Contact

Bên Bờ Sông Xưa – Dương Đại Trường

Lời Giới Thiệu: Đây là truyện ký của nhà văn Dương Đại Trường. Tác giả ghi lại những kỷ niệm, những hình ảnh của người lính hải quân Viêt Nam Cộng Hòa trong lần về thăm lại căn cứ xưa.

Tên các nhân vật trong truyện ký Bên Bờ Sông Xưa của nhà văn Dương Đại Trường là những nhân vật hư cấu. Vì vậy, mọi sự trùng hợp là ngoài ý của tác giả. Câu chuyện được trích từ tuyển tập truyện ngắn nhan đề Chiều Xưa Nhạt Nắng của nhà văn Dương Đại Trường. Truyện ký nầy riêng tặng cho anh Nguyễn Văn Tây, người lính hải quân của VNCH đã một thời xông pha chiến trường nơi sông ngòi Miền Tây Nam Phần thuộc đơn vị Lực Lượng 73 Thủy Bộ.

Adelaide 20/11/2015
Dương Đại Trường

Sông Cửa Lớn chảy qua thị trấn Năm Căn, mặt sông im lìm dưới bóng trăng non đầu mùa của trời cuối thu tháng chín. Những chiếc đèn trên cầu cao tỏa ánh sáng yếu ớt chiếu xuống mặt nước loáng bạc, những con sóng nhỏ lăn tăn mỗi khi có chiếc ghe máy chạy ngang qua, xuôi theo con nước ròng, hướng vàm Ông Trang đi về Đất Mũi. Phía bên hữu ngạn là chợ Năm Căn. Thị trấn bây giờ sầm uất với đường sá khang trang, công trình đô thị giăng mắc nhà cửa và các khu thương mại về đêm nhộn nhịp người mua kẻ bán …Tất cả quang cảnh trước mắt, đã chôn vùi mù khơi một dĩ vãng của đời binh nghiệp cho những ai một thời làm lính hải quân nơi căn cứ Năm Căn, thời xa xưa đìu hiu gió chiều thị trấn!!!!!

QUAN NAM CAN

Nhắc lại ngày xưa, chợ Năm Căn là một địa điểm giao thương rất thuận lợi nơi vùng cuối cùng của đất nước. Bởi vì chỗ này là ngã tư sông, nơi dừng chân của khách thương hồ. Họ là chủ những ghe chở hàng, ngược xuôi dòng nước đi xuống cửa Ông Trang mua tôm khô, cá khô..  Hoặc theo mùa ra Rẫy Chệt mua dưa hấu, xuống Rạch Gốc chở ba khía và ốc len… Rồi có những khi ghe thương hồ qua rạch Bà Thanh, rạch Bà Bường, Ông Định chở củi về hầm than trong những căn nhà cất dọc theo bờ kênh ngoại ô thị trần. Cái tên Năm Căn đã có từ lúc nào không ai xác định thời điểm, nhưng theo truyền khẩu: Địa danh Năm Căn đã có từ hơn 200 năm nay. Thời điểm đầu tiên, có một người Hoa Kiều tên là Chệt Hột đến đây dựng lên 5 căn trại đáy bắt cá tôm, phía trên bờ thì làm rẫy. Chẳng mấy chốc, công việc làm ăn phát đạt do nguồn cá tôm dồi dào và chưa có người khai thác. Tiếng đồn vang xa khắp miền, những khách thương hồ khắp nơi tụ về mua bán rồi lâu ngày thị trấn Năm Căn trở nên sầm uất.
        Nhắc đến Năm Căn cho những người khách thương hồ, không ai mà không biết về những đặc sản một thời nổi tiếng của vùng tận cùng đất nước Việt Nam: Than đước, ba khía, dưa hấu Năm Căn… Thuở ấy, cứ mỗi năm gần Tết âm lịch, từng đoàn ghe chài chỡ đầy ắp dưa hấu, nối đuôi nhau chỡ về Chợ Lớn theo ngã sông Tiền Giang, ngang qua Mỹ Tho rồi vào vàm Kỳ Hôn, theo kinh Nước Mặn về bến Lê Quang Liêm giao sỉ cho các vựa trái cây người Tàu bán lẻ cho dân mua về chưng bàn thờ vào những ngày Tết.

CAN CU HQAI QUAN NAM CAN

Trong thời chiến tranh, Năm Căn có căn cứ lớn Hải Quân của quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Thời kỳ chiến tranh ác liệt, với sự phát triển mạnh của hải quân nhằm đáp ứng nhu cầu an ninh trên sông ngòi, Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa thành lập thêm Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng V Duyên Hải đóng tại thị trấn Năm Căn. Ngày xưa, quân đội Việt Nam Cộng Hòa chỉ có 4 vùng chiến thuật: Vùng I, vùng II, vùng III và vùng IV. Thành thử ra, vùng V là danh từ dành cho những người chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa hy sinh cho tổ quốc, chuyển về đó công tác nghìn thu! Bởi vậy, khi tôi ra trường đưa về căn cứ Hải Quân Năm Căn, nơi đặt Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng 5 Duyên Hải, bạn bè nói đùa với tôi và vài thằng bạn cùng đơn vị trong buổi tiệc mãn khóa rằng:
– Hôm nay hãy uống cho say, bọn mầy ra đi không hẹn ngày về đó nhé! Chúc bọn mầy R.I.P nơi Bộ Tư Lệnh Vùng V Duyên Hải…
       Trong cơn ngà say, tôi cũng trả lời đùa lại:
– Đúng! Vùng V Duyên Hải là vùng an ninh nhất trong các vùng chiến thuật của quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Bọn tao tốt nghiệp hạng cao và “Trọn khóa” nên mới được cho về vùng V Duyên Hải.
       Hôm nay, chuyến đi tour về thăm Năm Căn, sau hơn bốn mươi năm lao đao lận đận nơi xứ người, tôi có dịp tháp tùng đoàn du lịch về thăm lại Năm Căn, nơi mà những kỷ niệm thân thương nhất của tôi đã ngủ vùi trong lớp bụi thời gian của thời quân ngũ. Tôi và một người bạn tên Ban trong đoàn du lịch ở Mỹ về thăm quê hương lần đầu, đặt phòng cạnh nhau ở một khách sạn bên bờ sông, hướng mặt ra dòng sông Năm Căn nhìn quang cảnh sông nước bao la và rất thơ mộng! Ông bạn đồng hành với tôi cũng là một quân nhân Hải Quân của quân lực Việt Nam Cộng Hòa, là thủy thủ của một trong mười chiếc PCF cung cấp bổ sung cho Bộ Tư Lệnh Vùng V Duyên Hải ở căn cứ Năm Căn khi mới thành lập. Ông bạn nầy tuổi quân vừa tròn thì đã giã từ vũ khí, theo đoàn tàu di tản sang Hoa Kỳ vào buổi chiều định mệnh: 30/4/1975.

SEA FLOAT HAI QUAN HOA KY SONG CUA LON, NAM CAN

       Sau khi ăn tối xong, hai chúng tôi rủ nhau đi tản bộ dọc theo bờ sông Năm Căn để mong tìm vài kỷ niệm ngày xưa nào còn sót lại đâu đây. Tôi đi theo sau, ông bạn già vừa đi vừa kể, hắn kể chuyện giống như thổ địa nơi thị trấn nầy từ muôn năm trước. Bạn già tôi hình như thuộc lào những quán ăn và tên cư dân của vùng nầy! Rồi như bất chợt nhớ chuyện xưa với bạn bè nơi đây nên hắn nổi hứng xưng hô “mầy tao” với tôi rồi kể tiếp:
– Mầy biết không! Nơi đây xưa kia là quán ăn của cô Chọn.  Lúc đó quán cô Chọn còn thưa thớt khách cũng như vài ba quán khác nằm dọc trên bờ sông Cái Lớn cách căn cứ Hải quân khỏang vài cây số. Quán cô Chọn thuộc ấp Hàm Rồng, lúc bấy giờ khu vực nầy nhà cửa lơ thơ, không quá hai chục nóc gia, dân cư đa số từ các vùng phụ cận đến lập nghiệp. Phần đông họ làm công cho căn cứ Mỹ, làm lưới đăng, đóng đáy trên sông và buôn bán… Bọn tao gồm những thủy thủ độc thân vui tính nên ngày nào cũng tụ tập tại quán cô Chọn; hết ăn sáng lại ăn trưa, cafê, thuốc lá khói bay vờn phủ kín tương lai!!! Ăn sáng ở đây chỉ duy nhất có mì gói nấu với tôm khô và bắp cải. Nhậu thì có tôm, cua, cá lóc, gà, vịt… Những món nhậu làm rất đơn giản: Luộc, xào, nướng.!
        Tôi nghe Ban kể cảm thấy thèm nhậu rượu đế với những món đồng quê cỏ nội, tôi liền nắm tay hắn kéo vào một quán cốc bên đường với cái tên rất là giang hồ lãng tử: Quán nhậu Bụi Đời:
– Mình vào đây làm vài xị nha bạn già!
      Ban quay lại nhìn tôi rồi trố mắt hỏi lại:
– Quán nầy hả?
– Ừ! Vì cái tên “Bụi Đời” làm cho tôi thích thú!!!
      Ban chau mày rồi nói:
– Bụi Đời!!! Tên quán nghe cũng hơi quen thuộc ! Hình như có cái gì kỷ niệm ở đâu đây…
– Vậy thì mình vào nhậu vài ly cho anh nhớ lại ấn tượng hai chữ Bụi Đời!!!
      Hắn không cải lại, bước theo tôi đi vào quán. Chủ quán là một bà già trạc tuổi ngoài lục tuần, thấy chúng tôi ăn mặc bảnh bao đi vào quán, bà lên tiếng hỏi:
– Các ông đi tìm người quen hả?
       Tôi đáp nhanh:
– Không phải đi tìm người quen. Chúng tôi đi “nhậu”. Bác có món gì đặc biệt cho chúng tôi lai rai không?
      Bà già cứ đứng nhìn trân tráo vào hai chúng tôi hồi lâu mới khẻ đáp:
– Quán tôi chỉ bán đồ nhậu cho giới bình dân trong lối xóm: Công nhân lò than, dân đốn củi, dân chài… Những món nhậu không ngoài những thứ hải sản địa phương: Khô cá đuối, cá thiều, cua, tôm..
      Bà già chủ quán liệt kê một lố món ăn rồi nhếch miệng cười, để lộ hai hàm nướu không còn chiếc răng, bà đưa ngón tay chỉ vào những chai rượu đặt trên chiếc kệ gỗ:
– Quán tôi không có bán bia, chỉ bán duy nhất loại rượu nổi tiếng xưa nay của vùng nầy: Rượu đế Năm Căn.
       Ban vừa nghe bà chủ quán giới thiệu rượu Năm Căn, hắn đáp:
– Đúng! Rượu nếp Năm Căn nổi tiếng từ lâu nên có câu vè lưu truyền trong dân nghiện rượu: “ Rượu Năm Căn uống say rồi lăn ra ngủ. Vợ đi ngoại tình vì chồng mãi uống rượu Năm Căn…”
     Bà già chủ quán cười ha há, giải thích câu vè của Ban:
– Ừ! Cậu nầy nói đúng! Câu vè nầy ngụ ý rượu Năm Căn khi bị say thì không làm vật vả con người. Người say chỉ cần ngủ một giấc êm đềm cho tới sáng, chẳng biết trời trăng mây gió chi hết, mặc cho con vợ đi ngoại tình…Hahahahaha
      Tôi xen vào góp vui câu vè:
– Như vậy, hôm nay tôi và anh Ban là hai người độc thân tại chỗ, hai chúng ta tha hồ uống chừng nào say mới trở về khách sạn. Chúng ta vô tư không lo vợ ngoại tình!!!
      Hai chúng tôi ngồi xuống chiếc bàn làm bằng gỗ đước, đặt trên bờ của con lạch nhỏ thông ra dòng sông Năm Căn. Ngồi ở vị trí nầy, dưới ánh trăng lờ mờ, tôi nhìn thấy rỏ bờ bên kia sông, đoạn chạy dài từ chân cầu Năm Căn đến vàm Bà Thanh của huyện Ngọc Hiển. Nhìn cảnh vật im lìm dưới trăng lòng tôi bổng dưng nhớ về những ngày tháng xa xưa còn mặc áo chinh nhân, xông pha sông ngòi nơi vùng U Minh Hạ! Thời gian tưởng chừng như mới thoáng qua, nhưng tính lại bằng con số hẳn hoi thì đã gần bốn mươi năm tôi mới trở lại nơi nầy! Tuy giờ đây sự đổi thay của bộ mặt cơ sở vật chất, nhà cửa, dân cư đông đúc, đã làm mất đi những thiên nhiên của ngày nào… Nhưng trước mắt tôi, vẫn còn đó dòng sông Năm Căn dãi dầu mưa nắng, vẫn con nước lớn ròng đưa rước phù sa vun bồi cho rừng đước mênh mông bát ngát!
      Ban có lẽ cùng tâm trạng với tôi, hắn cũng ngồi im lặng, đưa mắt nhìn ra hướng sông Năm Căn, hồi tưởng! Thỉnh thoảng Ban đưa bàn tay lên đập muỗi tạo nên âm thanh khô khan trong đêm vắng. ..
      Bà chủ quán nướng xong miếng khô cá mực, đặt vào chiếc mâm nhôm cùng với chén đũa, bà bảo cô tiếp việc mang đến bàn chúng tôi. Cô tiếp việc vừa dọn chén đủa ra bàn vừa thật thà nói theo kiểu người nhà quê chơn chất, không có chủ từ:
– Nhậu trước với khô! Cua rang muối mang lên sau..
       Mùi khô mực xông lên làm tôi thèm chảy nước miếng, tôi vội chộp ngay một miếng đưa vào miệng:
– Wow!!! Khô ngon quá!
        Ban cũng lấy một miếng, rồi cầm ly rượu đế đưa lên miệng mời tôi:
– Chúng ta cạn ly kết giao tình bằng hữu!…
           Hai chúng tôi ngồi nhắc chuyện xưa và nhâm nhi hết chai rượu đế ba xị lúc nào không hay. Ban càng uống rượu thì càng nói nhiều hơn! Hắn nhắc về những kỷ niệm không quên của tháng năm đời thủy thủ nơi vùng đất tận cùng của tổ quốc:
– Tao còn nhớ ngày trình diện đơn vị là ngày trùng hợp với Bộ Tư Lệnh Vùng V Duyên Hải đi tiếp nhận 10 chiếc PCF bổ xung cho các đơn vị Sông Ngòi. Thời điểm nầy, thủy thủ ở căn cứ Năm Căn đi phép hay đi nhận nhiệm vụ thì phải chờ đợi có những chuyến tiếp tế cho căn cứ Năm Căn mới tháp tùng theo. Vì cơ hội nầy, tao được gởi theo đoàn tàu về căn cứ Năm Căn. Lúc bấy giờ, an ninh vùng duyên hải, nhất là duyên hải miền tây, không mấy an toàn nên đoàn tàu PCF phải di chuyển ban đêm để tránh quan sát của địch. Vừa ra khỏi cửa Vũng Tàu thì gặp mưa to gió lớn, liên lạc truyền tin khó khăn nên phải chạy nối đuôi theo khoảng cách gần cho dể nhìn thấy nhau! Tao và hai thằng bạn cùng khóa mới ra trường thì ở trên chiếc PCF của đại úy T, trưởng đoàn.  Tàu chạy đến 2 giờ sáng thì chúng tôi đi ngang qua cửa Gành Hào, từ vị trí nầy đến cửa Bồ Đề không còn xa lắm. Chúng tôi về đến căn cứ Năm Căn thì trời tờ mờ sáng

