì tụ năm tụ ba nói chuyện tán dóc, kể chuyện cười, cho hết thời gian. Sau bữa trưa, là … ngủ trưa, rồi lại lo cơm chiều, rồi ra hồ nước kế bên trại tắm rửa giặt giũ, ôi vui còn hơn Tết. Buổi tối, mấy nhà cảnh sát Thái mở Tivi cho bà con tỵ nạn vào xem ké, riêng nhóm tàu chúng tôi náo động nhất trại, vì có một anh từng sinh hoạt trong Hướng Đạo, nên chúng tôi chơi trò chơi Mật Thư, hoặc sinh hoạt vòng tròn ca hát, các trò chơi tập thể. Nhiều người các nhóm tàu khác vây quanh xem chúng tôi chơi, thậm chí ông Cảnh Sát trưởng trại cũng có lần ghé đến xem, thích thú, rồi tặng cả nhóm một thùng mì gói Mama bồi dưỡng.

    Đức ngập ngừng nói tiếp:

    – Và dĩ nhiên, Đức nhớ nhất cái đêm tháng 12 lạnh lẽo không trăng không sao, đã được dìu Nàng vào trong bờ đất liền, kỷ niệm đẹp quá, Đức sẽ không bao giờ quên.

    Tôi cũng mơ màng theo dòng cảm xúc kỷ niệm:

    – Còn Loan ư, sẽ nhớ nhất tuần đầu tiên nhóm tàu mình ở khu trại Cảnh Sát Thái, được nấu nồi chè ăn mừng đến bờ tự do, Đức đã hát bài “Yêu Một Mình”, giọng ca ngọt ngào tha thiết, đúng là dân tốt nghiệp trường Âm Nhạc.

    – Bài hát đó tặng Nàng chớ ai!

    – Xạo vừa thôi! Mới gặp nhau trên đường vượt biển, biết gì mà tặng. Vả lại, nhà mình ở Việt     Nam có giàn hoa giấy màu đỏ, đâu phải “nhà em có hoa vàng trước ngõ, tường thật là cao có dây leo kín rào …”

    – Lúc đó cũng biết nhau cả tháng rồi chớ bộ. Mà ai ngờ bài hát đó lại đúng y chang, sau này khi nhập trại Panatnikhom,  là “mọi người thầm mong được đưa đón chân em …” trong khi Đức chỉ là một chàng nhạc sĩ nghèo, con bà “Phước” ở trại, nào dám ngỏ lời, nào dám mơ xa …

    – Thôi, hổng nói tào lao nữa, Đức nói đùa y như nói thiệt, nhưng Loan sẽ nhớ mãi cuộc nói chuyện hôm nay, cám ơn Đức vì tất cả. Chẳng biết tụi mình có được gặp nhau nữa không, chúc Đức nhiều sức khỏe, may mắn và hạnh phúc trong cuộc sống tương lai.

    – Nàng cũng vậy nhé, đừng bao giờ quên nhóm tàu 41 và trại tỵ nạn Thailand.

    Chúng tôi từ biệt nhau từ đó, có ngờ đâu, hơn 30 năm sau giấc mơ tái ngộ sẽ trở thành sự thật, vấn đề chỉ là thời gian sớm muộn mà thôi. Tôi mong chờ đến ngày đó, để được thực hiện lời hứa tôi đã nói với Đức trên Facebook, là sẽ mua một cái giỏ mới, thật đẹp, tặng cho bà xã Đức, coi như “ nợ nần” xưa được xóa bỏ.

    Đó là món nợ vật chất, còn cái nợ tình thân, Đức dìu tôi vào bờ biển Thái năm nào, và những kỷ niệm chia ngọt sẽ bùi của nhóm tàu 41 người, làm sao trả cho hết!

– Kim Loan

Edmonton, April 2024

Nguồn: https://vietbao.com/p301414a318724/mon-no-nam-xua

13 người cuối cùng về từ Tiền đồn 3&4 Kon Tum – MAI BÁ TÒNG

MAI BÁ TÒNG

Ảnh minh hoạ

Vừa vào nhà hàng mới kéo ghế ngồi, nghe giọng hát của Chế Linh:” Người về Thành Phố đây rồi, chốn ăn chốn ..Chơi…Trời ơi! Nghe mà thấm vô cùng, đang suy nghĩ miên mang thì Anh Em lính hỏi :”Ông thầy ăn gì nè” Trong 2 ngày lần trốn trong rừng tìm về Kon-Tum. Chúng Tôi tất cả 13 Anh Em trong đó có 1 Anh Lính bị thương ngay bụng tên Gấm người Hồng Ngự. Đang di chuyển ngon lành, anh Lính đi đầu ra hiệu lệnh phát hiện dấu hiệu lạ “Có địch” Tôi mò lên xem thì thấy hoàn toàn yên như tờ . Nhưng nhìn kỹ dưới cát dấu vết những dấu “Dép Râu” trong khu rừng cây mì tươi tốt cạnh con suối nhỏ. Tôi nghĩ trong đầu không lẽ tôi đi sai phương giác, chúng tôi nằm yên quan sát tiếp. Khi nhìn qua bên phải có ngọn núi cao, trên đỉnh đồi có lẽ là đồn ĐPQ nhưng ở dưới đây lại bọn vẹm. Vì thường trong rừng sâu mà có cây mì, thường là vùng hậu cứ của đám vẹm chánh qui! Chúng tôi cũng lo lắng không ít . Bèn cho Anh Em tất cả dàng hàng ngang và quan sát thật kỹ ,nhưng không thấy một con Khỉ đít đỏ nào. Chúng Tôi yên tâm lấy nước và bẽ củ mì rửa và ăn sống , Tôi phải nói với Anh Em là ăn ít thôi, chứ ăn nhiều sẽ bị phát ách là không đi được.

Trong khi ngồi nghỉ tôi nghe tiếng Trực Thăng bay trên đầu và có nói với Anh Em:

– Cái đồn ĐPQ trên núi có thể bị hốt lúc nào cũng không biết. Vì dưới đây toàn là “Dép Râu”! Tội nghiệp họ vì không biết.

Khi ra đến con lộ tôi gọi xe ôm chở Gấm đi thẳng Bệnh viện 2 dã chiến Kon-Tum, vì vết thương ngay bụng và mùi máu sau 2 ngày tanh hơn mùi tử thi. Chúng tôi đi dọc bên hông đường thì có chiếc Land rover cập sát bên phía trước, một vị lớn tuổi người nước ngoài nói gì với người Lính đi đầu và chỉ về tôi. Tôi đến thì Ông ta mới nói bằng tiếng Việt, mặc dù biết Ông là người Ngoại Quốc đi truyền giáo nhưng nói tiếng Việt rất rành (Giống như các Cha trong dòng Don Bosco mà Tôi đã học, mấy Cha nói tiếng Việt rất giỏi dù là người Ý & Bỉ hay Brazil.. Cả tiếng lóng.)

– Các Anh từ Tiền đồn 4 xuống phải không?