HAI DOI 5 DUYEN PHONG

Tôi ngồi lắng nghe Ban say sưa kể từng chi tiết về ngày trình diện đơn vị, thỉnh thoảng tôi xen vào gợi nhớ kỷ niệm xưa:
– Khi nảy, lúc đi trên đường, anh có nhắc về quán nhậu của cô Chọn? Sao bây giờ tôi không còn chút ký ức gì về cô chủ quán có cái tên nghe rất “quê mùa” nầy!!!!
       Ban quay sang nhìn tôi, nhếch môi cười:
– Thực đơn ở các quán nhậu thì tương đối giống nhau, nhưng mỗi quán có tên riêng hay có “bông hồng hoang vu” thì khiến con người ta nhớ nhau hoài!
       Ban cúi mặt suy nghĩ hồi lâu rồi kể chuyện xưa:
– Thời đó, quán xá ở Năm Căn rất ít trương bảng hiệu. Vì vậy, lính ở Năm Căn thường gọi quán bằng những tên riêng đặc biệt cho dễ nhớ như: quán Bà Tư Bụi Đời, quán cô Chọn… Bấy giờ, hầu hết thủy thủ ở Năm Căn ai mà không biết đến hai quán nhậu nầy, ngoại trừ những thủy thủ thuộc lực lượng Ngăn Chận, giang đoàn 73 Thủy Bộ… Những đơn vị nầy không thường trực ở lại căn cứ nên không biết đến danh của bà tư Bụi Đời và cô Chọn.     
– Có lẽ vậy!
– Mầy là thủy thủ thuộc lực lượng nào ở Năm Căn?
     Nghe Ban hỏi về đơn vị ngày xưa, tôi kể sơ qua đời quân ngũ của tôi cho hắn biết:
– Suốt thời gian đơn vị biệt phái đến Năm Căn, Giang Đoàn 73 Thủy Bộ của tôi có nhiệm vụ cùng với lực lượng 45 Ngăn Chận đóng chốt ở cửa Bồ Đề, có trách nhiệm yễm trợ cho tàu Hải Quân tiếp tế cho bộ tư lệnh Vùng V Duyên Hải. Ngoài nhiệm vụ chính ra, giang đoàn 73 Thủy Bộ còn hành quân hỗn hợp cùng với tiểu đoàn Địa Phương Quân. Có một lần tôi suýt chết ở cửa Bồ Đề, khi tàu tôi chỡ tiểu đoàn 86 BĐQ/BP hành quân và yễm trợ cho tiểu đoàn ĐPQ cửa Bồ Đề. Khi đó, tôi vừa bước lên khỏi hầm máy thì tích tắc một trái B40 xuyên thủng thành tàu nổ tung hầm máy! Nghĩ lại, nếu không có phước to số lớn thì tôi bây giờ là con ma nơi vùng Năm Căn rồi!
      Khi kể đến đây, tôi dừng lại và quay sang nhìn Ban tìm hiểu về câu chuyện của bà tư Bụi Đời và cô Chọn:
– Anh Ban có thể kể tiếp cho tôi nghe về câu chuyện của hai quán nhậu danh tiếng Năm Căn thời đó không?
       Ông bạn già như thích thú câu hỏi của tôi, hắn gật đầu:
– Bà Tư Bụi Đời là chủ quán nhậu không có bảng hiệu, dân nhậu chỉ biết bà là người rất chịu chơi. Bà không lớn tuổi, ở lứa tuổi sồn sồn quá nữa chừng xuân, nhưng trông cũng có duyên ngầm. Cái danh từ Bụi Đời là do người ta đặt cho bà, dựa theo sinh hoạt của bà khi bà đi làm cho cơ quan Mỹ ở căn cứ Năm Căn. Nghe kể rằng, bà ta thường ở ngủ đêm trong căn cứ Mỹ, nơi ngôi nhà nhỏ ở bãi đáp của C47 mà không sợ Việt Cộng pháo kích! Khi bà mở quán nhậu, bà tư rất chịu chơi nhất là mỗi lúc có rượu vào, bà chơi nổi tiếng như câu nói của bà: Chơi xã láng, sáng về sớm.!!! Thậm chí có lúc bà ta hứng lên mở cửa con tim, thả giàn cho mây mưa thể xác: Tình cho không biếu không… Chính những nghĩa cử giang hồ nên người ta gán cho bà với tên gọi Bà Tư Bụi Đời.

https://brownwater-navy.com/vietnam/photos2/vn05.jpg

Tài kể chuyện của Ban rất hấp dẫn người nghe, khiến tôi nôn nóng về chuyện cô Chọn, tôi vội thúc giục:
– Quán cô Chọn thì sao? Có gì đặc biệt để những anh chàng thủy thủ phải “si tình” chủ quán?
        Ban bật cười lớn tiếng, rồi xuống giọng giải thích câu hỏi của tôi:
– Quán nhậu của cô Chọn thì thực đơn cũng bình thường, không có gì đặc sắc hơn các quán khác! Chỉ có một điều là những người làm trong quán của cô Chọn là những chị em và người thân của cô. Họ là những cô gái chớm nở xuân thì và có chút ít nhan sắc hơn những cô gái khác trong vùng gọi là khỉ ho cò gáy và hiếm hoi bông hồng khoe sắc! Vì vậy, những người lính trận xa nhà thường đến đây để ngắm nhìn những đóa hoa cho đở thèm và vơi nỗi nhớ người yêu nơi quê nhà! Cô Chọn không đẹp, nhưng có làn da trắng trẻo dễ coi, khác hơn mấy con gái ở đây, giữa những người làm ăn lam lũ! Bởi tiếng đồn vang xa, ai cũng muốn đến ngắm một lần cho biết, nhất là những ngưới lính quan niệm sống nay chết mai, sau mỗi lần lảnh lương xong họ đến đỗ tiền vào những bữa nhậu.  Nhưng có điều mà những người lính đến quán cô Chọn nhậu nhẹt ngày đêm, họ bảo rằng, chưa có ai lọt được vào ngưỡng cửa trái tim của những cô gái trong quán cô Chọn! Lúc bấy giờ theo tao nghĩ chắc là những cô gái nơi quán cô Chọn đã có chủ rồi, hoặc họ có biên giới chủ nghĩa Quốc Gia-Cộng Sản. Chẳng hạn trường hợp em gái của cô Chọn tên Hưởng: Có một thời gian tao theo đuổi cô ấy như điên cuồng, ăn dầm nằm dề ở quán, nhưng tao không được cô ta đáp lại! Mỗi lần tao mở lời “cầu hôn” thì cô ta luôn viện cớ là: Em đã có chồng, chồng em cũng là lính của Việt Nam Cộng Hòa, phục vụ ở tiểu khu An Xuyên… Rồi trước ngày cộng sản cưỡng chiếm miền Nam chừng vài tháng, an ninh quân đội của quận Năm Căn đến bắt những cô gái trong quán cô Chọn cho đi tù Côn Đảo về tội làm giao liên cho huyện uỷ của Việt Cộng, trong số đó có cô Hưởng. Khi vở lẽ ra, tao mới biết vì sao mà cô Hưởng không đáp lại tình yêu của tao!
           Đêm dần khuya, khách nhậu đã ra về, chỉ còn lại duy nhất hai chúng tôi! Bà chủ quán thu dọn bàn ghế lại thứ tự rồi đến ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh, gợi chuyện làm quen:
– Hai cậu chắc là khách du lịch từ xa đến?
      Tôi tránh né danh xưng Việt Kiều, đáp nhanh
– Dạ! Chúng tôi ở Sài Gòn, theo đoàn du lịch đi tham quan Đất Mũi… Sao bác biết chúng tôi là khách du lịch?
       Bà chủ quán vừa cười vừa nói như đắc ý câu hỏi của tôi:
– Hồi chiều nầy, khi hai cậu ghé vào quán, tui đã biết hai cậu không phải là dân địa phương rồi. Bởi vì dân địa phương nơi đây tui đều biết mặt hết! Gia đình tui bán quán nhậu nơi vùng Năm Căn trải qua mấy đời rồi!! Bà nội tui, má tui và bây giờ là chị em tui…
         Ban nghe bà chủ quán tự khoe bà là thổ địa, mấy đời bán quán nhậu, Ban xen vào hỏi:
– Trước năm 1975, bác có nghe danh bà tư Bụi Đời bán quán nhậu ở thị trấn Năm Căn không?
          Bà chủ quán nghe nhắc đến tên mẹ, trố mắt nhìn Ban, trả lời:
– Bà Tư Bụi Đời là mẹ của tui đó! Sao cậu biết tục danh của mẹ tui?
– Ngày xưa tôi là lính Hải Quân của quân lực Việt Nam Cộng Hòa, đơn vị đóng tại căn cứ Năm Căn. Ngày đó, khi lảnh lương, tôi thường cùng với bạn bè đến nhậu ở quán bà tư Bụi Đời.
– Trời! Sự đời sao ngẩu nhiên quá! Lưu lạc không ngờ lại gặp nhau!
         Rồi bà chủ quán đứng dậy, nắm lấy tay của Ban và tôi:
– Gần nữa thế kỷ mới có dịp gặp lại nhau, mình vào nhà nói chuyện nha! Bên ngoài muỗi nhiều lắm!
          Cả ba chúng tôi ngồi nơi chiếc bàn tròn ở phòng khách, uống trà trò chuyện. Bà chủ quán kể lại hoàn cảnh của gia đình bà sau ngày 30/4/1975:
– Tôi tên Mai, mồ côi cha năm lên chín, là con gái lớn của bà tư Bụi Đời. Sau ngày “giải phóng”, mẹ tôi bị chính quyền Cách Mạng kết tội là “Me Mỹ” nên họ bắt mẹ đi học tập cải tạo về chính sách gọi là: Phục hồi nhân phẩm! Ở tù được ba tháng thì mẹ bị bịnh nặng nên được cách mạng khoan hồng, cho về sum hợp gia đình. Không lâu sau thì mẹ qua đời!
         Nói đến đây, bà Mai chỉ lên bàn thờ, rơm rớm nước mắt kể tiếp:
– Khi mẹ mất, hai chị em chúng tui bơ vơ, đói no giữa chợ đời! Thấy hoàn cảnh khổ đau của chúng tui nên ông tư ghe cào trong xóm thương tình giúp vốn cho hai chị em tui mở lại quán nhậu với cái tên kỷ niệm mẹ tui: quán nhậu BỤI ĐỜI.
– À! Thì ra cái tên quán nhậu BỤI ĐỜI xuất hiện từ dạo ấy!
         Rồi tôi khều nhẹ vào tay Ban, ra hiệu đến bàn thờ thắp cho bà tư Bụi Đời nén hương tưởng nhớ. Nhìn di ảnh của bà tư Bụi Đời đặt trên bàn thờ chụp theo kỷ thuật trắng đen, bạc màu, không rỏ nét, nhưng vẫn còn đọng lại trên khuôn mặt bà tư nét sắc sảo của một người con gái ở lứa tuổi dậy thì ! Tôi khẻ nói với Ban:
Còn đâu nữa! Ngày xưa xuân sắc!
   Tàn nhẩn thời gian một kiếp người!
         Ban nghe tôi xuất khẩu thành thơ, hắn thì thào nói:
– Đúng là cảm hứng của một văn sĩ!
        Đêm đã khuya, chúng tôi chào nhau ra về! Trăng non chiếu sáng con đường tráng nhựa dọc bờ sông Năm Căn. Ánh trăng chạy dài,  nhạt nhòa lối đi trở về khách sạn. Trong tôi có điều gì hoài niệm thân thương ở quanh đây!
        Sáng sớm, tôi thức dậy ra hành lang tập thể dục rồi đi uống cafê và ăn điểm tâm. Trời còn sớm nên những quán cafê chưa mở cửa bán. Tôi tản bộ một mình trên con đường dọc theo bờ sông, vừa đi vừa làm động tác hít thở cho thư giản hô hấp. Đi một đoạn đến gần cầu Năm Căn, tôi ghé vào quán cafê không tên nằm ngay dưới chân cầu.Tôi chọn chiếc bàn hướng mắt ra dòng sông để có thể nhìn thấy tổng quang sinh hoạt trên sông vào buổi sáng.
         Thời tiết sắp vào đông nên cơn gió heo may đầu mùa chợt đến, thổi nhẹ trên những ngọn cây đước ven bờ, làm rơi chiếc lá vàng cuối cùng còn luyến tiếc mùa thu! Khung trời Năm Căn trước mắt tôi cũng không có gì thay đổi hơn xưa. Vẫn những áng mây trắng lờ đờ bay theo con gió heo may lành lạnh thổi về từ phương bắc, báo hiệu mùa đông đến. Vẫn ánh nắng ban mai tung tăng trên ngọn cây của khu rừng đước mênh mông U Minh Hạ… Nhưng không gian trước mắt tôi đã hoàn toàn đổi thay, không còn một dấu tích nào của ngày xa xưa còn sót lại: Những lò than, những hàng đáy trên sông đã mất hút tự khi nào! Bây giờ trước mắt tôi, thay vào vị trí đó là những căn nhà lầu, khách sạn nguy nga tráng lệ và chiếc cầu bắt ngang qua sông Năm Căn sừng sửng dưới trời xanh, khoe mình trong ánh nắng bình minh reo vui trên khắp phố phường! Bến đò Năm Căn bây giờ nhộp nhịp ghe tàu từ các vùng ven chỡ hàng hóa ra chợ bán. Nhìn cảnh tấp nập ghe tàu, tôi bổng nhớ về hình ảnh một cô thôn nữ chèo đò đưa người từ bên kia sông qua chợ Năm Căn vào những buổi sáng nhóm chợ. Cô thôn nữ tên Keo, cứ mỗi lần chèo đò đưa người qua sông thì cô ghé qua tàu của tôi đậu giữa sông đang làm nhiệm vụ kiểm soát giao thông, cô tặng vài con cua biển cho các anh chàng thủy thủ làm mồi nhậu! Thời gian trôi dần với hành động tình quân dân như cá với nước của cô đã khiến tôi sinh lòng yêu cô. Một hôm, tôi mạo muội tỏ tình:
– Keo à! Anh thương em! Chịu làm vợ anh không?
     Keo nghe tôi tỏ tình, đôi má ửng hồng vì mắc cở, Keo mĩm cười duyên dáng, khẻ đáp:
– Em không chịu làm vợ anh đâu! Em không muốn mình trở thành góa phụ nữa chừng xuân!!
       Kể từ đó, hai chúng tôi bơi lội trong tình yêu lý tưởng, mỗi lần gặp nhau chỉ nhìn nhau liếc mắt đưa tình. Nhưng rồi bổng dưng sau đó, Keo không còn chèo đò đưa người qua sông vào mỗi buổi sáng nữa! Tôi hỏi thăm vài người quen nơi thị trấn, tôi biết được Keo làm giao liên cho Việt Cộng và đã bị bại lộ tông tích nên tổ chức chuyển Keo vào chiến khu Đất Mũi công tác. Thế là cuộc tình của tôi và Keo không bao giờ đến!!!
       Tôi đang miên man hồi tưởng về cuộc tình với Keo, từ chiếc loa nơi góc quán cafê, phát ra âm thanh bản nhạc Đất Mũi Cà Mau, như ru hồn người lữ thứ, hoài vọng tình yêu thời chinh chiến của tôi với Keo! Lời nhạc nghe du dương, buồn da diết: “ Anh đến quê em đất biển Cà Mau. Có thấy xanh tươi đất rừng bát ngát. Dòng sông Tam Giang nắng trải đưa người về thăm quê hương đất mũi xa xôi, trời xanh Năm Căn gió lộng bốn bề, biển bao la sóng tung cánh chim hải âu.
Anh đến quê em đất biển Cà Mau. Anh thấy bao la cánh đồng muối trắng. Miền quê hương em cá bạc tôm vàng. Miền quê hương em đất cũng sinh sôi, ở xa anh mong tới được quê mìn, gần thêm yêu dấu, quê chúng ta Cà Mau…”.
       Nghe xong bản nhạc, tôi thở dài, đứng dậy đi về khách sạn. Tôi chợt thốt lên:
– Nguyễn Thị Cả Keo! Bây giờ em ở đâu?
        Hôm nay là ngày trở về Sài Gòn, kết thúc chuyến du lịch. Tôi thức dậy rất sớm, bách bộ theo bờ sông Năm Căn một lần cuối để giả từ thị trấn mang nhiều kỷ niệm ngày xưa thân ái của tôi. Đứng trên cầu Năm Căn, tôi nhìn xuống dòng sông ghi lại vào lòng vài kỷ niệm của chuyến đi: Bờ sông xưa không còn lại những lò than nằm im lìm trong rừng cây đước cổ thụ, không còn những căn trại lính hải quân của quân lực Việt Nam Cộng Hòa, không còn hình ảnh những chiếc tàu tuần giang sáng chiều ra vào căn cứ….. Tất cả những thứ ấy đã biền biệt chìm vào quá khứ xa xăm, không bao giờ trở lại!…
Dương Đại Trường

Nguồn: https://www.nonggiavnsa.com/Vanhoa/VH%2052.Benbosongxua.html

Một Thời Yêu Thương – Hoàng Hải Thủy

Hoàng Hải Thủy

Một Thời Yêu Thương – Hoàng Hải Thủy

Phù vân, quả là phù vân. Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân. Lợi lộc gì đâu khi con người phải chịu đựng bao gian lao vất vả dưới ánh nắng mặt trời? Thế hệ này đi, thế hệ kia đến, nhưng trái đất vẫn mãi mãi trường tồn. Mặt trời mọc rồi lặn; mặt trời vột vã ngả xuống nơi nó đã mọc lên. Gió thổi xuống phiá nam, rồi xoay về phiá bắc: gió xoay lui, xoay tới rồi gió đi, gió trở qua, trở lại lòng vòng. Mọi khúc sông đều xuôi ra biển, nhưng biển cũng chẳng đầy. Sông chẩy tới đâu thì từ đó sông lại tiếp tục. Chuyện gì cũng nhàm chán, chẳng thể nói gì hơn. Mắt có nhìn bao nhiêu cũng chẳng thấy gì lạ, tai có nghe đến mấy cũng chẳng thấy gì mới.