Tôi trả lời:

– Đúng đó Ông! Chúng tôi đã đánh cả 2 ngày nay chỉ còn lại 11 Anh Em và 2 Sĩ Quan.

Ông nói :

– Chúng Tôi biết chứ !Tôi là Mục Sư. Cho Tôi mời Anh Em về nhà hàng ăn bữa cơm nha.

Tôi nói:

– Chúng tôi cám ơn Mục Sư, tôi và T/Uý Thái văn Tín (Th/Úy Tín khóa 3/72) bàn bạc và đồng ý nhưng vì chỉ có 1 chiếc xe nên Chúng Tôi chia ra làm 2. Toán của Th/Uý Tín đi trước, còn toán Tôi đi sau (Giống như những gì chúng oôi đã học ở trường Thám Kích & Thảm kịch Quân Đoàn 2).. Câu chuyện bắt đầu từ đây ….

Ảnh minh hoạ

Trong rừng Bandon Thành Phố Ban Mê Thuộc , chúng tôi được di chuyển lên Pleiku để tiếp tục những trận đánh gìn giữ giang sơn vùng 2 chiến thuật. Chúng Tôi thuộc TD1/44/23 BB, gồm có 4 Sĩ Quan và gần 110 Anh Em Binh Sĩ . ĐĐT là Tr/Uý Đỗ Minh Cao Khóa 25 Đà Lạt cùng 3 SQ Trung đội Trưởng gồm có: “Thái văn Tín khoá 3/72, Nguyễn văn Thành khoá 8 A Đồng Đế và tôi Mai Bá Tòng khoá 8B+ C Thủ Đức”.

Chúng tôi được di chuyển về trường Thiếu Sinh Quân Cao Nguyên cạnh QĐ2. Nơi đây đổi tên thành Trường Thám Kích QĐ2 (Còn Thiếu Sinh Quân Cao Nguyên đã chuyển về TSQ Vũng Tàu). Những ngày đầu ở Trường Thám Kích, chúng tôi rất thoải mái và thay phiên ra phố Pleiku & Biển Hồ rong chơi. Chiều tối về chúng tôi qua QĐ2 ứng trực vòng đai QĐ2, toán của tôi may mắn là chịu trách nhiệm ngay cổng QĐ. Khoảng 4& 5 giờ chiều, chúng tôi có 2 Anh Em ra đầu đường kéo hàng rào kẽm gai về 2 phía. Một là vào TP Pleiku và đầu phía lên Kontum, riêng tôi phải ngồi trực trong văn phòng tại cổng vào. Riêng ĐĐ tôi thì canh gác vòng đai QĐ2. Thời gian rảnh rỗi đó, chúng tôi phải chờ thêm 2 ĐĐ Trinh sát 22 và ĐĐ Trinh sát Phú Yên vào Huấn luyện chung cho khoá 1/ Thám Kích.

Khi cả 2 ĐĐ Trinh sát đầy đủ, chúng tôi được các Anh Em bên Lôi Hổ gồm cả: “Sở Liên Lạc & Đoàn Công Tác” huấn luyện. Những AE Lôi Hổ là những AE quá nhiều kinh nghiệm chiến đấu trong rừng, thường là họ đi từ lính lên tới cấp Uý. Chúng Tôi được huấn luyện rất kỹ về đủ thứ! Tháo gỡ mìn bẩy các loại vũ khí lắp ráp & sử dụng của khối Cộng và khối Tư Bản nhất là màn cắt ngồi nổ của lựu đạn để dể nổ khi quăng ra khỏi tầm tay của mình. Tôi còn nhớ cả 2&3 ngày, Anh Em chúng tôi phải kéo 3 rổ cần xé lựu đạn, vặn kíp nổ dùng dao cắt ngắn đi hơn phân nữa kíp nổ. Mới thấy thì sợ nhưng riết rồi cũng quen. Đó là những huấn luyện ban ngày cho 3 ĐĐ, còn những buổi chiều thì tùy theo ĐĐ trực sẽ qua QĐ2 canh gác cùng 1 toán ứng trực bên trại Long Biên Lôi hổ nằm cạnh Phi Trường Cù Hanh.

Chúng Tôi học mỗi thứ như: “Cách leo thang giây trong huấn luyện và thực tế khi ở trong rừng được rước về. Cách điều chỉnh Trực thăng sau khi chấm dứt nhiệm vụ…”. Tại nơi đây tôi có chơi với anh ĐĐT Trinh sát 22 tên Dự hay Dậy, anh ta người Huế .. nhiều SQ trong 3 ĐĐ nhưng anh lại là người thích tôi. Sau này gặp lại nhau ở phòng SQ ngoại thương bệnh viện Trần Ngọc Minh Sài Gòn. Anh giới thiệu tất cả AE SQ nằm ở phòng ngoại thương, xin giới thiệu với AE:

– Đây là người Hùng Tiền Đồn 4, anh học chưa xong đã bị bốc vào Tiền Đồn 4. Tất cả AE đều bị bắt và chết! Lúc đó Anh có tặng tôi 1 khẩu P38. Giờ không biết sống chết ra sao!

Có nhiều lần địch quân pháo vào Phi Trường Cù Hanh, tôi được lệnh vào vùng Lệ Thanh & Lệ Chí những dãy đồi đối diện Biển Hồ tìm những cây pháo. Sau 2 ngày 1 đêm chúng tôi mới mới phát hiện ra là những hỏa tiển 122 ly đã bắn xong, được gài bằng những thanh cây .. và rất nhiều nhưng Vẹm thì không thấy. Trưa hôm đó đang ngồi nghỉ, thì anh lính gác nổ súng. Chúng tôi vào vị trí sẵn sàng chiến đấu, nhưng khi đến gần thì chỉ thấy toàn là cây, và 1 con rắn bự đang phùng mang trợn mắt vào AE chúng tôi. Anh ta bắn thêm 1 phát ngay cổ nhưng chẳng ăn thua gì với nó, lúc đó máy gọi Đích thân Th/Tá Giám đốc Trường TK (Ông ta tên là Ngọ là CH Hậu cứ BĐQ QĐ 2. cùng khoá với Tướng Toàn QĐ2).

– Đụng hả?

Tôi trả lời:

– 1 con rắn lớn đang quấy rối .

Trong khi đó tôi thấy 1 anh lính Thượng tên KaTin, đang chặt một nhánh cây! Tôi định la, thì ông 5 già liền bắn 1 viên ngay cổ nhưng chẳng ăn thua với con này. Nó vẫn bình thường! Vẫn ngóc đầu khè lười chọc quê chúng tôi, tôi liền quay qua anh Lính Thượng và hỏi:

– Con này trị nó làm sao KaTin

Lúc đó, nó cũng chặt xong nhánh cây chạy lại và quất 1 cái vào ngay cỗ con rắn. Bổng dưng con rắn hạ cổ xuống đất , chuyện bất ngờ mới thấy, nó trườn mình thành chữ S phá tan những thân cây chung quanh gần 15 & 20 mét vuông. Trong lúc đó! nhìn trên thân uốn khúc của nó, thấy 1 vật hình chữ nhật lượn theo thân từ giữa đến trên đầu. Khi vật đó gần đến đầu, miệng nó banh ra bằng 2 bàn tay con người và ói ra 1 đống thịt màu đỏ. Từ đó nó nằm yên, chúng tôi đến gần quan sát. Mới biết là 1 con trăn bông dài khoảng mười mấy mét, vì mới ăn con Đỏ nên mới ói ra ngoài trước khi chết. Sau này mới biết cách trị con trăn & con voi ( lúc ở Bandon Ban mê Thuộc, voi thì bước tiến không bao giờ lùi. Nó chỉ lùi 1 bước rồi tiến lên nhưng khi nào gặp “Lửa” nó đành quay đầu.

Ông Th/Tá gọi tiếp :

– Thanh toán xong chưa?

Tôi đáp lại :

– Dạ xong, con trăn gần 16 mét.

Ông nói tiếp :

– Đem về cho qua nha! Anh đổi cho 1 cây M18 + 1AK 47 nha.

Tôi đáp liền:

– Ông cho Chuồn chuồn tới đi ..

– Cho con Trăn lên thôi, còn bọn em đi tiếp.

Khi đi qua bãi đáp, mới nghe người Dân trong làng nói với nhau:

– Con này nó ăn gà & heo con và chó v.v….

Những ngày sau đó đi ra, không thấy ông nói gì. Nhưng tôi sau đó được ông gửi cho 1 M18 & 1 Ak47, nhưng Ông nói con trăn TT Toàn lấy rồi, vì trực thăng đáp xuống QĐ2. Ông ta chạy vào và gặp, Ông hỏi của ai!

Th/ Tá Ngô nói:

– Của thằng Tòng bên 23

Đang ngồi uống cà phê sáng với Anh Em mình, thấy Th/Tá vào uống cà phê sáng nên tôi mời ông. Ông ta ngồi xuống uống và trò chuyện với chúng tôi bình thường, nhưng sắp đi ra ngoài thì ông nói với tôi :

– Tòng ! Tụi lính nói bọn em gặp một đống đầu đạn phải không! (Mẹ pà, mấy thằng đệ tử hại mình và AE) Hôm nay vào lại kiếm đống đầu đạn đó nha .

Đành phải chịu vì mấy anh lính vui miệng khi ngồi quán cà phê, lại Balô vào trong rừng kiếm nhưng lại tội cho những AE khác cực khổ di chuyển lên xe GMC.

Thời gian này Chúng Tôi rất rảnh, để chờ làm lễ mãn khóa. Chúng tôi chơi đùa đi phố chơi, cũng thời gian này thì Ch/Uý Tín lên Th/Úy ( Chúng tôi ra phố ăn mừng rửa lon cho Th/Uý Tín. Trong lúc ra về Trường Thám Kích mới hay tin Ch/Uý Thành bị quân cảnh Pleiku giữ. Sau này gần 40 năm mới hay Ch/Uý Thành bị ra tòa và qua SĐ22 BB với cấp bậc Ch/Uý muôn năm. Trong lúc chờ đợi thì Tr/Uý Cao ĐĐT lại đi phép …Còn lại 2 AE Tôi và Tín..

Bổng dưng có lệnh vào Tiền đồn 3 và 4, mà không cần làm lễ mãn khóa. Giã từ AE Trinh Sát 22 mà lòng buồn vô hạn! Lệnh đành chịu thôi, AE bên TS 22 chúc chúng tôi được bình an và gặp nhiều may mắn. Khi đến Kon-Tum ĐĐ chúng tôi được thêm 1 Tr/Úy Hoà ( Bên ĐPQ qua làm ĐĐT trước khi vào Tiền đồn 4) Tr/Uý Hoà có nhã ý mời Tôi ra Kon-Tum ăn mì vào buổi chiều, thấy Tr/Úy Hoà ăn rất là hồn nhiên như những người dân Nam Bộ. Ông ta ngồi chồm hổm, bưng tô mì húp nước lèo một cách ngon lành mặc dù là người Bắc và nói:
– Ăn như vậy mới ngon nè thằng Quỷ.
Đúng là dân chơi, tôi thì cũng mến. Trong trận chiến này không biết sẽ ra sao! Tôi nghĩ vào Lính trước sao thì cũng chết, nhưng phải chết một cách anh hùng. Có 1 lần 1 người lính già tên:”Ông 5 già” theo tôi từ lúc đầu, thấy 1 vài SQ không đeo lon trên bâu áo liền thì thầm với Tôi:
– Ông Tr/Uý .. không đeo lon chắc lạnh cẳng hả ông Thầy.
Tôi chỉ cười và nói :
– Lỡ tôi có bị bắn chết, khi giặc có lật xác lên thì cũng hãnh diện là mới bắn chết một SQ của QLVNCH.
Cả đám AE binh lính cười và nói với nhau:
– Ộng ta đã lỳ từ lúc về đơn vị.
Không biết ngày mai sẽ ra sao! nhưng cố gắng giữ gìn cẩn thận cho AE trong mọi tình huống khi đụng trận. Mọi chuyện đều như nhau và chúng tôi vào tiền đồn 4 thay thế 1 đơn vị bạn , trong khi vào tiền đồn 4 tình cờ gặp lại người mang máy cũ trên đường hoán đổi nhưng hắn ta hình như ở trên tiền đồn 4 xuống. Hắn chào tôi và cười, người này khi về đơn vị tôi, thì tôi được biết trong Quân Bạ có viết ” người này không được ở 1 đơn vị quá 3 tháng”, nên Tôi cũng đề phòng nhưng khi hắn ta đổi đi thì cũng không để ý tới. Nhưng sau ngày 30/4 tôi đã gặp lại ở gần nhà trên đường Thái Lập Thành củ ở Phú Nhuận sau này đổi thành “Phan Xích Long” với bộ đồ MTGPMN đầu đội nón tay bèo. Hắn chận đầu xe đạp và hỏi Tôi :
– Anh nhớ Em không?
Tôi chần chừ không nói, hắn hỏi thêm :
– Ông Thầy nhớ em chưa !
Tôi ngần ngừ cũng không nói gì,
Hắn mới vòng tay qua cổ tôi và nói:
– 40 nhớ Em chưa ” Tên danh hiệu của Tôi khi đi hành quân”.
Cả 2 bên đường dân trong xóm nhìn tôi với cái nhìn lo sợ. Nhưng Hắn vẫn tốt với tôi, rủ tôi đi nhậu và đưa tiền cho tôi xài. Sau này tôi mới biết 1 phần tiền đồn 3&4 bị đánh. ĐĐ tôi nằm dưới tiền đồn 4 gần 1 con suối. Nói thì gần nhưng đi cũng 1 cây số, tôi được chỉ định bố trí AE về phía Đông Bắc, phía về Quảng Ngải. Mặt này tuy lài lài nhưng rất nguy hiểm và dễ bị tấn công. Mặt hướng Sau Tây Nam thì dốc đứng nên cứ yên tâm khó mà địch tấn công. Nên tôi cho AE mình gắn tất cả đồ chơi ra khá xa, đủ thứ mìn bẫy chính tôi đích thân đi quan sát. ĐĐ đóng tại đây chỉ có tôi và Tr/Uý Hoà, còn Th/Uý Tín đóng quân về phía Nam, cách chúng tôi gần 1 cây số và 1 toán 6 AE nằm dưới suối hướng Bắc dưới tiền đồn 4 để bảo vệ nguồn nước uống. Coi như chúng tôi yên tâm trong những lúc đầu, hàng ngày tôi dẫn 5 AE của tôi đi lục soát phía Đông Bắc hướng đi Quãng Ngãi và xuống phía Nam gần nơi tiền đồn 3. Trên đường về chúng tôi theo con đường mòn về ĐĐ, tôi có xin liên lạc 1 Anh Em ở giữa đường, tháo gỡ những đồ chơi và tiếp đón chúng tôi để tránh bắn lầm nhau. Đến khi vào được bên trong, tôi mới biết bạn cùng khóa với tôi là Bùi Quốc Tuấn, nằm ở đây 1 trung đội với vị Đ/Uý Tiểu đoàn Phó Nguyễn Xuân Thiệp (Ông này tôi cũng không thích, vì khi ở tù Suối Máu nghe mấy AE Th/ Tá nói lại là ông ta làm Antena cho VC. Nên cũng không thích và còn khinh rẻ Ông ta ra mặt). 2 AE chúng tôi gặp nhau,Tuấn đãi tôi một chầu cà phê rừng. Chúng tôi ngồi uống cà phê và nói chuyện cũ.
Tuấn nói:
– Từ ngày Mày đi ! Tao mới coi Tr/Đội Trưởng.
Tôi nói với Tuấn:
-Tao nghe nói lại là lúc này mày giỏi lắm !(Vì khi mới ra trường Tôi nắm Tr/Đ Trưởng liền, còn Tuấn đi theo ĐĐ lúc mới ra).
Đang ngồi uống cà phê thì bổng trời trở lạnh, thấy bạn mình run tôi bèn mở Ba Lô lấy áo Jacket Dù cho Tuấn mặc.
Nó nói:
– Cám ơn.
Bây giờ chúng tôi nghe tiếng Depart của Pháo binh địch, sau đó nó bay sè sè qua đầu.
Tôi liền nói:
– Chưa tới bọn mình mà! Còn xa lắc