Đoạn mở đầu Sách Giảng Viên — Ecclesiastes — trong Kinh Thánh. Bồi hồi tưởng nhớ những năm 1982, 1983 u ám khủng khiếp ở Sài Gòn, bọn ác ôn tịch thu tất vả những kho sách Kinh Điển Công Giáo, Tin Lành. Khi ấy, với những người Con của Thiên Chúa, và những người đau khổ tìm đến với Chuá, sách Kinh Thánh quí hơn vàng. Người ta ra chợ mua vàng dễ dàng, mua bao nhiêu vàng cũng có, nhưng người ta không thể tìm mua được Kinh Thánh, vì không có nơi nao ở Sài Gòn những năm ấy có bán Kinh Thánh.
“Các ngươi sẽ đói lời Ta từ bờ biển này tới bờ biển kia!” Thưa đúng như Ngài đã nói. Sau 1975, chúng tôi đói lời Chúa một cách thê thảm. Một nhóm tu sĩ tại gia chỉ in ronéo một số bài giảng, tập lịch đạo năm mới, phát cho  tín hữu, bị bắt vào tù với tội “in ấn bất hợp pháp”. Ra toà năm 1985 ba ông thầy can tội in ấn lãnh mỗi ông ba cuốn lịch.

Noel năm 1883 trong căn gác nhỏ trong Cư Xá Tự Do ở Ngã Ba Ông Tạ, tôi ngồi dịch sách Ecclesiastes ra tiếng Việt. Tôi viết và trình bầy như một tập sách nhỏ, đem đến tặng các bạn ở nhà thờ, các bạn truyền tay nhau đọc, ai muốn có tập sách ấy chỉ cần  chép lại hay đi chụp photocopy.

Mùa Giáng Sinh 2005 tôi sống xa Ngã Ba Ông Tạ, xa Nhà Thờ Chí Hoà, Nhà Thờ Đồng Tiến, Nhà Thờ Tân Định, Nhà Thờ Dòng Chuá Cứu Thế, Vương Cung Thánh Đường… không biết bao nhiêu ngàn cây số. Trong căn phòng nhỏ của vợ chồng tôi ở Rừng Phong hiện giờ có đến bốn, năm quyển Kinh Thánh. Sách Kinh Thánh quyí nhất của tôi là bản tiếng Việt mới được dịch và xuất bản tại Sài Gòn. Trong số những vị dịch giả có Linh Mục Nguyễn công Đoan, Trưởng Dòng Tên Việt Nam.

Năm 1987, rồi năm 1989, tôi ở tù chung phòng với Cha Đoan ở Nhà Tù Chí Hoà và Trại Lao Động Cải Tạo Z 30 A, Xuân Lộc, Đồng Nai. Cha Đoan bị án tù 14 năm. Cha, cùng nhiều Linh mục khác, bị bắt năm 1982.

 Những ngày như lá, tháng như mây… Chúng tôi ra khỏi tù, vợ chồng tôi sang Kỳ Hoa năm 1995. Tháng Tám 1999 Cha Đoan, từ Sài Gòn, đi công việc đạo sang Vatican,Roma, Ý Quốc, Cha ghé sang Hoa Kỳ và Cha đến Rừng Phong gập vợ chồng tôi. Tôi đứng đón Cha dưới hàng cây trên lối vào Rừng Phong. Từng sống với nhau ở Nhà Tù Chí Hoà, Trại Tù Khổ Sai Z 30 A, có bao giờ tôi tưởng tượng một buổi trưa mùa hạ tôi bồi hồi đứng trong con đường vắng, đầy bóng cây, trên đất Hoa Kỳ chờ Cha Đoan đến. Gập nhau mừng mừng, tủi tủi, Cha cầm tay tôi mãi như không muốn buông ra. Vợ chồng tôi ngạc nhiên khi thấy Cha không khác chút nào qua năm năm trời kể từ  ngày chúng tôi đi khỏi Sài Gòn.
*
Tôi bị quyến rũ bởi lời và ý Sách Giảng Viên — những bản dịch Kinh Thánh trước dịch là Truyền Đạo — Những lời như Thơ, những ý tình man mác…
Trích trong Kinh Thánh, bản do Toà Tổng Giám Mục Sài Gòn xuất bản năm 1998:

Ở dưới bầu trời này
mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời:
một thời để chào đời, một thời để lìa thế;
một thời để trồng cây, một thời để nhổ cây;
một thời để giết chết, một thời để chữa lành;
một thời để phá đổ, một thời để xây dựng;
một thời để khóc lóc, một thời để vui cười;
một thời để than van, một thời để múa nhẩy;
một thời để quăng đá, một thời để lượm đá;
một thời để ôm hôn, một thời để tránh hôn;
một thời để kiếm tìm, một thời để đánh mất;
một thời để giữ lại, một thời để vất đi;
một thời để xé rách, một thời để vá khâu;
một thời để làm thinh, một thời để lên tiếng;
một thời để yêu thương, một thời để thù ghét;
một thời để gây chiến, một thời để làm hoà.

Chúng ta ra đời trong Thế Kỷ Hai Mươi đẫm máu; máu đẫm thế kỷ này từ những ngày đầu đến những ngày cuối. Hai tai hoạ lớn nhất của loài người cùng đến trong Thế Kỷ Hai Mươi: Hoạ Phát Xít và Họa Cộng Sản. Có nhiều quốc gia chỉ bị đau khổ vì một tai họa, Hoạ Phát Xít, hoặc Hoạ Cộng Sản, nước Việt Nam và nhân dân Việt Nam bị khổ sở vì cả hai tai họa. Dân tộc Việt Nam đau khổ trong gần trọn Thế Kỷ Hai Mươi. Thế Kỷ Hai Mươi Mốt đến, chúng ta mong ta được hưởng một thời để yêu thương.

Và đây những lời khuyên cuối của Vị Giảng Viên:

Giữa tuổi thanh xuân
bạn hãy tưởng nhớ Đấng đã dựng nên mình.
Đừng chờ đến ngày tai ương ập tới
đừng chờ cho năm tháng qua đi,
những năm tháng mà rồi bạn sẽ phải nói:
“Tôi chẳng có được một niềm vui nào trong thời gian đó cả.”
Đừng chờ đến khi mặt trời với ánh sáng,
mặt trăng cùng tinh tú đều trở thành tối tăm, và mây đen tụ lại khi cơn mưa đã dứt.
Ngày ấy, người giữ nhà sẽ run lẩy bẩy,
chàng trai vạm vỡ phải khòm lưng
các cô xay bột không còn xay tiếp vì không đủ người xay,
các bà nhìn qua cửa sổ: chỉ thấy lờ mờ.
Ngày ấy, cánh cửa ngó ra đường sẽ đóng lại
tiếng cối xay bột từ từ nhỏ đi,
người ta trổi dậy khi vừa nghe tiếng chim hót
và mọi cô ca sĩ sẽ phải lặng thinh.
Ngày ấy, đường hơi dốc cũng làm người ta sợ,
chân bước đi mà lòng thật kinh hoàng.
Ngày ấy, hoa hạnh đào nở ra trắng xóa,
loài châu chấu trở nên chậm chạp, nặng nề,
trái bạch hoa hết còn hương vị.
Bởi vì con người tiến đến nơi an nghỉ ngàn thu,
bên đường đầy những người khóc than ai oán.
Đừng chờ đến khi chỉ bạc đứt, bình vàng vỡ,
vò nước bể ngay tại hồ chứa nước,
ròng rọc gẫy, vụt rơi xuống giếng sâu.
Đừng chờ đến khi bụi đất lại trở về với đất,
khi phàm nhân trả lại cho Thiên Chúa
hơi thở Người đã ban cho mình.
…..
Phù vân, quả là phù vân, mọi sự đều là phù vân cả !

Trên đây là bản dịch tiếng Việt theo bản văn Kinh Thánh Cổ. Đây là bản văn trên viết bằng tiếng Anh hiện đại, trích từ  Good News Bible, Nhà Xuất Bản American Bible Society:

So remember your Creator while you are still young, before those dismal days and years come when you will say: “I don’t enjoy life.” That is when the light of the sun, the moon and the stars will grow dim for you, and the rains clouds will never pass away. Then your arms, that have protected you, will tremble, and your legs, now strong, will grow weak. Your teeth will be too few to chew your food, and your eyes to dim to see clearly.
Your ears will be deaf to the noise of the street. You will barely be able to hear the mill as it grinds or music as it plays, but even the song of a bird will wake you from sleep. You will be afraid of high places and walking will be dangerous. Your hair will turn white; you will hardly be able to drag yourself along, and all desire will be gone.
We are going to our final resting place, and then there will be mourning in the streets. The silver chain will snap, and the golden lamp will fall and break; the rope at the well will break, and the water jar will be shattered. Our bodies will return to the dust of the earth, and the breath of life will go back to God, who gave it to us.
Useless, useless, said The Philosopher. It is all useless…

Vậy hãy nhớ đến Đấng Tạo Tác ra anh trong khi anh còn trẻ, trước khi những ngày, những năm sầu thảm đến và anh nói:  “Tôi sống không lạc thú.” Đó là khi ánh mặt trời, ánh mặt trăng và ánh sáng những ngôi sao mờ đi với anh, và mây đen cơn mưa không bao giờ tan đi nữa. Khi ấy cánh tay anh, những cánh tay vẫn bảo vệ anh, sẽ run run, và đôi chân anh, lúc này đang mạnh, sẽ trở thành yếu. Răng anh sẽ còn quá ít để có thể nhai thức ăn, mắt anh sẽ quá mờ để có thể nhìn rõ. Tai anh sẽ điếc với những tiếng động ngoài đường phố. Anh sẽ chỉ còn nghe được mơ hồ  tiếng cối xay đang xay hay tiếng nhạc đang trổi, nhưng chỉ cần tiếng hót của con chim cũng làm anh thức giấc. Anh sẽ sợ hãi những nơi cao, việc đi lại sẽ trở thành nguy hiểm. Tóc anh sẽ bạc trắng; anh gần như  chỉ còn có thể sống vất vưởng, và tất cả những ham muốn đều mất.

Chúng ta đi đến nơi an nghỉ cuối cùng, có tiếng than khóc bên đường. Sợi dây bạc sẽ đứt, chiếc đèn vàng sẽ rơi và sẽ vỡ, sợi dây thừng ở giếng sẽ đứt và bình nước sẽ tan tành. Thể xác ta sẽ trở về với bụi của đất, và hơi thở của ta sẽ trở lại với Thượng Đế, Người đã ban nó cho ta.

Vô ích, vô ích. Nhà Hiền Triết nói. Tất cả là vô ích.

Từ Rừng Phong, Xứ Tình Nhân, Kỳ Hoa Đất Trích, một chiều nhớ quê hương, thương tuổi trẻ, tôi viết bài này, tôi gửi bài viết này đến Linh Mục Nguyễn Công Đoan, Thầy Sáu Trần Văn Bẩy, Tu Sĩ Thích Tâm Lạc, Tu Sĩ Thích Trí Siêu, Tu Sĩ Thích Tuệ Sĩ,  Giáo Sư Mã Thành Công, Kỹ Sư  Lê Công Minh.
Tôi từng được tù chung phòng tù ở quê hương tôi với các vị trên đây, các vị hiện đều sống ở Sài Gòn.

HOÀNG HẢI THỦY
(Viết ở Rừng Phong- Virginia, USA)

Nguồn: https://www.tvvn.org/mot-thoi-yeu-thuong-hoang-hai-thuy/

Cây Lá Cách (Vọng Cách)

Dược Sĩ Trần Việt Hưng

https://cdn.phunusuckhoe.vn/kimminh/auto/9_9_2019/cong-dung-cua-la-cach-2-2019-09-09-21-26.jpg

Ảnh minh họa lá cách của phunusuckhoe.

Lá cách là tên gọi của một loại rau ‘miệt vườn’, rất thông dụng tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, Nam Việt Nam. Lá cách được dùng trong nhiều món ăn dân giã đồng thời củng được xem là một ‘cây thuốc nam’ dùng trị một số bệnh theo kinh nghiệm dân gian Cây tuy có nguồn gốc tại vùng Nam Á Châu nhiệt đới nhưng cũng được trồng tại Hawaii, Florida (Hoa Kỳ).
Lá cách thuộc chi thực vật Premna, họ Verbenacea. Chi Prem na có khoảng 200 loài, riêng tại Việt Nam có khoảng 15 loài trong đó có 4 hay 5 loài được dùng làm thực phẩm và làm thuốc.
Theo các tác giả Võ văn Chi (Sách Tra Cứu Tên Cây Cỏ Việt Nam) và Phạm Hoàng Hộ (Cây có vị thuốc ở Việt Nam) thì những cây, được gọi chung là ‘Cách’ có thể bao gồm:
Cách, Vọng cách = Premna corymbosa (hay các tên đồng nghĩa: Premna serratifolia, Premna integrifolia)
Cách thơm, cách lá tim = Premna odorata (hay P. cordifolia)
Cách lá rộng = Premna latifolia
Cach leo= Premna scandens.
Ngoài ra về phương diện thực vật, còn có một số cây premna có tinh cách địa phương như:
Cách Kampuchea= Premna cambodiana
Cách Mekong = Premna mekongnensis

Tên khoa học và các tên gọi khác:
Premna corymbosa thuộc họ thực vật Verbenacea
Tên Anh-Mỹ: Head-ache tree; Pháp: Arbre à la migraine, Bois de bouc
Philippines: Alagau; BanglaDesh: Ganiari; Mã Lai: Malbau
Trung Hoa: San su xiu huang jing
Ân Độ: Agetha, arani (Hindi), ganiari (Bengal)
Premna odorata:
Tên Anh-Mỹ: Fragrant premna
Mã Lai: Bebuas; Phi: Alagaw

Đặc tính thực vật:
* Premna corymbosa:
Cây thuộc loại tiểu mộc, thân phân nhánh, mọc thẳng đứng, ít khi bò, cao 5-7 m. Cành non hình vuông, đôi khi có gai và lông mịn; cành già nhẵn màu nâu đỏ có rãnh và vỏ có lỗ khí thở.
Lá mọc đối, hình dạng rất thay đổi có khi trái soan hay bầu dục , dài 14-20 cm rộng 10-12 cm, gốc lá tròn hay hơi thành dạng trái tim, không đối xứng, đầu lá tù hay có mũi ngắn hơi nhọn. Cuống lá dài 0.3-4 cm. Phiến lá mỏng, có mặt trên nhẵn, bóng; có 5 gân lá nổi rõ; mặt dưới nhạt hơn có lông mịn trên các gân. Mép nguyên hoặc có khía răng ở phía đầu lá. Lá khi vò nát có mùi hăng nồng.
Hoa mọc thành cụm ở đầu cành, tạo thành ngù dài 10-18 cm, có lông mịn. Hoa màu trắng hay xanh lục-trắng; đài hoa có lông chia thành 2 môi: môi trên nguyên hay xẻ thành 2 thùy, môi dưới nguyên hoặc có 3 răng rất nhỏ.
Quả màu đen, thuộc loại hạch quả hình cầu hoặc hình trứng. Quả lớn cỡ 3-4 mm, có 4 ô; mỗi ô chứa một hạt.
Cây phân bố, mọc hoang tại các vùng Á Châu nhiệt đớo và cận nhiệt đới, Phi Châu, Úc và vùng hải đảo Thái Bình Dương.
* Premna odorata:
Cây nhỏ hơn, 3-6 m; cành non tròn và không lông. Phiến lá hình trái soan hay bàu dục, dài đến 18 cm , đáy hình trái tim đều, mỏng và không lông. Đỉnh lá nhọn. Cuống lá khoảng 2 cm. Lá khi vò nát có mùi thơm. Hoa vàng nhạt. hay xanh-trắng. Quả tím xậm, hình cầu tròn, đường kinh khoảng 5mm.