Nói vừa xong thì 1 quả rớt cạnh bên, tiếng miễng đạn bay vèo vèo rớt xuống trúng vào sau lưng Tuấn. Nhìn kỹ lại thì áo Jacket dù tôi mới đưa cho Tuấn đã bị cháy đen, may mà miễng đạn rớt xuống nằm ngang nên cũng không bị gì cho Tuấn. Lúc đó máy gọi quá đành từ giã Tuấn (Và cũng là lần gặp lần cuối với Tuấn .. hy vọng cho Tuấn được mọi sự tốt lành qua bên kia thế giới và những AE chiến hữu đã Anh Dũng hy sinh vì bảo vệ Quốc Gia). Ngày hôm sau ĐĐ Tôi được thêm 1 Th/Uý tên Cung khóa 26 VBQG mới ra trường làm ĐĐP, Anh Cung nằm sát bên Tôi và hỏi thăm tình hình gia đình tôi cùng tất cả AE Binh Sĩ.

Sau 2 ngày ở đây! Sáng ngày thứ 3, đang kiểm soát lại tất cả giao thông hào và mìn bẩy. Th/Uý Cung đến từ giã chúng tôi vì có lệnh phải ra ngoài nhận nhiệm vụ mới. Tr/Uý Hoà cử 2 anh lính hộ tống ra Tiền đồn 3, trước khi đi Th/Úy Cung lấy trong Ba lô ra 1 sấp bao thư và chia cho AE binh lính.

Tôi thấy và nói với Th/Uý Cung:

– Th/Uý không nên làm như vậy! (Đó là một điều không lành cho những AE Lính tác chiến)

Th/Uý Cung nói:

– Không có gì đâu! Tòng đừng lo..”

Có những điều dị đoan không tin cũng phải tin “.. Rồi sau đó, tôi cũng không còn thấy Th/úy Cung. Khi Th/úy Cung đi ra Tiền đồn 3, khoảng 1 tiếng sau chúng tôi nghe pháo 130 ly bay qua đầu rất nhiều. Kinh nghiệm chiến trường của những anh lính àm nghề “Bóp cò” liền báo động cho AE chuẩn bị xuống giao thông hào. Chưa biết sẽ ra sao nhưng nghe máy ĐĐ báo như sau:

– Sơn Thủy Đ/Uý Dương Đình Chính băng hà sau 3 quả pháo 130 ly đầu tiên,và số AE chết rất nhiều.

Sau đó tôi và Tr/Uý Hoà, không còn nghe gì ngoài những tiếng súng nhỏ rất gần. Mấy tiếng sau lại nghe máy của Th/Uý Tín đang bị đụng với giặc cộng. Anh Tín gọi chúng tôi xin Pháo binh yểm trợ, chúng tôi gọi xin nhưng đều vô vọng. Chừng 1 tiếng sau, anh Tín xin mở mìn bẩy cho con cái Anh vào nhà lớn. Chúng tôi đi tháo mìn và thông báo cho AE hướng Nam, cẩn thận có Bạn vào nhưng cũng có AE bắn vì phát hiện những người di chuyển gần ĐĐ. Đến khi nghe tiếng la :

-Lính ..Lính

Tôi la to:

– Cho Th/Uý Tín vào đi ! Nhìn cho kỹ nha.

Khi anh Tín vào trong ĐĐ, tôi có hỏi:
\

– Tụi nó đông không?

Anh trả lời:

– Đen nghẹt! toàn là chính qui không.

Bây giờ Anh nằm giữa Tôi và Tr/Uý Hoà, Anh chuẩn bị mấy tọa độ phía bên tôi hướng Đông Bắc và liên lạc máy cho Tr/Uý Hoà nha.Vì địa hình của tôi lài lài nó sẽ đánh, tôi liền đi vòng quanh AE xin mìn Claymore, đem về gắn phía trước giao thông hào của mỗi chỗ đứng và đưa con cóc mìn cho AE và nói :

– Khi nào nó tấn công thì bấm, nó sẽ bắn pháo phá hủy tất cả mìn bẩy ở ngoài trước khi nó tràn vào tuyến của mình. Trời vừa hừng sáng ngày thứ 2, chúng tôi nghe tiếng Trực Thăng trên tiền đồn 4. Nghe máy báo cho biết là Th/Tá Như Trung Đoàn Phó 44 /23 BB, được thả vào Tiền đồn 4. Chúng tôi được yên tâm và chờ đơn vị tiếp viện theo những lời chỉ thị trong máy. Ngay lúc này chúng tôi vẫn bình tĩnh, không có một chút gì lo sợ mặc dù biết trước sau gì cũng bị đánh. Sáng sớm ngày thứ ba trên tiền đồn 4 có súng nổ, sau đó chúng tôi được biết tiền đồn 4 đã bị chiếm, tiếng máy vẫn nói đều đều :

– Ráng cố thủ chờ tiếp viện….

Rồi cũng như mọi ngày máy vẩn nói:

– Ráng cố thủ chờ tiếp viện… Đều như vậy.

Đến chiều ngày thứ ba, hình như có linh tính trước và để lục soát dưới con suối nằm dưới chân tiền đồn 4. Một phần AE Chúng Tôi cũng cần nước cho nấu ăn và vệ sinh, Tôi cử một Tr/SBổn và 5 AE đi lấy nước nhưng Chúng Tôi cũng không yên tâm. Trời đã về chiều nhưng chưa thấy AE lấy nước về, chúng tôi cũng lo lắng, nên có 2 AE ngay con đường mòn đứng đón, trong lúc đó trong một anh đã nổ súng và la lớn:

– Việt cộng…. Chờ yên tĩnh! Chúng Tôi mới đến hỏi .

Hai Anh nói :

– Đang cầm súng nhưng mắt nhìn về hướng AE đi lấy nước. Tự nhiên có một Anh từ trong lùm cây đi ra và hỏi:

– Các Anh ở K nào?

Trong lúc nghe và quan sát, anh lính thấy thằng này đeo Ak 47 ngang tầm tay. Anh liền gạt nòng súng qua một bên, liền xã 2 viên và la lên để AE bên trong biết. Chúng tôi mò ra ngoài tuyến để kiếm, nhưng chỉ thấy vết máu còn người thì mất tiêu .

Trong lúc đó AE lấy nước gọi :

– Có gì không 40!

Tôi nói liền:

– AE 70 gấp nha! “70 là lui về đơn vị”.

Vài phút sau AE đã có mặt, BCH đại đội họp liền. Tôi nghĩ là bọn TS của Họ đi quan sát, còn Tr/Uý Hoà thì nghĩ là sau 2 trận đánh có thể nó đi lạc. Anh Th/Uý Tín thì coi lại những tọa độ yểm trợ Pháo binh, lúc này tôi cũng thật bình tĩnh coi như không có việc gì xảy ra. Lính hỏi Tôi :

– ở gì không Ông Thầy !

Tôi nói:

– Ở trên cứ nói chờ Quân tiếp viện & Lương thực.

Đêm đó Tôi lại được một giấc ngủ ngon lành, trời vừa sáng tôi ra ngoài tuyến đi vệ sinh nhưng nghe những tiếng động. Thỉnh thoảng thì im, tôi có hỏi AE binh lính thì AE cũng nghe giống như tôi. Tôi tới bàn với Th/Uý Tín xin yểm trợ phi pháo gấp. Chúng Tôi gọi và cho địa điểm…. Họ nói với Chúng Tôi:

– Cứ yên tâm ….

Nhưng rồi cũng không thấy bắn một phát nào, bây giờ thì tiếng đào đất càng lúc càng lớn. Tất cả chúng tôi đã sẵn sàng chiến đấu với Vẹm một trận sống còn, bên cánh trái của tôi có thằng Hổ đại liên, cánh phải 2 cây M79 và 1 cây XM202. Rồi mọi việc đều đến như tôi dự đoán, chúng tôi hứng chịu những đòn pháo của địch quân tan nát gần cả tiếng đồng hồ. Pháo của Mình cũng không thấy lên tiếng giúp chúng tôi, cũng không nghe thấy máy gọi.

Một lát sau, tôi nhìn thấy 1 hỏa tiển lạ vừa bay là là dưới mấy cành cây.

Thì trong ĐĐ có tiếng la lớn :

– Tắt máy gọi, có hỏa tiễn tầm nhiệt (Sau này Phòng 2 QĐ2 mới cho biết là AT3, loại Hỏa tiễn tầm nhiệt mới ra).

Sau đó chúng la lớn :

– Xung phong ..Xung phong, tiếng B40 &B41 tiếng AK đủ loại.

Nhưng không thấy một bóng dáng mấy con Khỉ đít Đỏ nào bò lên, toán cảnh trước mặt hướng tôi đang đợi. Tất cả đều bình địa trống trải, tất cả AE đều ngóc đầu lên quan sát.. Một lát sau những tiếng AK, B40 tiếp tục nã vào những thân cây trong vòng đai và tiếp theo những mìn con cóc, đại liên khạc rần Trời. Tôi thấy Hổ đại liên đi chuyển liên tục từ phải qua trái, tôi nghe một binh lính bị thương nơi bụng. Bổng dưng thằng Ngọc nhảy lên và chạy đến tôi xin thêm đạn và nói:

– Chắc chắn chịu không nổi qúa ông Thầy.

Tôi nói cho nó an tâm:

– Ráng cầm cự! Tao qua nói với Ông Hoà

Nhưng mới tới chỗ Th/Uý Tín tôi nói:

– Anh nói với Tr/Uý Hoà cho mở đồ chơi mé sau đi. Kêu Ông Hoà ” Bung trước đi “, tôi cầm chừng chúng nó rồi Bung sau.

Trở lại tuyến với AE Binh Lính và dặn:

– Khi nghe bấm mìn con cóc nữa là Bung nha ! AE truyền miệng nhau xong thì một tên Đít Đỏ nhảy vào, thằng Ngọc phơ 1 tràng M16.

Tôi liền la lớn :

– Bấm mìn.. Tôi nhảy lên khỏi hầm liền chạy qua bên anh Tín, nói lớn:

-Anh Tín “bung” nó tràn vô tuyến .

Tôi nói nhưng vẫn quay đầu lại kiếm những AE binh lính còn sót lại trong giao thông hào, đạn của Địch quân càng nổ nhiều. Đạn bắn rát quá, đành nhảy đại xuống thung lũng song song với tôi là thằng Ngọc. Gió hai bên tai cùng tiếng đạn, khi nghe tiếng cạch nhìn kỹ lại là bá súng M16 trúng đầu người lính nhảy trước tôi.

Tôi vội nói với Anh Lính:

– Chạy lẹ lên ! Nó bắn dử quá.

Trong lúc chạy tôi nghe tiếng phi đánh bom và tiếng cây gẫy đổ, vì vậy mà tôi bị vướng trên thân cây gẫy nhờ AE gở xuống. Nhìn lại thấy mình chạy trong những khe nước chảy của 2 vách núi ” Đường nước chảy “. Mới ngồi kiểm soát lại trên người, bên phải quần 4 túi có 4 đầu đạn & Balô đều có đầu AK. Vì dốc thẳng đứng, nên tôi cũng yên tâm là dù địch có bắn cở nào thì cũng ở phía trên không thể đụng đến AE chúng tôi.

Lúc này thì T/Uý Tín mới nhắc tôi là:

– Tòng kiểm tra lại quân số coi bao nhiêu AE.

Sau khi kiểm tra lại, tôi nói chuyện với Anh Tín:

– Tôi cùng Anh và 11 người lính “Có 1 Anh bị thương ngay bụng”. Tôi nhờ anh em khác băng vết thương cũng khá nặng.

Tôi nói tiếp:

– Bây giờ đi hướng Tây Nam hay Tây Bắc về Kon-Tum.