Thành phần hóa học:
Lá chứa:
Hoạt chất loại iridoid như Verbascoside, premcoryoside (một glucoside kết nối với verbascoside), isoacteoside, bioside (= decaffeoylverbascoside); 3 hợp chất loại monoacyl-6-O-alpha-L-rhamnopyranosylcatalpols. Diesters loại acyclic mo noterpendiol như premnaodorosides A, B và C
Tinh dầu (0.02%)
Sterols: Beta-sitosterol
Flavones aglycones: Acacetin, diosmetin (5,7,3′-trihydroxy-4′-methoxyflavone)
Vỏ đọt non chứa:
Alkaloids đắng: Premnine, betulin, ganiarine, ganikarine
Tannins
Đường nghịch chuyển
Diterpenoids phenolic
Rễ chứa một sắc tố màu vàng, tannins và tinh dầu

Các nghiên cứu dược học:
Hoạt tính kháng sinh và diệt nấm:
Flavones trích từ lá (diosmetin, acacetin) có các hoạt tính kháng sinh khi thử trên Bacillus subtilis. Diosmetin diệt B. subtilis ở MIC=25 mcg/mL và diệt được nấm gây bệnh nơi kẽ chân Trichophyton rubrum ở MIC=50 mcg/mL. Acecatin co khả năng diệt các nấm Candida gây bệnh nơi bộ phận sinh dục phụ nữ (có thể so sánh với Amphotericin B) (Journal of Medicinal Plants Research Số 5-2011). Dịch chiết từ vỏ bằng thanol 100% có hoạt tính diệt khuẩn trên E.coli
Hoạt tính gây hạ nhiệt, làm giảm đau và chống sưng:
Dịch chiết từ rễ bằng alcohol co hoạt tinh chống đau khi thử trên chuột bằng các test dĩa hơ nóng và kàm hạ nhiệt khi thử trên thỏ (Fitoterapia Số 71-2000). Liều 200-400 mg/kg dịch chiết bằng ethanol có hoạt tính giảm đau khi thử trên chuột bẳng test vặn mình sau khi chuột bị chích acetic acid. (Asian Pacific Journal of Tropical Medicine Số 4-2010)
Hoạt tính bảo vệ gan:
Một số nghiên cứu ghi nhận: Dịch chiết bằng alcohol từ lá có khả năng bảo vệ gan, tạo được sự giảm nồng độ men gan, giảm bilirubin và chặn được các phản ứng loại peroxy-hóa lipid. Hoạt tính có thể so sánh với bilirubin. (Journal of Scientific Research Số 1-2009).
Hoạt tính trên tim:
Các alkaloids và hợp chất iridoid glycoside trong cây Lá cách có một số tác động trên tim. Dịch chiết bằng ethanol (toàn cây) có hoạt tính trợ tim, bổ tim; dịch chiết bằng nước có hoạt tính loại beta-adrenergic. Hoạt tính trợ tim được chứng minh bằng thử nghiệm trên chuột bị gây rối loại cơ tim bằng isoproteronol. (Pharmacology Số 3-2008)
Hoạt tính diệt một số tế bào ung thư:
Diosmetin có hoạt tính ức chế trực tiếp men Cytochrome P450 A1. Diosmetin chặn được tiến trình apoptosis khỏi động do dimethylbenz(a)anthracene, và có tác dụng làm ngưng sự phát triển và bội sinh của tế bào ung thư vú (Cancer Letter Số 274-2009). Acacetin có hoạt tíng ngăn chặn sự bội sinh của tế bào ung thư gan nơi người, loại HepG2 và tế bào ung thư phổi loại A549 (Cancer Letter Số 212-2004), tạo tiến trình apoptosis nơi tế bào ung thư vú loại MCF-7 (Molecular Cells Số 24-2007), chặn sự xâm nhập và di chuyển của tế bào ung thư nhiếp hộ tuyến loại DU-145 (Molecular Cell Biochemistry Số 333-2010)
Hoạt tính của một số hợp chất trích từ lá cách:
Một số hợp chất trich từ cây, tinh khiết hóa có những hoạt tính đáng chú ý:
– Premnazole một alkaloid loạì isoxazole, ly trich từ Premna integrifolia co hoạt tinh chông sưng, giảm sự tạo ‘u hạt’ khi thử trên chuột, có thể so sánh với phenylbutazone. Premna zole cũng làm giảm trọng lượng nang thượng thận.
– Diosmetin (glycoside diosmin) được dùng như một tác nhân bảo vệ mạch máu, giúp trị các bệnh sa tĩnh mạch, trĩ.
– Premnin và ganiarin gây co mạch máu, tăng huyết áp kiểu hoạt động của thần kinh giao cảm.

Sử dụng trong Dược học dân gian:
Dược học dân gian tại một sô quốc gia Á Châu dùng lá cách làm thuốc chữa những bệnh thông thường.
Tại Ấn Độ, Bangladesh: Nước sắc toàn cây dùng trị phong thấp, đau dây thần kinh. Nước sắc từ lá dùng trị nóng sốt, đau bụng, đầy hơi, lậu mủ, đau khớp xương, các bệnh về gan, giúp tiêu hóa. Trong Dược học Ayurvedic, Rễ lá cánh là một trong những thành phần của dược phẩm Dasamula (Dushmula) dùng trị nóng sốt kéo dài
(Đặc chế Abana của Ấn Độ là một thuốc trợ tim trong thành phần có lá cách, dùng thị huyết áp, thiếu máu, hạ lipid trong máu, trợ gan)
Tại Philippines: Nước sắc từ lá, thêm đường dùng uống như trà để giúp long đàm, trị ho. Nước sắc từ lá cũng dùng trị nóng sốt, ho sưng phổi, nóng trong người gây lở miệng. Lá tươi, nấu nước dùng vệ sinh phụ nữ. Lá giã nát, trộn với dầu dừa dùng đắp trên bụng trẻ em để trị ăn không tiêu, đăp trên trán trị đau nhức đầu. Rễ, nhai (bỏ bã) dùng trị bệnh tim. Nước sắc chung rễ, lá và hoa làm hạ nhiệt, giúp đổ mồ hôi, long đàm, đau tức ngực. Nước sắc đọt non dùng trị giun sán. Đặc chế ‘dân tộc’ Kochoi được xem là giúp trị lao. Pito-pito (7-7) là một trà dược gồm 7 lá cây tại Phi: Alagaw (cách thơm), banaba (lá trôm=Lagestroemia spp), pandan (lá pandanus amaryllifolius), manga (lá xoài), anis (hạt tiểu hồi) và hạt ngò (corianum sativum), guava (lá ổi). Pito-pito dùng trị nhức đầu, nóng sốt, cảm, đau bụng, tiêu chảy.
Tại Việt Nam: Theo ‘Đông dược’ lá cách có mùi hăng, vị đắng, tính mát với các tác dụng thanh nhiệt, trợ tỳ-can, mát gan, lợi tiêu hóa, trị nóng sốt, điều hòa kinh nguyệt nơi phụ nữ..
Theo kinh nghiệm dân gian:
– Lá được dùng trị kiết lỵ, khó tiểu tiện, kém tiêu hóa
– Rễ chữa đau bụng, ăn không tiêu

Lá cách trong ẩm thực:
Tại Việt Nam, nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long có khá nhiều món ăn từ đơn giản đến cầu kỳ dùng đến lá cách.
– Đơn giản nhất là lá cách dùng làm rau sống để ăn bánh xèo, cuốn trong ‘cá lia thia kho lạt cuốn bánh tráng’ hay ‘cuốn mắm sống ăn với khoai lang’.
– Một món ăn ‘nhà nghèo’ dộc đáo: Lá cách non xào với xác được mô tả trong trang mạng ‘Tin tức du lịch VN’ như sau: ‘Để chế biến món ăn này, chúng ta nạo một trái dừa khô, vắt lấy nước cốt cho vào chảo đun sôi, sau đó tùy theo khẩu phần mà cho xác đậu nành và gíá đậu vào, nêm mắm muối, bột ngọt cho vừa ăn, tiếp tục xào cho ráo nước, cuối cùng mới cho lá cách xắt nhuyễn vào xào sơ vài lần và nhắc xuống dùng nóng với nước tương hoặc với mắm ớt..’
– Các món ăn khác ‘đặc biệt’ của miền Tây:
– Bò ướp tỏi, ướp gia vị, cuốn lá cánh rồi nướng (thay cho bò cuốn lá lốt)
– Ong non nướng lá cách.
– Thịt gà nấu canh lá cách
– Ếch hay chuột xào lá cách
– Lươn um lá cách

Tài liệu sử dụng:
Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, Tập 2 (Viện Dược Liệu)
Philippines Medicinal Plants: Alagaw và Alagau-gubat
Medicinal Plants of Bangladesh (Shaikh Bokhtear Uddin)
Medicinal Plants of India (S.K Jain)
Scientific Basis for Ayurvedic Therapies (L.C Mishra)

TranVietHung, 6 tháng Chín 2012#1

Nguồn: https://www.tvvn.org/forums/threads/c%C3%A2y-l%C3%A1-c%C3%A1ch-v%E1%BB%8Dng-c%C3%A1ch.50323/

Một người lính Anh trong trận đầu giữa Mỹ và Bắc Việt tháng 11/1965

  • Nguyễn Hùng

Hình ảnh tại lễ vinh danh Rick Rescorla. (Hình: Trích xuất từ video American Veterans Center)
Hình ảnh tại lễ vinh danh Rick Rescorla. (Hình: Trích xuất từ video American Veterans Center)

Tháng này 55 năm về trước, quân đội Hoa Kỳ và lực lượng chính quy của Bắc Việt Nam dàn quân đánh lớn lần đầu ở thung lũng Ia Drang tại Cao nguyên Trung phần, nay là Tây Nguyên. Nhà báo Hoa Kỳ duy nhất trực tiếp chứng kiến trận đánh này, Joe Galloway, nói chỉ trong bốn ngày đêm đầu tiên từ 14-17/11, 234 lính Hoa Kỳ đã thiệt mạng và 250 bị thương.

Nhưng thương vong đối với lực lượng cộng sản được cho là cao hơn rất nhiều, với tổng số trên 3500 trong cả chiến dịch Ia Drang so với dưới 600 của phía Hoa Kỳ. Bắc Việt dường như chấp nhận lấy vài mạng đổi một và còn tiếp tục trong nhiều năm sau đó cho tới khi lực lượng Hoa Kỳ rút đi vào năm 1973.

Rick Rescorla. (Hình: Trích xuất từ video American Veterans Center)
Rick Rescorla. (Hình: Trích xuất từ video American Veterans Center)

Nhà báo Joe Galloway cũng là đồng tác giả cuốn Chúng tôi từng là lính… và trai trẻ đã được dựng thành phim hồi năm 2002. Tác giả khác của sách chính là Tướng Hal Moore, người chỉ huy quân Hoa Kỳ ở Ia Drang cách đây 55 năm khi ông còn là Trung tá.

Trung uý người Anh

Điều khiến tôi chú ý khi đọc lại sách của Joe Galloway và Hal Moore nhân kỷ niệm 55 trận đánh quy mô đầu tiên giữa hai quốc gia cựu thù là sự xuất hiện tại Ia Drang của một người Anh, sinh ra ở vùng đất thơ mộng Cornwall thuộc xứ Wales. Ảnh người lính ở bìa cuốn sách cũng chính là của người Anh này.

Dù là đồng minh của Hoa Kỳ nhưng Anh từ chối gửi quân tới Việt Nam tham chiến trong những năm 1965-1973 và sự xuất hiện của Thượng uý người Anh Rick Rescorla là điều hiếm hoi. Ông Rescorla tới Việt Nam chỉ hai năm sau khi từ Anh qua Hoa Kỳ hồi năm 1963 sau sáu năm phục vụ trong lực lượng quân đội và cảnh sát Anh.

Ông Rescorla được tặng thưởng nhiều huân chương vì sự quả cảm trong trận Ia Drang và trong thời gian dài phục vụ trong quân đội Hoa Kỳ cho tới cuối thập niên 1980 khi ông lên cấp Đại tá.

Dù vượt qua những hòn tên mũi đạn ở Việt Nam, ông Rescorla qua đời khi Toà tháp đôi sụp đổ vì khủng bố tấn công hôm 11/9/2001 sau khi chỉ đạo cuộc sơ tán thành công 2.700 nhân viên hãng Morgan Stanley, công ty mà ở đó ông giữ chức giám đốc phụ trách an ninh. Nhưng đó sẽ là đề tài của bài viết trong tuần tới. Bài này sẽ điểm lại trải nghiệm của Trung uý Rescorla về trận Ia Drang qua lời kể của chính ông cho hai tác giả sách Chúng tôi từng là lính… và trai trẻ.

Đánh giáp lá cà

Ia Drang là trận đầu Hoa Kỳ dùng trực thăng vượt hàng chục cây số tới nơi ẩn náu của lực lượng Bắc Việt trong rừng rậm sát biên giới Cam Pu Chia. Do mỗi trực thăng chỉ chở được sáu lính và bãi đỗ mang tên X-Ray đủ rộng cho chừng trên 15 chiếc hạ cánh cùng lúc, lúc đầu chừng 100 binh lính Hoa Kỳ của Tiểu đoàn 1/7 phải đương đầu với hiểm họa từ lực lượng lớn gấp nhiều lần của phía cộng sản hôm 14/11. Sự mất tương xứng trong cán cân lực lượng khiến phòng tuyến của Trung tá Moore có lúc bị chọc thủng trong ngày giao tranh thứ hai và hai bên đánh giáp lá cà.

Trung uý Rescorla, khi đó 26 tuổi, từ tiểu đoàn 2/7 thuộc lực lượng tăng viện sau hai ngày giao tranh đầu tiên và nhớ lại cảnh tượng ông nhìn thấy tại Ia Drang: “Xác lính Mỹ và lính Bắc Việt nằm khắp nơi. Vùng tôi tới là nơi trung đội của Trung uý Geoghegan [đã thiệt mạng trong hai ngày giao tranh đầu] có mặt trước đó. Vài xác lính Bắc Việt nằm quanh chốt chỉ huy của anh. Một người lính đã chết vẫn trong tư thế chạm trán với tử thi Bắc Việt, hai tay bóp cổ đối thủ. Hai lính – một da đen, một gốc Tây Ban Nha – sát cánh bên nhau. Dường như họ chết khi đang giúp nhau. Rất nhiều xác chết của lính Bắc Việt. Họ cắt tóc ngắn, trên đỉnh đầu tóc rất dày. Vũ khí của họ nằm la liệt khắp nơi.”

Những người lính Mỹ tham gia trận Ia Drang kể lại nhiều cảnh tượng kinh hoàng họ chứng kiến. Có người bị thương đủ mọi chỗ, từ chân, tay, bụng và đầu. Người bị đạn bắn xuyên qua miệng nhưng vẫn may mắn sống sót. Người mất luôn cả mảng lưng. Người may mắn hơn bị đạn trúng khẩu súng họ đang cầm khiến súng tan từng mảnh chỉ còn mỗi phần đang cầm trong tay.

Phải làm sao nếu phòng tuyến bị chọc thủng?

Sau khi thu dọn chiến trường và gom xác binh sĩ Hoa Kỳ, Trung uý Rescorla chuẩn bị tinh thần cho trung đội ông chỉ huy và đi thị sát chiến trường trước khi đêm xuống để ngắm trận địa từ góc nhìn của quân thù trong lúc hưu chiến. Ông cho quân lùi lại vài chục mét khỏi các bụi cây cỏ để rút ngắn phạm vi phải canh gác và khiến lính Bắc Việt phải rời khỏi chỗ ẩn nấp và tiến vài chục mét nếu muốn tấn công quân Hoa Kỳ.

Trung uý Rescorla nói trong cuốn Chúng tôi từng là lính… và trai trẻ: “Vì phòng tuyến ngắn hơn, tôi giảm số hố công sự. Các hố ba người được đào sâu. Súng máy M-60 được đặt ở các hướng tấn công chính mà từ đó có thể chuyển sang tư thế bắn sát mặt đất để phòng thủ, các khẩu này bắn đan xiên nhau bên cạnh súng máy ở hai bên sườn. Hố công sự và gờ bảo vệ phía trên được kiểm tra kỹ lưỡng.”

Lính của ông Rescorla cũng còn cài lựu đạn và dây phát sáng ở vòng ngoài để bẫy quân địch. Sau khi chuẩn bị xong, ông hỏi đùa một nhóm lính của trung đội kế bên: “Khi súng nổ liệu các cậu có trụ lại không đấy? Nếu định chuồn thì cho tôi biết.” Một người đáp: “Thưa sếp, sáng ra chúng tôi vẫn còn ở đây” và nói anh hy vọng trung đội của Rescorla không chạy trước. Một người khác chỉ vào con dao giắt thắt lưng của Rescorla và nói: “Nếu tôi định chuồn tôi sẽ tới mượn con dao đó của sếp.”