Anh Tín nói:

– Bọn nó đánh Mình! Tụi nó dồn hết lực lượng đánh mình, thì phía của nó sẽ bỏ trống. Phần nữa là nó đánh thì thế nào cũng có toán chận bắt ….

Tôi quyết định theo anh và lấy phương giác theo hướng Tây Bắc mà đi, AE mới hỏi:

– Ông Thầy, tại sao lại đi vào vùng Việt cộng vậy?

Tôi chỉ nói:

Tụi nó dồn qua đánh mình, bên đó chắc không có ai hết. Nói vừa xong thấy anh Gấm (Người bị thương ngay bụng) có vẻ đau đớn vì vết thương, Tôi liền nói với Anh:

-Anh Gấm! Anh phải đi trước tôi nha, nếu yếu tôi cho AE đở anh đi. Còn Anh đi sau tôi, tôi không biết AE họ bỏ anh thì chịu thôi.

Đi được gần 1 tiếng đồng hồ, AE mới phất tay báo cho biết “Chốt Địch” nhưng không thấy một em nào trong hầm ( (vì vào vùng Địch nên có rất nhiều chốt của nó) vì đánh mình nên nó tập trung qua hết để “Để đánh” nên chúng bỏ trống, nhưng khi đi ra ngoài mới thấy mìn Claymore của nó to bằng cái nón lá của phụ nữ mặt lõm vào. Đi bỏ đi nhưng tôi nói với AE rằng:
\

– Cho tụi bây biết mùi lợi hại nha! AE phụ nhổ lên quay hướng vào “Chốt” vủa nó. Lúc này chúng tôi mới bẻ hướng Tây Nam mà đi, trời cũng trưa. Đi được hơn nửa tiếng đồng hồ, thì nghe tiếng suối chảy khi đến lưng chừng triền. Định băng qua con suối, để lên ngọn núi trước mặt nhưng bên kia có những bậc tam cấp (Thường thường trong rừng mà có bậc tam cấp là nơi đóng quân của VC). Đang phân vân có nên lên núi & đi theo con suối rồi đổi hướng khác thì nghe tiếng đi chuyển dưới suối. Chúng tôi đều nằm xuống đất và quan sát, tôi liền ra dấu cầm lựu đạn trong tay tất cả đều sẵn sàng chiến đấu.

Nhưng Anh Tín bò đến và nói:

– Tụi nó như con rắn mày đánh cái đầu cái đuôi & thân nó đánh mình. Ngẫm nghĩ cũng ấm ức trong lòng, pà Mẹ nó đánh bọn mình thì không thấy ai phụ yểm trợ.

Bây giờ 13 thằng ở trên cao, với 1 cấp số đạn còn lại chơi với tụi bây cho biết lễ độ. Nhưng lại không ngờ bọn này rất đông “Mới mình cứ tưởng là bọn này chận đường rút, Ai dè bọn này đã dồn lên đánh mình”. Khi chúng đi dưới suối thỉnh thoảng cũng ngước đầu lên nhìn, một lát sau chúng kéo xác của chúng và vũ khí ngang qua tầm mắt.. Lúc đó tôi mới nghĩ là Th/Uý Tín nói đúng, trực thăng của mình đang bay qua lại nhưng máy truyền tin đã cúp từ lúc hỏa tiễn AT3 tấn công. Chúng tôi nằm hồi hộp từ lúc chúng đi chuyển dưới suối cũng gần 2 tiếng, cuối cùng cũng leo lên ngọn núi trước mặt bằng nhưng bậc tam cấp. Cố gắng lên cho nhanh để dể quan sát và tìm đường về, chúng tôi bung ra canh gác & nấu ăn. Thực ra lúc chạy lẫn trốn, tôi có dặn AE gặp măng thì bẻ nha! Lúc nào đi Viễn Thám & hành quân mé trái quần 4 túi của tôi cũng có 1 bao gạo sấy lớn. Nên nhờ nó và măng AE bẻ lúc đi, chúng tôi cũng được một bữa cháo măng cả ngày hôm đó. Trời vừa tối, tôi thấy ánh sáng thành phố Kon-Tum chiếu sáng lên trời. Lấy địa bàn ra đi để biết phương giác ngày mai đi tiếp, rồi lại nghe tiếng Depart pháo binh bắn quấy rối tôi cũng đo lần nữa cho yên tâm. Nhưng Th/Uý Tín lại bắt T/S Bổn leo lên cây cao đo hướng về KonTum. Sáng sớm chúng tôi 70 tiếp và biết rằng chúng tôi đã ra tới con lộ.

Nổi vui mừng của tất cả AE binh sĩ nhưng những nét mặt của họ rất đáng thương và mệt mỏi. Viết lại với trí nhớ không quên, và cũng cầu nguyện cho những bạn bè & binh sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến chống quân thù.

Cầu mong cho Họ được sớm được Siêu thoát…

Mai BáTòng 35

Nguôn http://batkhuat.net/van-nhungngay-sd23.htm

ĐÀI KIỂM BÁO DUYÊN HẢI VNCH – Thềm Sơn Hà

Trich đăng từ trang nhà https://hosovnch.blogspot.com/

Thềm Sơn Hà

(trích trong ‘Phỏng Vấn 4 Vị Sĩ Quan Cao Cấp HQVNCH’)

Chương trình Chuyển giao Đài Kiểm báo _ ACTOVRAD (Accelerated Turnover Radar) khi hoàn tất sẽ thay thế các chuyến bay không tuần P-3 Orion của HQHK dọc theo bờ biển VN trong chiến dịch Market Time.


ĐKB hầu hết do Công binh Hải quân HK Seabees và hảng thầu RMK xây cất, một vài địa điểm là các hải đăng xây từ thời Pháp thuộc như mũi Dinh và Poulo Obi nhưng được tân trang.

Toán nhân viên HQVN điều hành các ĐKB đã được huấn luyện từ ngày 01/03/1971.

Tầm hoạt động của các ĐKB phủ trùm lên nhau nên không có kẻ hở.
1.- Vùng 1 Duyên hải

• ĐKB 101 Cù Lao Ré.
Nhận bàn giao ngày 04/03/1972.
HQ Trung úy Trần Ngọc Cảnh (k.17/NT) giữ chức vụ CHT.
Ngày 21/8 Cố vấn HK rút khỏi ĐKB 101.
• ĐKB 102 Đà Nẵng.
Nhận bàn giao 18/08/1971, nằm trên đỉnh Monkey Mountain nhìn xuống hải cảng Đà Nẵng.


HQ Trung úy Lê Văn Thự (k.17/NT) giữ chức vụ CHT.
Ngày 15/9 Cố vấn HK rút khỏi ĐKB 102.
HQ Đại úy Đỗ Văn Chiểu (k.17/NT) là CHT cuối cùng.
• ĐKB 103 Núi Hòn Vượn.
Nhận bàn giao ngày 18/01/1972. Ngày 20/7, toán cố vấn rút khỏi ĐKB. Ngày 25 và ngày 26/01/1973, VC pháo kích 13 viên 122 ly và các loại súng khác vào ĐKB nhưng không gây thiệt hại đáng kể.

• ĐKB 104 Sa Huỳnh (Đức Phổ).
Nhận bàn giao ngày 04/03/1972. HQ Trung úy Trần Văn Vấn (k.17/NT) CHT. Ngày 22/7 toán cố vấn rút khỏi ĐKB.
HQ Đại úy Nguyễn Thanh Vân (k.17/NT) là CHT cuối cùng.
2.- Vùng 2 Duyên hải

• ĐKB 201 Đề Gi.
Nhận bàn giao ngày 28/03/1972. HQ Trung úy Dương Văn Trình (k.17/NT) là CHT. Ngày 24/08 toán cố vấn HK rút khỏi ĐKB.
Ngày 03/02/1973, VC tấn công chiếm ĐKB 201.
Ngày 04/02/1973, một tiểu đoàn Biệt động quân được gởi đến giải vây và với sự yểm trợ của trực thăng đã chiếm lại ĐKB.   

  • ĐKB 202, núi Chóp Chài.
Nhận bàn giao ngày 19/10/1971. Một tuần trước khi bàn giao, ngày 12/10/1971 lúc 20:24H ba cố vấn HK trên đường trở về ĐKB 202 từ phi trường Tuy Hòa bị VC phục kích. Một cố vấn bị thương, trực thăng đến giải cứu.
Ngày 29/07/1972, toán cố vấn HK rút khỏi ĐKB.
HQ Đại úy Nguyễn Đăng Cương (k.17/NT) là CHT cuối cùng.

• ĐKB 203, Hòn Tre Nha Trang.
Nhận bàn giao ngày 14/12/1971. Ngày 25/07/1972 toán cố vấn HK rút khỏi ĐKB.
• ĐKB 204, Mũi Dinh. 
Nhận bàn giao đầu năm 1972.
Ngày 22/09/1972 toán cố vấn HK rút khỏi ĐKB.
HQ Đại úy Nguyễn Trần Lê (k.17/NT) là CHT cuối cùng.
3.- Vùng 3 Duyên hải
• ĐKB 301 Côn Sơn.
Nhận bàn giao ngày 08/03/1972. CHT là HQ Trung úy Nguyễn Văn Minh (k.18/NT). Ngày 20/09/1972 toán cố vấn HK rút khỏi ĐKB.
• ĐKB 302 Vũng Tàu.
Nhận bàn giao ngày 7/7/1971 (bắt đầu hoạt động từ ngày 01/7/1971).
Đây là ĐKB đầu tiên bàn giao cho HQVN. Phó Đề đốc Diệp Quang Thủy Tham mưu trưởng chủ tọa lễ bàn giao, HQ Trung úy Phan Đình Bá (k.17/NT) là CHT.
Ngày 01/08/1972 toán cố vấn HK rút khỏi ĐKB.
HQ Thiếu tá Nguyễn Chí Cần (k.17/NT) là CHT sau cùng.
• ĐKB 303 núi Ta Kou.
Nhận bàn giao ngày 10/11/1971, bắt đầu hoạt động ngày 15/11.
Ngày 31/07/1972 toán cố vấn HK rút khỏi ĐKB.

• ĐKB 304 Ba Động.
Ngày 23/9/1971,nhận bàn giao U.S. Coast Guard Light Ship WLV-523 từ Lực lượng Tuần duyên HK tại Guam. Ngày 06/03/1972 bỏ neo tại vị trí chỉ định gần Ba Động, trở thành Kiểm báo hạm Ba Động HQ 460.
HQ Trung úy Trần Kim Diệp (k.17/NT) là CHT đầu tiên.
Lý do phải đặt ĐKB 304 ở vị trí này vì để lấp khoảng trống từ cửa Đại đến cửa Định An mà tầm hoạt động của ĐKB 301 và 302 không thể bao phủ.
Ngày 19/08/1972 toán cố vấn HK rút khỏi ĐKB.
Đặc tính: dài 133 ft-ngang 30 ft-trọng tải 630 tấn.

Máy diesel-electric, vận tốc tối đa 8 gút. Neo hình nấm nặng 7500 lbs.

4.- Vùng 4 Duyên hải

• ĐKB 402, Hòn Nam Du.
Nhận bàn giao ngày 27/04/1972.
HQ Trung úy Đỗ Văn Quả (k.17/NT) là CHT.
Ngày 25/09/1972 toán cố vấn HK rút khỏi ĐKB.
HQ Đại úy Trần Văn Toàn (k.17/NT) là CHT cuối cùng.
• ĐKB 403 Mũi Đất Đỏ, An Thới Phú Quốc.
Nhận bàn giao ngày 08/02/1972. CHT HQ Trung úy Trương Thanh Việt (k.17/NT).
Ngày 30/08/1972 toán cố vấn HK rút khỏi ĐKB.   • ĐKB 404 Hòn Đốc.
Nhận bàn giao ngày 14/01/1972,  nằm cách bờ biển Hà Tiên 25 hải lý về hướng Tây Nam. HQ Trung úy Đỗ Đăng Doanh (k.17/NT) là CHT. Ngày 01/09/1972 toán cố vấn HK rút khỏi ĐKB.

5.- Vùng 5 Duyên hải

• ĐKB 401 Poulo Obi (Hòn Khoai).
Nhận bàn giao ngày 11/03/1972 HQ Trung úy Nguyễn Châu Phú (k.17/NT) là CHT.
Khoảng cuối năm 1972, ĐKB 401 trực thuộc Vùng 5 Duyên hải.
HQ Đại úy Phạm Sĩ Hậu là CHT cuối cùng. Ông đã bị xử bắn trong trại tù ngoài Bắc sau 1975.

Nguồn: https://hosovnch.blogspot.com/2024/05/ai-kiem-bao-duyen-hai-vnch-them-son-ha.html

28 Nữ Đại tá Hải, Lục, Không Quân, Thủy Quân Lục Chiến và Đoàn y tế công cộng Hoa Kỳ gốc Việt

16/05/2024

Trần Anh

Đại tá Diep T Khanh, Lục quân (Ảnh của westpoint.edu).

Sài Gòn thất thủ ngày 30 tháng 4 năm 1975, khiến nhiều người Việt Nam phần đông là Quân, Cán, Chính Việt Nam Cộng Hoà đã được chính phủ Hoa Kỳ giúp di tản khỏi Việt Nam và tái định cư tại Hoa Kỳ. Tiếp theo là những đợt thuyền nhân vượt biên thoát khỏi Việt Nam bằng đường biển, từ đó đến nay có trên 2,2 triêu người Việt sinh sống tại khắp các tiểu bang và lãnh thổ Hoa Kỳ. Từ những Cộng đồng người Việt lớn mạnh và phát triễn, nhiều nam nữ thanh niên người Việt đã gia nhập và phục vụ trong Quân đội Hoa Kỳ, tuy chưa có thống kê chính xác, nhưng ước đoán có thể có trên 5000 quân nhân gốc Việt đang phục vụ và chiến đấu trong Quân đội hiện đại và hùng mạnh hàng đầu thế giới, họ mang cấp bậc từ Binh sĩ, Hạ sĩ quan, Sĩ quan lên đến cấp Tướng. Theo các tài liệu thu thập được thì có nhiều Sĩ quan phụ nữ gốc Việt mang cấp bậc từ Thiếu úy lên đến Đại tá, trong số đó có 28* vị mang cấp bậc Đại tá.