Vị Trung uý người Anh nói ông cảm nhận được sự tự tin của binh lính qua những đối đáp này và nói với họ: “Chúng sẽ tiến đánh nhanh và ở tầm thấp. Sẽ không có mục tiêu dễ chơi đâu. Giữ tầm bắn ở độ cao của người đang bò. Bắt chúng vượt qua bức tường thép. Đó là cách duy nhất giữ chúng khỏi hố công sự của các cậu.” Trước câu hỏi của một người lính 19 tuổi từ Los Angeles về chuyện nếu phòng tuyến bị xuyên thủng thì sao, ông Rescorla trả lời: “Nếu họ tràn qua và đè lên chúng ta, hãy để lựu đạn quanh hố. Đặt chúng [lựu đạn] quanh gờ bảo vệ và đừng thò đầu lên. Nằm ngửa trong hố. Xả đạn vào mặt chúng. Nếu chúng ta chiến đấu tốt, chúng không thể tiến xa thế đâu.”

Hát cho binh lính

Ông Rescorla nhớ rằng đó là một đêm trăng tròn của tháng 11/1965. Vị trung uý khuyến khích binh sỹ trò chuyện với nhau cho đỡ căng thẳng. Mỗi khi quá yên tĩnh, ông lại hát bài “Wild Colonial Boy”, tạm dịch là “Cậu bé Thuộc địa Hoang dại” và bài hát yêu thích của Cornwall quê ông – “Going Up Camborne Hill”, tức “Lên Đồi Camborne”. Đáp lại, binh lính hô những khẩu hiệu thể hiện khí thế sẵn sàng chiến đấu.

Khoảng bốn giờ sáng các thiết bị chống xâm nhập và dây phát sáng cảnh báo địch quân đang di chuyển. Về sau này Tướng Hoàng Phương của Việt Nam tiết lộ với hai tác giả sách Chúng tôi từng là lính… và trai trẻ rằng lính của Tiểu đoàn 7 thuộc Trung Đoàn 66 quay trở lại cùng quân tiếp viện để tấn công lính Mỹ ở điểm đổ quân X-Ray. Họ được sự tiếp sức của Tiểu đoàn H-15 của Mặt trận Giải phóng Miền Nam.

Đại uý Myron Diduryk, người gốc Ukraina tham gia trận Ia Drang cùng phòng tuyến với Rescorla, nhớ lại: “Trung đội ở trung tâm và bên trái tôi bị một tiểu đoàn Bắc Việt tấn công dữ dội. Lũ chúng tiến tới như sóng biển, biển người. Chúng tôi chào đón chúng với bức tường thép. Tôi gọi pháo sáng. Trung tá [Bill] Lund gọi hỗ trợ trực tiếp từ bốn tổ pháo Howitzer 105 ly. Các tổ pháo này bắn yểm trợ liên tục với đạn nổ khi tiếp xúc hay đạn nổ trên không. Các cây cỏ xung quanh khiến cả hai loại này đều có tác dụng. Chúng tôi cũng bắn cả phốt-pho trắng nữa.”

Súng tắc

Giữa những tiếng la hét, gào thét và tiếng còi xung trận, Trung uý Rescorla nhận thấy nhiều khẩu M-16 bị tắc khiến cứ ba người lính lại phải có một người thông súng. Lính Bắc Việt tiếp tục tràn tới dù đợt tấn công đầu của chừng 300 tay súng miền Bắc bị đẩy lùi trong 10 phút. Ánh sáng từ dù của Máy bay C-123 thả xuống khiến lực lượng Hoa Kỳ thấy rõ đối phương và buộc đối thủ phải giảm tốc độ tiến công. Mặc dù vậy, lực lượng được cho là có “kỷ luật cực kỳ cao” của cộng sản tiếp tục tràn lên và dùng xác đồng đội làm vỏ bọc. Nhưng họ đã không thể lặp lại chuyện chọc thủng phòng tuyến của phía Hoa Kỳ như trong đêm trước đó do sự chuẩn bị kỹ càng và quân số được tăng thêm của đối thủ.

Đó chỉ là những ngày đầu của chiến dịch Ia Drang kéo dài hơn một tháng. Ngay trong ngày ngày tiếp theo, hôm 17/11, Tiểu đoàn 2/7 của Hoa Kỳ còn tình cờ chạm trán lực lượng Bắc Việt trong tình trạng mệt mỏi và thiếu sự chỉ huy hữu hiệu khiến trên 150 lính Hoa Kỳ thiệt mạng và gần 130 người bị thương. Chiến dịch này khiến Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara khẳng định với Tổng thống Lyndon Johnson rằng quân đội Hoa Kỳ không có cơ hội chiến thắng và cái giá để cầm hoà cũng rất lớn. Ông McNamara còn đưa ra gợi ý rút quân ngay trong năm 1965 để giữ thể diện nhưng ông Johnson không nghe và ông McNamara cũng không đi tới cùng trong việc thuyết phục vị tổng thống. Về phần Trung uý, sau là Đại tá Rick Rescorla, ông đã được Tổng thống Trump truy tặng huy chương trong tháng 11 năm ngoái vì sự quả cảm ở Việt Nam và trong ngày 11/9/2001 khi ông giúp gần 3.000 người sơ tán an toàn khỏi Toà Tháp đôi trước khi bị thiệt mạng trong lúc tìm vài người còn lại. Mời quý vị đón đọc trong tuần sau.

Nguồn: https://www.voatiengviet.com/a/rick-rescola-ia-drang-chien-tranh-viet-nam/5680707.html

TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG và TỔNG HỢP ở SÀIGÒN-CHỢ LỚN và GIA ĐỊNH trước năm 1975: Lời mở đầu

(TM tổng hợp và bổ túc)

LỜI MỞ ĐẦU

Đây là một tổng hợp và bổ túc lược sử các trường trung học ở Sàigòn, Chợ Lớn và Gia Định trước năm 1975.

Những lý do thúc đẩy thực hiện bài này là như sau :

1. Thứ nhứt : Tình cảm riêng tư.Người viết và các bằng hữu đã may mắn được theo học bậc trung học tại vài trường tọa lạc trong địa bàn Sàigòn và Gia Định . Nay muốn ghi lại để bảo tồn kỷ niệm về những ngôi trường này và tri ân các thầy cô đã dầy công đào tạo chúng tôi nên người ;

2. Thứ hai : Khoảng thời gian ở bậc trung học, một cách tổng quát, là khoảng thời gian đẹp nhất trong đời học trò. Thật vậy ,trong bảy năm trung học, đặc biệt bậc đệ nhất cấp, học trò nam cũng như nữ ở vào cái tuổi ‘’Ăn không no, lo chưa tới’’ , gần như hoàn toàn vô tư vì chuyện thi cử và chuyện lính tráng còn mờ mờ xa xa, chuyện ăn mặc sinh sống đã có cha mẹ lo, chuyện chiến tranh bảo vệ an ninh hậu phương và bờ cõi đã có các chiến sĩ can trường ngày đêm giết giặc , bắt đầu mơ mộng biết vui, biết buồn, biết nhớ tới cô bạn (hay anh bạn) học ngồi cùng lớp, cùng trường hay trường lân cận hay cô láng giềng bên nhà. Đây cũng là khoảng thời gian gặp gỡ , kết bạn để cùng nhau chia sẻ những mối bận tâm của lứa tuổi niên thiếu , từ đấy nảy nở những mối lương duyên hay tình bằng hữu chân thật , thân thiết , bền bỉ tới lúc bạc đầu ;

3. Thứ ba : Những trường trung học lớn, lâu đời và danh tiếng của miền Nam Việt Nam thành lập từ cả trăm năm trước , đều tọa lạc ở Sàigòn và Chợ Lớn.

Bậc trung học của hệ thống giáo dục miền Nam trước 1975 có thể được coi là quan trọng nhất trong ba bậc học : tiểu học, trung học và đại học, bởi vì theo tài liệu [1] : ‘’ Ở bậc trung học ,sự xã hội hóa nhắm vào việc thích nghi con người vào tình trạng văn hóa mà người ta muốn có. Thường khi người ta (các nhà làm chính trị, những nhà lãnh đạo) muốn có xã hội thế nào thì người ta nhắm vào lớp người vào trung học để đào luyện họ trở thành những công dân kiểu mẫu cho xã hội người ta muốn có. Những người này sẽ được xã hội hóa để bảo tồn những gì đã có. Các trường trung học của Việt Nam Cộng Hòa cũng đóng vai trò xã hội hóa học sinh giống như bao nhiêu trường trung học khác trên thế giới. Việc xã hội hóa ở đây là thích nghi con người vào trong xã hội Miền Nam nước Việt vào giữa thế kỷ XX’’.

Theo tài liệu [2,3] :

Thời Ðệ Nhất Cộng Hòa, năm học 1960 miền Nam có 112.129 học sinh trung học.

Tính đến đầu những năm 1970, Việt Nam Cộng Hòa có hơn 550.000 học sinh trung học, tức hơn 20% tổng số thanh thiếu niên ở lứa tuổi từ 12 đến 18 và có 534 trường trung học.

Năm học 1973-1974, Việt Nam Cộng Hòa có 1.091.779 học sinh trung học.

Đến năm 1975, có khoảng 900.000 học sinh ở các trường trung học công lập.

Mặc dù chỉ tồn tại trong 20 năm (từ 1955 đến 1975), bị ảnh hưởng nặng nề bởi chiến tranh và những bất ổn chính trị thường xảy ra, phần thì ngân sách eo hẹp do phần lớn ngân sách quốc gia phải dành cho quốc phòng và nội vụ (trên 40% ngân sách quốc gia dành cho quốc phòng, khoảng 13% cho nội vụ, chỉ khoảng 7-7,5% cho giáo dục), nền giáo dục Việt Nam Cộng Hòa đã phát triển vượt bậc, đáp ứng được nhu cầu gia tăng nhanh chóng của người dân, đào tạo được một lớp người có học vấn và có khả năng chuyên môn đóng góp vào việc xây dựng quốc gia và tạo được sự nghiệp vững chắc ngay cả ở các quốc gia phát triển.

Theo tài liệu [4] : Nền giáo dục Việt Nam Cộng Hòa đã đạt được những thành công quan trọng nhất và rõ rệt nhất, đồng thời cũng là một nét vàng son đáng trân quý trong nếp sống và sinh hoạt ở Miền Nam thời trước năm 1975.

Các tài liệu [1,2,3,4,5,] là những tài liệu căn bản và tổng quát viết về nền giáo dục Việt Nam Cộng Hòa với các chủ đề chính yếu : Lịch sử nền giáo dục ở Việt Nam từ thời Pháp thuộc đến thời Đệ Nhị Cộng Hòa, triết lý giáo dục Việt Nam Cộng Hòa , hệ thống tổ chức giáo dục của ba cấp bậc tiểu học, trung học và đại học, nhân sự giáo chức sư phạm, chương trình giảng dạy , tài liệu và dụng cụ giáo khoa, hệ thống thi cử và bằng cấp, và những lý đó đưa đến những thành công to tác của nền giáo dục này. Vì vậy, các chi tiết về các trường trung học ngay cả các trường lâu đời nổi tiếng ở Miền Nam và đặc biệt ở Đô Thành Sàigòn và vùng phụ cận không được đề cập nhiều .

Những dữ kiện về lịch sử của các trường trung học ở Sàigòn, Chợ Lớn và Gia Định trước năm 1975 trên mạng Internet rất ít ỏi , hiếm hoi hoặc không có sẵn. Gần như chỉ có những trường trung học lớn nổi tiếng , nhất là các trường công lập hay trường công giáo có các hội ái hữu cựu học sinh thành lập ở hải ngoại, là có phổ biến lược sử của trường. Các trường trung học nhỏ hoặc là trường tư thục không có hội cựu học sinh gần như không có tin tức , và nếu có thì lại nằm rải rác trong nhiều bài vở với nhiều chủ đề khác nhau của nhiều cá nhân. Những ai còn lưu tâm đến các tin tức này có thể mất rất nhiều thời giờ tìm kiếm trên mạng.

Các trường trung học ở Sàigòn, Chợ Lớn và Gia Định trước năm 1975 , được tổng hợp, bổ túc và trình bày trong bài này rất đa dạng :

• Trường trung học được thành lập từ thời Pháp mới vào miền Nam cho tới thời Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa;

• Trường trung học đệ nhất cấp với lớp đệ thất đến lớp đệ tứ , trường đệ nhị cấp bao gồm các lớp từ đệ thất tới đệ nhứt, trường đệ nhị cấp nhưng chỉ có từ đệ tam tới đệ nhứt và trường đệ nhị cấp nhưng chỉ có lớp đệ nhứt thôi. Nhiều trường trung học còn có các lớp tiểu học trong khuôn viên trường ;

• Trường trung học giảng dạy chương trình Việt , chương trình Pháp và chương trình dành riêng cho học sinh người Việt gốc Hoa ;

• Trường trung học công lập và trường trung học cộng đồng ;

• Trường trung học tư thục thành lập và quản trị bởi giáo hội Công giáo, hay Phật giáo hay tư nhân ;

• Trường trung học phổ thông, kỹ thuật , mỹ thuật ,kiểu mẫu và tổng hợp.

Bài này là một tổng hợp thực hiện với những dữ kiện trích từ các nguồn sau đây :

1. Một số tài liệu nghiên cứu lịch sử, địa lý và văn hóa vùng Sàigòn, Chợ Lớn và Gia Định từ thế giữa thế kỷ thứ 18 cho tới những năm 1970, được ấn hành vào thời chính phủ Việt Nam Cộng Hòa ;

2. Những tin tức, tài liệu và hình ảnh về một số trường học được viết hay kể lại theo trí nhớ hay được cung cấp bởi các cựu học sinh ;

3. Ký ức của người viết bài này;

4. Các tài liệu sưu tầm trên mạng Internet đặc biệt là các địa chỉ mạng của các hội ái hữu cựu học sinh ở hải ngoại.

Các dữ kiện từ những tài liệu tham khảo trên Internet đã được kiểm soát chéo (cross check) lẫn nhau trước khi được xử dụng để tổng hợp.

Tuy vậy, dù đã cố gắng tối đa nhưng chắc chắn bài viết vẫn còn thiếu sót.Tác giả rất vui đón nhận những phê bình, chỉ dẫn để có thể hoàn thiện bài này.

Tổng cộng chín mươi bảy (97) trường trung học riêng rẻ ở Sàigòn, Chợ Lớn và Gia Định và một (1) tập hợp các trường trung học công lập không chi tiết ở Gia Định, đã được tổng hợp và bổ túc.

Ngoài ra, bài này còn thêm vào ba (3) cơ sở không hoàn toàn thuần túy là trường trung học vì những lý do sau :

– Chủng viện (Séminaire) Sàigòn : Chủng viện là gốc nguồn xuất phát của vài trường trung học trong bài này. Chủng viện cũng được xử dụng như trường học tạm thời trong một thời gian ngắn cho học sinh của vài trường trung học khác;

– École Normale d’Instituteurs (École Normale) : Chuyên đào tạo thầy cô giáo bậc sơ học và tiểu học khởi đầu cho nền giáo dục ở miền Nam. Cơ sở của École Normale đã được xử dụng làm 2 trường trung học trong bài này;

– Trường Sư Phạm Nam Việt : Trường này đã được ghi dẫn trong lược sử một vài trường trung học .

Và sau cùng là một Phụ trang về các trường chuyên dạy Sinh Ngữ.

Để dễ dàng cho việc tìm kiếm và tham khảo, người viết đã sắp xếp và phân loại các ngôi trường liệt kê trong danh sách dưới đây theo thứ tự như sau :

a) Trường phổ thông, kiểu mẫu và tổng hợp theo địa bàn : Sàigòn – Chợ Lớn và sau đó là Gia Định ;

b) Trường kỹ thuật và mỹ thuật trong chung địa bàn Sàigòn – Chợ Lớn và Gia Định;

c) Trong mỗi thể loại trên, các ngôi trường được sắp theo năm thành lập và tiếp theo đó là thứ tự mẫu tự tên trường . Những ngôi trường mà năm thành lập không xác định sẽ được xắp sau cùng theo thứ tự mẫu tự tên trường .


Danh sách các ngôi trường trình bày trong bài gồm có :

Trường trung học phổ thông & tổng hợp ở Sàigòn-Chợ Lớn :

1. 1850- Chủng viện (Séminaire) Sàigòn – Quận 1

2. 1861- Collège d’Adran – Quận 1

3. 1864- Trường Saint Paul Sàigòn – Quận 1

4. 1874- Trường Chasseloup Laubat-JJ Rousseau- Lê Quý Đôn – Quận 3

5. 1874- Trường La San Taberd – Quận 1

6. 1877- Trường Thiên Phước – Quận 3

7. 1908- Trường Bác Ái – Quận 5

8. 1910- Institution municipale des jeunes filles à Saigon – Quận 1

9. 1915- Trường Gia Long – Quận 3

10. 1918- Trường Marie Curie Sàigòn – Quận 3

11. 1922- École Normale d’Instituteurs – Quận 1

12. 1922- Trường Huỳnh Khương Ninh – Quận 1

13. 1923- Trường Lasan Đức Minh – Quận 3

14. 1927- Trường Petrus Ký

15. 1933- Trường Hồng Bàng – Quận 5

16. 1940- Trường Bồ Đề – Quận 2

17. 1945- Centre scolaire Saint Exupéry

18. 1947- Trường Huỳnh Thị Ngà – Quận 1

19. 1947- Trường Thánh Linh – Quận 5

20. 1948- Trường Colette – Quận 3

21. 1948- Trường Lamartine – Quận 1

22. 1950- Trường Couvent des Oiseaux – Quận 1

23. 1950- Trường Les Lauriers – Quận 1

24. 1950- Trường Sư Phạm Nam Việt – Quận 1

25. 1950- Trường Vương Gia Cần – Quận 1

26. 1953- Trường Charles de Gaulle – Quận 3

27. 1953- Trường Đức Trí – Quận 2

28. 1954- Trường Chu Văn An – Quận 5

29. 1954- Trường Nguyễn Trãi – Quận 4

30. 1954- Trường Trần Lục – Quận 3 (1971 trở thành Nguyễn Du- Quận 10)

31. 1954- Trường Trưng Vương – Quận 1

32. 1955- Trường Võ Trường Toản – Quận 1

33. 1956- Trường La San Hiền Vương – Quận 3

34. 1956-Trường Nguyễn Bá Tòng (Sàigòn) – Quận 2

35. 1956- Trường Văn Lang – Quận 1

36. 1957- Trường Mạc Đĩnh Chi – Quận 6

37. 1957- Trường Trung Thu – Quận 5

38. 1958- Trường Văn Hóa Quân Đội – Sàigòn và Gia Định

39. 1959- Trường Hưng Đạo – Quận 2

40. 1960- Trường Regina Pacis – Quận 3

41. 1962- Trường La San Chánh Hưng – Quận 8

42. 1963- Trường Nữ Thánh Anna – Quận 9

43. 1963- Trường Phan Sào Nam – Quận 3

44. 1966- Trường Trung học Cộng đồng Quận 8 – Quận 8

45. 1967- Trường Saint Martin – Quận 1

46. 1968- Trường Trung học Cộng đồng Quận 6 – Quận 6

47. 1970- Trường Đồng Tiến – Quận 10

48. 1971- Trường tổng hợp Nguyễn An Ninh – Quận 10

49. 1971- Trường tổng hợp Sương Nguyệt Anh – Quận 10

50. 1972- Trường Phục Hưng – Quận 3

51. Khoảng thập niên 1950 hay trước – Trường Kiến Thiết – Quận 3

52. Khoảng thập niên 1950 hay trước – Trường Thánh Têrêxa – Quận 5

53. Khoảng thập niên 1950 – Trường Trường Sơn – Quận 3

54. Khoảng thập niên 1950 – Trường Việt Nam Học Đường – Quận 1

55. Khoảng thập niên 1960 hay trước – Institution Phan Van Hue – Quận 2

56. Khoảng thập niên 1960 hay trước – Trường Nguyễn Khuyến – Quận 3

57. Khoảng thập niên 1960 – Lycée Cửu Long – Quận 3

58. Khoảng thập niên 1960 – Trường Đông Tây Học Đường – Quận 1

59. Khoảng thập niên 1960 – Trường Nguyễn Công Trứ – Quận 1

60. Khoảng thập niên 1960 – Trường Tân Thạnh – Quận 1

61. Khoảng thập niên 1960 – Trường Văn Hiến – Quận 1

62. Khoảng thập niên 1960 – Trường Văn Học – Quận 3

63. Khoảng trước năm 1964 – Trường Thánh Tâm – Quận 10

64. Năm không xác định – Trường Tân Văn – Quận 3

Trường trung học phổ thông & kiểu mẫu ở Gia Định

65. 1939- Trường Lasan Mossard Thủ Đức

66. 1954- Trường Hồ Ngọc Cẩn

67. 1955- Trường Chu Mạnh Trinh

68. 1956- Trường Lê Bảo Tịnh

69. 1956- Trường Nguyễn Duy Khang

70. 1957- Trường An Lạc

71. 1957- Trường Lê Văn Duyệt

72. 1957- Trường Lý Thường Kiệt

73. 1959- Trường Đạt Đức

74. 1959- Trường Hoàng Gia Huệ

75. 1959- Trường Thánh Thomas

76. 1960- Trường Notre Dame des Missions

77. 1960- Trường Thánh Liêm

78. 1961- Trường Chân Phước Liêm

79. 1963- Trường Quốc Gia Nghĩa Tử

80. 1965- Trường Kiểu Mẫu Thủ Đức

81. 1966- Trường Bình Chánh

82. 1966- Trường Nhà Bè

83. 1966- Trường Phụng Sự Thánh Minh

84. 1968- Trường Vinh Sơn Liêm

85. 1969- Trường Tân Bình (1973 trở thành Nguyễn Thượng Hiền)

86. 1970- Trường Lasan Thạnh Mỹ

87. 1970- Trường Nguyễn Bá Tòng (Gia Định)

88. Khoảng trước năm 1960 – Trường Trung Mỹ Tây

89. Khoảng trước năm 1968 – Trường Quang Trung

90. Năm không xác định – Trường Phước An

91. Khoảng thập niên 1960-1970 – Tập hợp các trường công lập không chi tiết ở Gia Định

Trường trung học kỹ thuật & Mỹ Thuật ở Sàigòn & Gia Định

92. 1898- Trường kỹ thuật Nguyễn Trường Tộ – Sàigòn

93. 1906- Trường kỹ thuật Cao Thắng – Sàigòn

94. 1913- Trường Quốc Gia Trang Trí Mỹ Thuật Gia Định – Gia Định

95. 1956- Trường kỹ thuật Don Bosco – Gia Định

96. 1959- Trường kỹ thuật Régina Pacis – Sàigòn

97. 1960- Trường kỹ thuật Việt Đức – Thủ Đức – Gia Định

98. 1965- Trường kỹ thuật Quốc Gia Nghĩa Tử – Gia Định

99. 1968- Trường kỹ thuật Gia Định – Gia Định

100. Năm không xác định – Trường kỹ thuật Cao Đạt – Sàigòn

101. Năm không xác định – Trường kỹ thuật Dương Châu Minh- Sàigòn

Phụ trang

102. Các trường chuyên dạy Sinh Ngữ

Để dễ dàng việc định vị các ngôi trường trên, bản đồ Đô Thành Sàigòn và vùng phụ cận , và bản đồ tỉnh Gia Định ấn hành trước năm 1975, được đính kèm dưới đây.

Vì lý do rất hiển nhiên là tất cả các trường trung học trình bày trong tài liệu này đều được xây lên và hoạt động từ trước năm 1975, bài này chỉ dùng các danh từ, ngữ vựng, thành ngữ và các tên đường và địa chỉ đã được đặt ra và xử dụng trước năm 1975 của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa.

Từ những kết quả cụ thể đạt được ,những điểm nổi bậc đáng chú ý được ghi nhận như sau :

• Các trường trung học công lập thành lập bởi người Pháp vào đầu thế kỷ 20 như Chasseloup-Laubat (Jean Jacques Rousseau), Gia Long , Petrus Ký và Chu Văn An… có thể được coi là những nôi đầu tiên đào tạo nhân tài trí thức ưu tú cho xã hội miền Nam Việt Nam;

• Sau hiệp định Genève năm 1954 , bên cạnh những việc tái định cư và ổn định đời sống cho hơn một triệu người Bắc di cư vào Nam, chính phủ Đệ Nhất Cộng Hòa đã nhanh chóng thiết lập lại các trường trung học di cư để cho việc học của các học sinh không bị gián đoạn;

• Sau khi người Pháp về xứ, chính phủ Việt Nam đã chuyển tiếp một cách êm thấm chương trình Pháp sang chương trình Việt trong hai trường Gia Long , Petrus Ký. Đến thập niên 1960, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đã thêm môn Việt Văn vào trong chương trình giảng dạy của các trường Pháp ở Sàigòn, quản trị và điều hành bởi chính phủ Pháp hay các tổ chức tư nhân;

• Vào năm 1958 và nhiều năm kế tiếp sau đó,chính phủ Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa đã thành lập trên 4 vùng chiến thuật toàn cõi miền Nam Việt Nam, một hệ thống trường trung học Văn Hóa Quân Đội để giúp đỡ các con em quân nhân tại ngũ, có nơi chốn học hành ở hậu phương;

• Năm 1963 và nhiều năm kế tiếp sau đó, để tỏ lòng tri ân của quốc gia đối với những người đã cống hiến xương máu hoặc hy sinh cho tổ quốc, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đã mở một hệ thống trường Quốc Gia Nghĩa Tử trên toàn quốc cho các cô nhi, con cái của tử sĩ và thương phế binh. Các trường này có các lớp đến đệ nhị cấp, giảng dạy theo ba chương trình giáo dục phổ thông, kỹ thuật và tổng hợp;

• Nền giáo dục thành lập và để lại bởi người Pháp đã có một ảnh hưởng to lớn và sâu đậm trong nền giáo dục Việt Nam Cộng Hòa. Các trường trung học phổ thông và cả kỹ thuật miền Nam vẫn theo mô hình giáo dục trung học phổ thông Pháp.Tuy nhiên vào đầu thập niên 1960, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đã thử nghiệm một hệ thống giáo dục Tổng Hợp theo mô hình giáo dục Hoa Kỳ. Thành công của cuộc thử nghiệm này đã dẫn tới việc thành lập một hệ thống trường Trung Học Tổng Hợp (còn được gọi là trường Trung Học Dẫn Đạo) trên khắp toàn quốc Việt Nam Cộng Hòa;

• Giáo dục kỹ thuật cũng có những bước tiến đáng kể. Trước năm 1960, Sàigòn chỉ có 2 trường kỹ thuật công lập Nguyễn Trường Tộ và Cao Thắng, xây vào đầu thế kỷ 20 bởi người Pháp. Đến năm 1970, số trường đã tăng lên tới 9 với 7 trường kỹ thuật công lập và tư thục. Nhiều bộ môn chuyên nghiệp mới như Thương Mại, Kế Toán, Doanh Thương, Nữ Công Gia Chánh, Kinh tế gia đình, Dinh Dưỡng… đã được thêm vào trong học trình kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu nhân lực do sự phát triển của kinh tế , thương mại và kỹ nghệ. Vì vậy, trường Nguyễn Trường Tộ ,truyền thống chỉ nhận nam sinh, vào năm 1973 đã mở cửa đón nhận nữ sinh.Vào năm 1971, trường mỹ thuật Gia Định và năm 1973 trường Nguyễn Trường Tộ đã được nâng lên thành trường trung học đệ nhị cấp;

• Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, mặc dầu phải để dành gần như hết tài lực và nhân lực để đối phó với chiến tranh xâm lược liên tục bởi cộng sản miền Bắc, đã thành công gầy dựng được rất nhiều trường trung học công lập mới. Chính phủ đã đặc biệt chú ý tới các quận nghčo của đô thành Sàigòn và các vùng nông thôn xa xôi hẻo lánh của tỉnh Gia Định.Nhiều ngôi trường mới đã được khởi đầu từ các trường tiểu học có sẵn. Một số trường mới khác , gian nan hơn ,đã bắt đầu từ con số không và được xây dựng trên những khu đất không được dự trù để xây cất hay trú ngụ.

Trước năm 1954, Sàigòn- Chợ Lớn và Gia Định chỉ có 5 trường công lập: Hai trường phổ thông Gia Long, Petrus Ký, hai trường kỹ thuật Nguyễn Trường Tộ , Cao Thẳng và một trường mỹ thuật Gia Định để lại bởi người Pháp. Chỉ trong một thời gian ngắn 18 năm từ năm 1954 đến năm 1972, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đã thành lập được bảy mươi bốn (74) trường trung học công lập;

• Sau năm 1954 và vào đầu thập niên 1960, một hệ thống trường trung học tư thục hình thành và phát triển rất nhanh tại Sàigòn- Chợ Lớn và Gia Định để bổ khuyết cho khả năng giới hạn của các trường công lập không đáp ứng được hết nhu cầu gia tăng khối lượng học sinh quá nhanh chóng.Tài liệu [4,6,7] đã có ghi nhận điều này. Đô thành Sàigòn, Chợ Lớn và tỉnh Gia Định có 63 trường trung học tư thục Việt, Pháp và Hoa .

Các trường tư thục được thành lập bởi giáo hội Công Giáo , Phật Giáo và tư nhân. Tuy nhiên chương trình đào tạo học sinh trung học phổ thông của các trường công giáo như trường La San , Nguyễn Bá Tòng ,Chân Phước Liêm, Don Bosco … có thể được coi là hoàn hảo nhất bởi vì ngoài phần văn hóa còn có thêm các sinh hoạt hiệu đoàn ,hướng đạo , văn nghệ, thể thao,công tác xã hội từ thiện.

Nhiều trường tư thục tư nhân như Văn Lang,Trường Sơn, Hưng Đạo, Văn Học, Phục Hưng… đã mời được những giáo sư đầy kinh nghiệm tới từ các trường công lập. Vì vậy phẩm chất giảng dạy của các trường này rất tốt và số học sinh đậu tú tài 2 rất cao chẳng kém trường công lập;

• Các trường trung học Việt ở Sàigòn, Chợ Lớn và Gia Định trước năm 1975 liệt kê trong danh sách trên , đều được đặt bằng tên :

– Của các anh hùng dân tộc thời trước hay danh nhân, được mọi người từ lâu công nhận như: Trưng Vương, Lý Thường Kiệt ,Hưng Đạo, Gia Long ,Nguyễn Trãi , Lê Văn Duyệt , Mạc Đỉnh Chi, Lê Quý Đôn, Chu Văn An, Võ Trường Toản, Cao Thắng, Nguyễn Trường Tộ, Petrus Ký, Phan Sào Nam v.v … ;

– hoặc những tên có ý nghĩa tôn giáo như tên các Thánh Công giáo, Thiên Phước, Phước An, Bồ Đề… ;

– hoặc các danh xưng văn hóa ,văn học xứ sở như Hồng Bàng, Văn Lang, Văn Hiến, Văn Học, Tân Văn, Tân Thạnh, Bác Ái ,Kiến Thiết, Phục Hưng…

Tuyệt nhiên không hề có một trường trung học công lập nào mang tên của các lãnh tụ đương thời dù đó là Bảo Đại, Ngô Đình Diệm hay Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ, kể cả Trần Văn Hương gốc nhà giáo, như đã ghi trong tài liệu [4,5].

Từ sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, các trường trung học kể trên bị bọn ngụy quyền cộng sản tịch thu. Một số trường bị phá hủy để xây cao ốc thương mại,condos, một vài trường trở thành trường dành riêng cho bọn cán bộ đảng, phần còn lại bị đổi quy chế và trách nhiệm giáo dục và bị đổi tên trường với những tên hoàn toàn xa lạ như Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai hay tên của những kẻ khủng bố như Lê Thị Hồng Gấm và cả những khủng bố vị thành niên như Võ Thị Sáu, Lý Tự Trọng …hay tệ hơn nữa, là ngụy tạo Lê Văn Tám, không có thật, đối với quảng đại quần chúng miền Nam là “ngoài giáo dục” (kiêm luôn vô giáo dục ) hay vài cái tên vọng âm hưởng cải tạo ruộng đất đấu tố tràn đầy máu và nước mắt ngoài Bắc ngày xưa như Bổ Túc Công Nông, Đuốc Sống hay cái tên Đồng Khởi dính liền với đặt bẫy, gài mìn , ném lựu đạn khủng bố , đào đường, đắp mô, phá cầu, đòi tiền mãi lộ, ám sát, chặt đầu, trấn nước thả sông, đốt nhà, phá ấp, pháo kích bừa bãi vào trường tiểu học và nhà dân … chính vì nó mà biết bao người dân vô tội vùng thôn quê miền Nam đã mất mạng sống và sau năm 1975, toàn dân Việt Nam mất luôn Tự Do.

Tài liệu tham khảo :
1. Nguyễn Thanh Liêm – Nền giáo dục miền Nam trước 1975 (trích lược) – 01/07/2019.
2. Nam Sơn Trần Văn Chi – Đạo và Đời Qui Nguyên- Viện Nghiên Cứu Đạo Cao Đài – Giáo dục thời Việt Nam Cộng Hòa.
3. Nguyễn Võ Phương Nam – Tiếc nuối nền giáo dục Việt Nam Cộng Hoà (2) – 06/09/2018.
4. Phạm Cao Dương – Sau 44 năm : Nhìn lại thời vàng son của giáo dục VNCH trước năm 1975 – 06/05/2019.
5. Phạm Cao Dương – Những đặc tính truyền thống cơ bản của nền giáo dục miền Nam trước 75.
6. Huỳnh Minh– Gia Ðịnh xưa và nay – Nhà xuất bản Khai Trí -1973.
7. Lê Nguyễn -Ký ức vụn về chuyện học ở miền Nam thời Đệ Nhất Cộng Hòa..