Danh sách 28 nữ Đại tá Hải, Lục, Không quân, Thủy quân lục chiến và Đoàn y tế công cộng Hoa Kỳ gốc Việt:

Hải Quân:

HQ Đại tá Josephine Nguyen Cam Van (Ảnh của paxriver.tricare.mil/).

– HQ Đại tá Josephine Nguyen Cam Van, Bác sĩ Quân y Hải quân.

– HQ Đại tá Tuanh Halquist**, Bác sĩ nha khoa Hải quân

– HQ Đại tá Thu Luu. Bác sĩ nha khoa Hải quân.

– Tân HQ Đại tá Hoan Nghiem, Bác sĩ nha khoa Hải quân.

– HQ Đại tá Ho Thi Hoa, ngành kỹ thuật cơ khí Hải quân (hồi hưu).

– HQ Đại tá Thu Phan Getka, Bác sĩ nha khoa Quân y Hải quân (hồi hưu).

– HQ Đại tá Tran Ngọc Nhung, Bác sĩ nha khoa Quân y Hải quân (hồi hưu).

HQ Đại tá Thu Luu (Ảnh của linkedin.com).

Lục Quân:

– Đại tá Diep T Khanh. Tham mưu trưởng Học viện Quân sự Hoa Kỳ (West Point).

– Đại tá Nguyen Kim Chi, giáo sư Học viện Quân sự Hoa Kỳ (West Point).

– Đại tá Dana R. Nguyen. Bác sĩ Quân y Lục quân.

– Đại tá Jennifer D. Nguyen, Lục quân trừ bị.

– Đại tá Phuong T. Pierson (hồi hưu).

– Đại tá Danielle Jaque Ngo (hồi hưu).

Không Quân:

Đại tá An T. Duong, Không quân (Ảnh của afgsc.af.mil).

– Đại tá An T. Duong, Bác sĩ Quân y Không quân.

– Đại tá Tina H. Nguyen, Sĩ quan hành chánh, tài chánh Không quân.

– Đại tá Tam T. Dinh, Quân y Không quân.

– Đại tá Lynda K Vu, Bác sĩ Quân y Không quân (hồi hưu).

– Đại tá Mylene Tran Huynh, Bác sĩ Quân y Không quân (hồi hưu).

Thủy Quân Lục Chiến:

– Tân Đại tá Elizabeth Pham, Không quân Thuỷ quân lục chiến.

– Đại tá Ly T. Fecteau (hồi hưu).

Đoàn y tế công cộng (USPHS):

– Đại tá Jade Ariel Pham, Dược sĩ.

– Đại tá Nguyen Thanh Thuy, Điều dưỡng..

– Đại tá Diem Kieu Hoang Ngo, Dược sĩ.

– Đại tá Quynh Chi Tan Duong, Dược sĩ.

– Đại tá Mimi Thanh Uyen Phan, Dược sĩ.

– Đại tá Vu the ThuyAnh***, Dược sĩ.

– Đại tá Roli Luu.

– Đại tá Chau Minh Vu.

Đại tá Diem Kieu Hoang Ngo, USPHS (Ảnh của linkedin.com).

Cho đến nay đã có hơn 28 nữ đại tá gốc Việt phục vụ trong các Quân chủng Hải, lục, Không quân, Thủy quân lục chiến và Đoàn y tế công cộng Hoa Kỳ, nhưng vẫn chưa có phụ nữ gốc Việt mang cấp tướng**** ! Chúng ta hy vọng một ngày không xa, sẽ có phụ nữ Việt Nam trỡ thành những nữ tướng trong quân đội Hoa Kỳ như một số phụ nữ gốc Nhật, Hàn, Hoa, Phi Luật Tân và gốc Á Châu-Thái Bình Dương đó là Đề đốc Hải quân Seiko Okano, Thiếu tướng Không quân Susan Mashiko (hồi hưu) và Chuẩn tướng lục quân Miyako Schanely (hồi hưu) gốc Nhật; Chuẩn tướng Không quân Sarah H. Russ, Thiếu tướng Không quân Sharon K.G. Dunbar (hồi hưu)) gốc Hàn; Thiếu tướng Quân y vệ binh Quôc gia Lisa J. Hou, Thiếu tướng Không quân Carol A. Lee (hồi hưu), Phó Đề đốc Hải quân Alma M. Grocki (hồi hưu) và Chuẩn tướng Lục quân Coral Wong Pietsch (hồi hưu) gốc Hoa; Thiếu tướng Lục quân Suzanne Vares-Lum gốc Nhật-Hoa-Hawaii (hồi hưu); Phó Đô đốc Quân y Hải quân Raquel C. Bono, Phó Đề đốc Quân y Hải quân Eleanor V. Valentin, Phó Đề đốc Hải quân Babette Bolivar và Phó Đề đốc Quân y Hải quân Eleanor Mariano gốc Phi Luật Tân. Những nữ tướng Hải quân gốc Phi Luật Tân trên đã hồi hưu, theo các tài liệu tham khảo.

Đại tá Tina H. Nguyen, Không quân (Ảnh của asmc-aviation.org).

Chúc 20 nữ Đại tá Hoa Kỳ gốc Việt thăng tiến binh nghiệp.

Chú thích: *Có thể hơn 28 nữ Đại tá gốc Việt, vì trong danh sách trên 100 Đại tá gốc Việt có 2 Đại tá có thể là phụ nữ, đó là Đại tá lục quân Hang T Nguyen và Đại tá không quân Nga T Do ! Ngoài ra, có một số nữ Đại tá khác có họ giống họ Việt, nhưng chưa xác định được nguồn gốc; **HQ Đại tá (Navy Captain); ***Ghi theo họ tên từ các tài liệu; ****Không tìm thấy tài liệu Đại tá Danielle J. Ngô được thăng cấp Chuẩn tường và Đại tá Vu The Thuy Anh thăng cấp phó Đề đốc Hải quân từ các tài liệu của Lục quân, Hải quân, USPHS và United States Senate Committee on Armed Services!

Bài 28 Nữ Đại tá Hải, Lục, Không Quân, Thủy Quân Lục Chiến và Đoàn y tế công cộng Hoa Kỳ gốc Việt viết theo các tài liệu thu thập được để chia sẻ với bạn đọc. Sẽ có những thiếu sót ngoài ý muốn không sao tránh khỏi. Xin vui lòng lượng thứ. Trần Anh.

Nguồn: Congress.gov; Navy Personnel Command; Air Force’s Personnel Center; List of female United States military generals and flag officers; COMMISSIONED CORPS OF THE U.S. PUBLIC HEALTH SERVICE; bienxua-Những Nữ Đại tá Hải, Lục, Không Quân, Thủy Quân Lục Chiến và Đoàn y tế công cộng Hoa Kỳ gốc Việt.