Nguồn: https://baovecovang2012.wordpress.com/2020/10/27/truong-trung-hoc-sg-cl-gd-truoc75/

Những nhân vật có thật trong bài hát bi hùng về người lính của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh

Đông Kha

Lúc sinh thời, cố nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã nói rằng: “Hầu hết những sáng tác của tôi đều viết cho những người bạn thân đã nằm xuống. Chính những sự hy sinh đó đã tạo ra niềm cảm hứng để sáng tác nhạc, chứ không vì bất kỳ mệnh lệnh hay chỉ thị nào của chính quyền”.

Nhạc sĩ Nhật Trường – Trần Thiện Thanh là một người lính thuộc phòng tâm lý chiến, không trực tiếp đối mặt với kẻ thù trên chiến địa. Tuy nhiên ông đã sáng tác rất nhiều ca khúc nói về tâm tình của người lính rất chân thật và đều là những bài hát được người lính yêu mến. Nhạc lính của Trần Thiện Thanh rất sống động, giàu cảm xúc, bởi vì câu chuyện trong nhạc của ông đều có thật, lấy cảm hứng từ cuộc đời những người hùng mà sử sách đã nêu tên, hoặc từ lời tâm sự của những người bạn lính khi ra trận.

Những ca khúc “anh hùng ca” tiêu biểu của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh là Người Ở Lại Charlie, viết cho đại tá dù Nguyễn Đình Bảo, Anh Không Chết Đâu Em để tặng cho Đại úy Nguyễn Văn Đương, bài Bay Lên Cao, viết cho Đại úy phi công Trần Thế Vinh. Ca khúc Tình Thiên Thu Của Nguyễn Thị Mộng Thường được viết dựa trên những dữ kiện có thật vào đầu thập niên 1970. Viết cho chính bản thân mình, Trần Thiện Thanh có bài 16 Trăng TrònBiển Mặn. Viết về những người bạn, Trần Thiện Thanh có bài Bắc Đẩu, viết cho Đại úy Thiết giáp Nguyễn Ngọc Bích, và bài ca bất hủ Rừng Lá Thấp viết cho Đại úy Vũ Mạnh Hùng…

Click để nghe Nhật Trường hát Rừng Lá Thấp

Trong những chân dung bi tráng đó, có lẽ sự hy sinh của người bạn thân, đại úy Trần Duy Phước, đại đội trưởng thuộc tiểu đoàn 9 Nhảy Dù năm 1969 đã để lại vết thương to lớn nhất trong lòng nhạc sĩ Trần Thiện Thanh. Họ là đôi bạn rất thân, thậm chí đại úy Phước còn ghép tên 2 người để làm danh hiệu truyền tin. Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã lấy tâm sự của Trần Duy Phước để viết thành ca khúc Phút Giao Mùa, nói thay nỗi lòng của người bạn trong một phiên gác đêm giao thừa, nhớ về người yêu và những thanh bình trong ngày tháng cũ. Trong phần đề tựa bài hát khi phát hành nhạc tờ, nhạc sĩ ghi: Tặng Phước, Ch\Đ 3 ND.

Click để nghe Nhật Trường hát Phút Giao Mùa

Khi đại úy Trần Duy Phước hy sinh ở Tây Ninh, Trần Thiện Thanh đã khóc bạn mình với ca khúc Giấc Ngủ Trên Đồi Xanh, là bài hát mở đầu cho những ca khúc huyền sử ca về đời lính.

Một người bạn lính khác đã đi vào nhạc của Trần Thiện Thanh rất bi hùng, đó là Thiếu úy Trần Công Thọ, cũng là hôn phu của ca sĩ Như Thủy, là em gái của Trần Thiện Thanh. Ca sĩ Như Thủy hát trong ban tứ ca Nhật Trường trước năm 1975, còn Trần Công Thọ là sĩ quan tốt nghiệp khóa 20 trường Võ Bị Đà Lạt, đã hy sinh năm 1966 ở trận sát vành đai Sài Gòn, thuộc Đức Hòa, tỉnh Hậu Nghĩa, nay là tỉnh Long An. Có thông tin cho rằng trước đó 1 năm (1965) nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã viết Tạ Từ Trong Đêm để nói về sự lưu luyến của đôi uyên ương Trần Công Thọ – Trần Thị Như Thủy trước khi người trai lên đường khoác áo chinh nhân. Bài hát đã được giải ca khúc yêu thích nhất năm 1965 do độc giả báo chí bình chọn.

Click để nghe Phương Dung hát Tạ Từ Trong Đêm

Năm 1966, nghe tin người bạn, cũng là em rể của mình không còn nữa, ngậm ngùi trước mối duyên ngắn ngủi của em gái Như Thủy, nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã mượn tựa đề tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Văn Quang để sáng tác bài Chân Trời Tím – nói thay cho tâm sự của người bạn mình:

Anh biết em, em mơ về nơi chân trời tím
Nghe đáy tim mơ ước khi ta tròn đôi
Nhưng anh biết muôn đời muôn kiếp sau
Anh với em không hề đến gần nhau…

Trong lời đề tựa bài hát này trên tờ nhạc, tác giả ghi: “Cho Thọ và N.Th”.

Click để nghe Thanh Lan hát Chân Trời Tím

Cũng trong niềm tiếc thương thiếu úy Trần Công Thọ, nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã viết 1 ca khúc khác để tưởng nhớ, cũng như nói thay lời Trần Công Thọ đối với Như Thủy, đó là bài Lời Cho Người Yêu Nhỏ, viết về một khát vọng đã không thể nào có được:

Nếu một mai khi hòa bình
Anh sẽ dìu em qua lối xưa
Cho từng ngón tay đan lại
Ái ân ngọt mềm

Dù mưa qua vùng giá rét
Trời xanh trong lòng đôi ta
Mình yêu nhau như khi vừa mới biết nghe em…

Bài hát này, đặc biệt được ca sĩ Như Thủy hát trước năm 1975, hát cho tâm sự của chính mình. Mời các bạn nghe lại sau đây:

Click để nghe Như Thủy hát Lời Cho Người Yêu Nhỏ

Đông Kha
Nguồn: nhacvangbolero.comhttps://nhacvangbolero.com/nhung-nhan-vat-co-that-trong-bai-hat-bi-hung-ve-nguoi-linh-cua-nhac-si-tran-thien-thanh/

Cái Hòm Thiếc – Hoàng Long Hải

Hoàng Long Hải

(truyện có thật, tác giả hư cấu vài chi tiết)    

“Một chàng phiêu lãng

Ôm đàn tới giữa đời…”
(Tà Áo Văn Quân – Phạm Duy Nhượng)

oOo

Gần cuối tháng Tư/ 1972, từ miền Tây, tôi trốn phép về thăm nhà. Vừa gặp nhau, vợ tôi nói ngay:

– “Anh L. vừa từ Đà Nẵng gọi về. Anh ấy nói tình hình Quảng Trị không êm, Việt Cộng đã vượt Bến Hải, không chắc giữ được Quảng Trị. Anh ra ngoài ấy đi.”

Nếu Quảng Trị chạy loạn thì nhiều khó khăn lắm. Gia đình tôi, bên ngoại và gia đình nội-ngoại bên vợ tôi đều là dân Quảng Trị cả. Không biết bà con chạy cách nào, chạy đi đâu!

Hôm sau nữa, xin được máy bay quân sự, mới sáng sớm, tôi nhờ xe trực ở Bộ Chỉ Huy Thiết Giáp đưa vô phi trường Tân Sơn Nhứt.

Ở trạm hành khách, một số đông người đang chờ lên máy bay. Phần đông là quân nhân, mặc đồ lính. Binh sĩ, hạ sĩ quan, sĩ quan cấp úy. Một số là dân sự: đàn ông, đàn bà. Không có trẻ em. Tôi nghĩ thầm: Toàn dân nhà nghèo không! Mấy ông lớn chắc là đi Air Việt Nam, khỏe hơn.

Chờ chưa được nửa tiếng, một anh Trung sĩ Không quân, đứng ngay cửa ra phi đạo hô lớn: “Ai đi chuyến bay số xxxx, theo tôi lên máy bay.”

Nhiều người sắp hàng đi ra. Tôi đi gần chót, trước mặt là hai ông bà già, có lẽ vợ chồng nhà quê. Người chồng mặc áo sơ mi trắng, màu cháo lòng, lưng áo lỗ chỗ nhiều vết thâm, vết chất dơ giặt không đi. Vậy mà cũng “áo bỏ vô thùng”, quần tergal hay dacron gì đó, màu xanh sẫm, chân mang đôi “dép mũ” màu trắng.

Bà vợ áo kiểu bà ba, mầu nâu nhạt, quần đen, chân mang dép Nhật. Ông chồng thì xách cái va-li bằng thiếc, không to lắm, thứ hàng nội hóa, Chợ Lớn sản xuất, chợ Việt Nam nơi nào cũng có bán.

Cái va-li còn mới lắm, mới dùng lần đầu. Người vợ xách cái bị vải lớn, hơi nặng. Có lẽ đựng áo quần. Cả hai đều già, khoảng gần 70 tuổi. Người nhà quê lam lũ, thường già trước tuổi. Sau lưng tôi là mấy anh lính trẻ.

Tới gần cửa máy bay, mấy anh lính chen lên, cố giành lên trước. Tôi cũng dợm tranh với họ, nhưng hai ông bà già trước mặt, vẫn đi bình thường, làm tôi thấy kỳ, nếu tôi vượt mặt họ, nên thôi.

VNAF Fairchild C-119G Flying Boxcar at Pleiku Air Base. | Vietnam war,  Vietnam, Military photos

Tấm bửng sau chiếc C-119 hạ thấp xuống để mọi người vô trong máy bay. Một anh Trung sĩ Không quân khác, đứng ngay chỗ mép cửa, hỏi giấy phép lên máy bay từng người. Ông già nhà quê đưa giấy tờ ra, ông đã cầm sẵn ở tay. Bà vợ đứng bên cạnh im lặng.

Anh trung sĩ coi giấy tờ xong, đưa mắt nhìn vào cái va-li thiếc hơi lâu một chút. Tôi không rõ vì sao. Xong, anh bảo: “Lên đi”. Hai người đi vào. Tôi là người lên máy bay sau cùng.

Vào tới bên trong, tôi thấy chỉ còn một cái ghế vải sát cạnh hai ông bà già. Tôi liền ngồi xuống đó. Tiếng động cơ đang chạy ầm ầm, có lẽ chuẩn bị cất cánh.

Loại ghế trên máy bay quân sự là loại ghế xếp dã chiến, nằm sát thân tầu. Ngồi xuống thì cũng có giây “beo”, cũng gài vào móc một cái cạch như ghế xe hơi bên Mỹ vậy. Trong máy bay, ai muốn thắt giây “beo” thì thắt, còn không thì thôi. Mấy ông trung sĩ phục vụ trên máy bay chẳng nhắc nhở ai, không như ở Air Việt Nam, tiếp viên hàng không đi nhắc nhở và kiểm soát từng người.

Tiếng động cơ gầm rú mạnh hơn, rồi thân máy bay giựt mạnh một cái. Nhìn qua ô cửa tròn nhỏ, tôi thấy ngôi nhà kế phi đạo đang chạy lui. Vậy là máy bay ra phi đạo.

Tới cuối đường để ra phi đạo rồi, tiếng máy bay lại gầm rú. Tôi nghĩ là phi công chuẩn bị cất cánh. Nhưng tiếng động cơ lại rú lên, lại xuống, lại rú lên, lại xuống, mấy lần như vậy. Cuối cùng, tôi có cảm tưởng như máy bay quay lui.  Máy bay dừng lại. Tôi nhìn ra qua ô cửa tròn, mái nhà lúc nãy lại hiện ra. Có nghĩa là máy bay không cất cánh, trở về chỗ cũ.

Mọi người vẫn ngồi yên trong phi cơ. Tôi lại nghe tiếng xe hơi ngừng lại bên ngoài máy bay. Cửa phía phi hành đoàn mở. Hai người mặc đồ không quân lên chỗ phòng lái. Lại có tiếng động cơ gầm rú hai ba lần như thế.  Cuối cùng, hai người mới lên lại xuống. Tiếng động cơ gầm lên. Máy bay lại di chuyển. Có lẽ lại ra đầu phi đạo.

Cũng tới ngay chỗ cũ, hồi nãy, tôi lại nghe tiếng động cơ gầm rú. Tiếng rú lại hạ xuống, lại gầm rú lần nữa. Mấy lần như thế. Cuối cùng, máy bay ra đầu phi đạo. Tiếng động cơ rú lên, dài hơn, và máy bay cất cánh. Nhìn qua cửa ô tròn nhỏ, tôi thấy những cái dấu mốc hai bên phi đạo chạy lui rất nhanh.

Máy bay đã rời mặt đất. Bây giờ nhìn ra phía ngoài, chỉ thấy trời và mây. Máy bay lên chưa cao lắm, tôi có cảm tưởng máy bay nghiêng vòng. Chắc là để lấy hướng, tôi nghĩ vậy. Nhưng không phải. Tiếng động cơ kêu nhỏ trở lại. Một chốc tôi lại nghe tiếng bánh xe chạm phi đạo, và tiếng bánh xe đang chạy. Máy bay lại hạ cánh. Tôi không rõ chuyện gì.

Khi máy bay dừng lại chỗ cũ, chỗ đầu tiên lên máy bay. Mọi người được lệnh xuống, không nói rõ vì sao! Cánh quạt đã ngưng quay.  Hành khách kẻ đứng người ngồi xổm bên cạnh thân phi cơ.  Tôi thấy người Trưởng phi hành, mang “loon” thiếu tá, tên ở ngực là Lan, có thể là Lân – Đàn ông ít ai có tên đàn bà, – đến trước mặt tôi. Tôi tưởng ông ta muốn nói gì với tôi, nhưng không. Ông nhìn ông già tôi nói ban nãy, đang đứng cạnh tôi, tay đang ôm cái va-li.

Thiếu tá Lân hỏi xẵng giọng:
-“Ông có giấy phép không?”
-“Dạ có.” Ông già trả lời lí nhí.
-“Giấy phép cái va-li kìa!” Thiếu tá Lân vẫn gằn giọng.

Ông già lập cập lấy trong túi áo một tờ giấy quay rô-nẹ-ô, có chữ viết tay. Xem xong, Thiếu tá Lân trả lại cho ông già, bỏ đi.  Ông già gần như khóc, hai mắt đỏ hoe. Bà vợ khóc thút thít, không dám khóc to.
Tò mò, tôi hỏi:
-“Cái chi dzậy?”
-“Dạ! Ông Thiếu tá hỏi giấy phép đem hài cốt lên tàu bay. Tui có giấy đó.” Ông già trả lời, giọng nhỏ, từ tốn.
-“Bác bốc mộ cho ai?” Tôi lại hỏi.
-“Con trai tui. Nó đi lính Nhảy Dù, tử trận.”

Tôi im lặng. Dân “Quảng Trị tui” có cái lạ! Đi lính, ưa đi “thứ dữ”. “Hùng móm” em út tôi cũng vậy. Ra trường, cố đi cho được Nhảy Dù. Cẩm, bạn tôi, em Đại tá Bé, là “dân Biệt Động Quân”, trước đó là “Nha Kỹ Thuật.” Ông Lô, cũng Nhảy Dù. Dục, bạn tôi và hai ông em nó, Dưỡng, Lữ đều Thủy Quân Lục Chiến.

Rồi tôi nghĩ tới việc ông Thiếu tá Lân hỏi giấy phép mang hài cốt đứa con của ông già. Dân xứ tôi hay tin dị đoan. Đem hài cốt lên xe đò, xe hàng hay lên máy bay là xui. Có khi tài xế không cho mang hài cốt lên xe, nên thân nhân phải giấu. Chỉ đi xe lửa là không ai hỏi.

Thân phụ tôi “đi kháng chiến” qua đời trên chiến khu năm 1948. Năm 1954, hòa bình rồi, anh em tôi lên chiến khu bốc mộ đem về. Tới nhà, mẹ tôi phải dựng một cái chái tranh bên kia đường, chỗ đất trống để cái va-li thiếc đựng hài cốt ở đó. Theo tục lệ, người ta cử đem hài cốt vô nhà. Anh Xạ Thử, lý trưởng phường tôi, nói với mẹ tôi: “Nể tình chị, chớ tục của mình, đem về làng, người ta cũng cấm.”

Nghĩ tới đó, nhìn lại, tôi thấy ông bà già có vẻ sợ hãi chớ không như lúc đầu, khi tôi mới gặp ông. Có lẽ ông sợ người ta sẽ không cho ông đem hài cốt con ông lên máy bay.  Một lúc sau, mọi người được hướng dẫn lên một chiếc C-119 khác. Người ta đổi máy bay nhưng cũng toán phi hành cũ. Chuyến bay bình thường, cất cánh rời phi đạo, êm ru.

Ngồi trên máy bay lâu quá, tôi hơi bồn chồn. Tôi nghĩ sao máy bay chưa hạ cánh. Họ có bay lạc không? Tôi có cảm tưởng như máy bay đã ra tới Đồng Hới, không chừng Việt Cộng bắn lên mà rớt máy bay như không. Hỏi ra, anh Trung sĩ Không quân cho biết “Mới tới Quảng Ngãi.”  Máy bay chi mà chậm như rùa, như “Chuyến Xe lửa mồng năm” của Trần Văn Trạch.

Suốt trong chuyến bay, có lúc tôi hỏi chuyện ông già. Một là vì thấy ông là người cùng quê: Quảng Trị. Quê ngoại tôi ở đó, bên kia sông, làng Nhan Biều. Bên nầy sông là thị xã Quảng Trị.

Tôi sinh ra, lớn lên, học hành thời thơ ấu là ở thị xã. Năm 16 tuổi, tôi trốn nhà đi xa, làm một kẻ, như các bạn tôi thường gọi: “Thằng lãng tử”. Vậy là gần hai mươi năm, tôi từ miền Tây Nam Bộ, cực nam của nước Việt Nam Cộng Hòa, về thăm Quảng Trị, ở vĩ tuyến 17, cực Bắc Việt Nam Cộng Hòa. Vậy là không biết, trong đời nầy, có ai đi xa hơn tôi?

Thứ hai, tôi thấy tội nghiệp cho hai ông bà già. Lặn lội đường xa, từ ngoài kia, “về Thủ Đô”, không phải để làm một du khách, thưởng ngoạn mà làm kẻ bốc mộ cho con, đem về quê.
Tôi hỏi:
-“Con bác chôn ở đâu?
-“Ở nghĩa trang Quân Đội Gò Vấp.” Ông già trả lời.
-“Tui tới đó rồi. Nghĩa trang đó cũng đẹp lắm, để nó ở lại đó cho có bạn bè, đem về quê làm chi?” Tôi lại nói.
-“Đem về cho nó nằm chung với ông bà, cho ấm mồ ấm mả thiếu úy à!” Ông già nói. Ông gọi tôi là thiếu úy vì thấy tôi đeo trên cổ áo một bông mai vàng.
-“Quê bác ở mô?” Tôi hỏi.
-“Ở Lai Phước. Thiếu úy biết làng đó không?”Ông già hỏi lại tôi.
-“Làng đó có cây cầu trên Quốc lộ 1. Còn có cây cầu sắt trên đường xe lửa nữa, phải không?” Tôi hỏi.
-“Thiếu úy rành lắm!” Ông già trả lời tôi.
-“Hồi còn nhỏ, tui học ở thị xã mà, hay ra Đông Hà chơi! Con gái Đông Hà đẹp lắm! Ông biết không?” Tôi vừa cười vừa nói chuyện với ông.
-“Tui quanh quẩn trong làng, không biết chi hết. Ngày mô (nào) đi làm củi, tui đi dọc theo đường từ cầu ván, lên cầu sắt rồi lên rú.”

Tôi hiểu cầu ván là cầu xe hơi trên Quốc lộ, còn cầu sắt là cầu xe lửa.

Cuộc nói chuyện với ông già không có gì hứng thú; một là vì tiếng động cơ kêu đều nhưng cũng to, nhiều khi không nghe rõ ông ta nói gì, tôi chỉ đoán chừng. Thứ hai, tôi cũng thấy buồn ngủ. Khi còn ở đơn vị, tôi ít ngủ. Hai hôm về nhà thì một hôm đưa vợ đi nghe nhạc ở Queenbee, về khuya. Sáng nay lại dậy sớm ra phi trường.

Xuống máy bay, vô tới “trạm hành khách” thì tình hình náo động lắm. Kẻ lui người tới vội vã, người nầy người nọ bàn tán xôn xao.

Té ra là Quảng Trị đã mất hôm qua, ngày 1 tháng 5. Quân đội đang trên đường rút lui. Bấy giờ chưa mấy ai biết lệnh Tổng Thống buộc binh sĩ phải dừng lại bên nầy sông Mỹ Chánh, lập tuyến phòng thủ.

Đồng bào Quảng Trị chạy tán loạn về Huế. Việt Cộng từ trong núi pháo kích ra, hàng ngàn người chết trên “Quốc Lộ mới”, đoạn phía Nam Cầu Dài, phía dưới kia, trên Quốc lộ 1 cũ là cầu Bến Bá, còn gọi là cầu Trường Sanh, trên sông Trường Sanh, còn có tên là sông Diên Trường (1). Mấy hôm sau, báo chí đưa tin, đặt tên cho đoạn đường nầy là “Đại Lộ Kinh Hoàng”.

Huế cũng hoảng loạn theo. Chợ Đông Ba bị đốt cháy. Dân Huế tranh nhau vượt đèo Hải Vân, chạy trốn vào Đà Nẵng.

Tôi lo lắng, băn khoăn, lúng túng không biết phải làm gì bây giờ. Tôi tìm một chỗ ít ồn hơn, ở phía góc trong của “trạm hành khách”, bình tĩnh một chút, tôi nghĩ thầm để coi phải làm gì trong khung cảnh náo nhiệt hỗn loạn và đầy lo lắng nầy.

Tới góc phòng, tôi thấy hai ông bà già đang ngồi lọt thỏm trong góc nhỏ. Ông già vẫn còn khư khư ôm cái va-li thiếc trước ngực. Thấy tôi, ông nhìn tôi, như muốn hỏi gì đó mà không dám hỏi.

Tôi thấy ái ngại cho ông, lên tiếng trước:
-“Bác nghe tin gì chưa?”
-“Dạ, nghe rồi!” Ông già trả lời.
-“Không chắc về Quảng Trị được đâu. Tình hình nầy là chạy hết rồi, làm “răng” (sao) về?” Tôi nói.
-“Tui ở “già” (nhà) quê, chắc không phải chỗ hai bên đánh “dau” (nhau), về được.” Ông già trả lời.
-“Không chắc có xe mà về. Người ta chạy vô, có ai chạy ra.” Tôi giải thích.

-“Dạ! Không biết răng!” Ông già nói. Giọng nói nhỏ và yếu, tưởng nhưng không mấy hy vọng.

Bất thần có người gọi tôi “Cậu”. Nghe giọng quen, tôi quay lại. Té ra Tịnh, một người cháu gọi tôi bằng cậu, sáng nay nghe vợ tôi gọi điện thoại ra, cho biết “Cậu ra Đà Nẵng rồi” nên lái xe đến đón tôi. Anh làm tiểu Đoàn Phó cho Tiểu Đoàn Truyền Tin, được cấp xe Jeep riêng. Trước khi quày đi theo người cháu, tôi nói với ông già: “Bác liệu tìm xe ra ngoài đó. Nhớ tránh mấy chỗ đang đánh nhau.” Chưa kịp nghe ông già trả lời gì, tôi len vào đám đông đi mất.

Tối hôm đó, tôi định mượn xe gắn máy của Tịnh để đi tìm thân nhân chạy loạn từ ngoài kia vào. Tịnh nói:
-“Cậu không đi được đâu! Hai bữa nay, Đà Nẵng giới nghiêm 6 giờ chiều. Để Tịnh đưa cậu đi. Xe cháu có phép đi trong giờ giới nghiêm.”

Hôm đó, nhờ Tịnh, tôi đi thăm vài nơi. Em gái tôi, cùng mấy đứa con, chạy từ Huế vào tạm trú nhà bà con ở đường Bạch Đằng, người chồng nó phải ở lại với đơn vị, Bệnh Viện Nguyễn Tri Phương Huế; chị và anh rể vợ tôi từ Quảng Trị chạy vào tạm trú bên Sơn Chà. Gia đình anh tôi và mẹ tôi thì đã chạy vào Qui Nhơn. Nhiều người nữa, nhưng không liên lạc được, không biết địa chỉ…
Sau khi đưa tôi về nhà, Tịnh lại vào doanh trại.

Khuya lắm, anh ta mới về. Tôi vẫn còn thức, đang băn khoăn, lo lắng, không ngủ được. Chúng tôi ngồi ở phòng khách uống nước. Tịnh nói:
-“Lệnh Tổng thống không cho quân đội rút lui nữa, phải lập phòng tuyến chận địch ở sông Mỹ Chánh. Tin còn mật, nhưng vài người ở Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn đã biết: Tướng Trưởng ra thay Tướng Lãm – (2). Mai cháu phải đi Huế. Nhiều đơn vị Tổng Trừ Bị đang trên đường ra Đà Nẵng. Khuya nay hay sáng mai họ đến. Phải giữ Huế, không được mất. Lệnh Tổng Thống đấy.”
-“Có chuyện chi gấp không mà phải đi trong tình hình nầy?” Tôi hỏi.
-“Vừa quan trọng vừa gấp. Tiểu đoàn ở đây, (3) lo việc liên lạc giữa Quân Đoàn với Saigon. Tịnh phải ra củng cố và phát triển một đài truyền tin của Tiểu Đoàn ở Huế, giữ nhiệm vụ truyền tin, không được trở ngại hay gián đoạn của các đơn vị đang đánh nhau liên lạc với Quân Đoàn. Truyền tin mà có chuyện gì thì mệt lắm!”
Một lúc, tôi nói:

-“Tui đi với được không?”
-“Được thì được, nhưng cậu ra làm gì ngoài? Về tới Huế thôi, không về Quảng Trị mình được.”
-“Dĩ nhiên, dù sao ở Huế cũng gần hơn, hỏi thăm được tin tức, coi có ai còn kẹt lại.” Tôi nói.
-“Không an toàn lắm đâu!” Tịnh giải thích.
-“Ông ở truyền tin, ông biết chỗ nào đánh nhau, chỗ nào không. Biết thì tránh được. Chắc không can gì!” Tôi nói.
-“Chỉ sợ bắn sẻ, nhất là ở trên đèo (4). Mới rồi, một người bà con bên mợ bị bắn sẻ ngay trên đèo. Trúng ngay đầu.” Tịnh nói.

Sáng hôm sau, Tịnh vô đơn vị sớm. Chị tôi, mẹ của Tịnh cũng dậy sớm, nấu bún bò cho tôi ăn sáng. Khi đó hai vợ chồng Tịnh đã đi rồi. Tịnh vô trại, còn vợ Tịnh đi làm.
Bún bò bà chị tôi nấu không có giò heo, giống như ở quê tôi hồi trước, nhưng thịt bò xào lăn thì hết sẩy. Biết tôi thích ăn những món do bà nấu, chị ấy bảo tôi: “Cậu ở chơi vài “bựa” (bữa) chị kho cá nục cho ăn.”  Tôi không chắc chị tôi biết nấu những món cao lương mỹ vị, nhưng cá nục kho, cá ngừ kho, rau muống luộc, tôm chua thịt heo, v.v… thì ăn một bữa, một đời khó quên.

Gần trưa thì Tịnh về, ăn qua loa vài chén cơm cùng với tôi rồi hối tôi mặc quần áo quân nhân đi gấp. Tịnh nói đùa:
-“Đi với cháu là đi hành quân, không phải vô lớp giảng bài đâu mà thắt cà vạt.” (5)
-“Mặc xi-vin dễ thành mục tiêu cho tụi nó bắn sẻ, ông sợ tôi chết trước ông chớ gì. Còn lâu! Số tôi thọ lắm. Nhưng có chuyện gì cũng mệt đấy.”
-“Mệt gì?” Tịnh hỏi.
-“Tui trốn phép, lỡ có bị thương hay gì, khó khai báo. Đơn vị ở trong Nam mà tôi bị thương ngoài Trung, lại không có giấy phép hay công tác gì cả.” Tôi nói.
-“Kệ! Không can gì đâu. Có gì cháu lo.”

Xong, chúng tôi lên đường. Thấy tôi nhìn chiếc xe Dodge, không đi xe Jeep, có vẻ ngạc nhiên, Tịnh nói ngay:
-“Cháu phải đi xe Dodge vì có thêm mấy chuyên viên, chở theo linh kiện. Cậu ngồi phía sau, ngay sau lưng cháu.”

Thế rồi chúng tôi lên đường, sau khi chào bà chị, Tịnh thì chào mẹ. Vợ Tịnh đi làm chưa về. Xe có tất cả 7 người: Tài xế, Tịnh, mấy trung sĩ chuyên viên truyền tin và tôi.

Xe bon bon ra hướng Liên Chiểu. Tới ngã ba Cây Lan, chỗ Quốc lộ 1 có đường rẽ đi về phía Nam, xe và người đông quá, nên tài xế chạy chậm lại. Tôi chợt nhìn qua bên đường, thấy ông già và vợ ông, người đồng hành hôm qua, đang đứng bên đường. Tay ông vẫn khư khư ôm cái va-li thiếc ở ngực, tôi chợt nói: “Ông bà già!”
Tịnh hỏi ngay:
-“Ông bà già cậu kể hồi tối hả?”
Tôi nói: “Đúng họ.”
-“Chắc họ không kiếm được xe ra Huế. Bây giờ làm gì có xe ra!”
Rồi Tịnh ra dấu cho tài xế biểu ngừng xe lại.
-“Tịnh cho ông ta quá giang hả?” Tôi hỏi.
-“Để cháu hỏi lại coi.” Xong, Tịnh bảo tài xế cho xe “de” lui.
Thấy ngại, tôi nói:
-“Ông ta có cái hài cốt đấy. Tịnh có ngại không?”
-“Cháu biết! Cháu muốn làm phước cậu à. Để cái đức cho con. Tin dị đoan làm gì.” Tịnh giải thích.
oOo

Chúng tôi ra tới Huế, trời cũng còn sáng. Trời mùa hè! Tịnh cho xe chạy thẳng ra bến xe Nguyễn Hoàng, nói với ông bà già: “Hai bác xuống đây. Không có xe về Quảng Trị đâu, hai bác phải liệu cách.”
Hai ông bà già xuống xe, tôi xuống theo. Tôi nói với Tịnh: “Để chỉ đường cho ông ta đi, họ không biết đường đâu!”

Tôi đứng trước mặt ông già, nghiêm trọng nói:
-“Từ đây, bác có thể ra Mỹ Chánh bằng xe ôm. Không có xe đò gì đâu! Từ Mỹ Chánh ra, bác không thể đi theo Quốc lộ được. Hai bên đang đánh nhau. Vô đó là chết. Đi đường nầy may ra êm hơn: Từ Mỹ Chánh, bác đi dọc theo con đường bên sông Ô Lâu mà về làng Vân Trình. Từ đó, bác ra ngã làng Trung Đơn mà về Ngô Xá. Từ Ngô Xá, băng qua Vân Hòa, Đại Hào, rồi qua sông Thạch Hãn mà qua Trung Kiên. Từ đó mà về Lai Phước thì dễ lắm.”

Ông già cứ ôm cái va-li thiếc vào mình, nói luôn miệng:
-“Cám ơn thiếu úy. Cám ơn ông Đại úy. Cám ơn mấy thầy. Thiệt phúc hậu quá. Vợ chồng tôi gặp may.”

Tôi hơi bực mình, nói:
-“Cám ơn chi nói hoài. Mấy cái làng tui nói tên, bác có nhớ mà đi qua không?”
-“Dạ nhớ! Mấy làng đó tui biết.” Ông già trả lời.

Tịnh hỏi tôi:
-“Sao cậu rành địa thế vậy? Đi chơi khi nào mà biết hết!”
-“Đi chơi đâu!” Tôi nói, “Hồi chạy tản cư, vùng đó tui có chạy qua. Dân Quảng Trị mà!”

Tôi quay qua nói với ông già:
-“Mình người cùng quê giúp nhau. Ông Đại úy nầy, – Tôi chỉ Tịnh – người làng Cổ Thành. Ngoại tui là bên Nhan Biều, gần làng bác đó!”

Ông già vẫn cứ khư khư ôm cái va-li thiếc vào ngực, mặt mếu máo, nói:
-“Thiệt là hai vợ chồng tui gặp may. Ông bà với con tui phù hộ mới gặp được mấy thầy. Cám ơn Trời Phật, Cám ơn Trời Phật.”

Tịnh nói: “Thôi bác vô trong bến xe tìm xe ôm đi đi. Ra tới Mỹ Chánh là trời tối lắm. Lại còn đi theo con đường cậu tôi chỉ, không dễ lắm đâu.”
Ông già nói: “Dạ! Cám ơn Đại úy. Tui biết đường!”

Khi ông già tính quay đi, Tịnh nói theo:
-“Vừa đi vừa hỏi dò đường người ta. Nghe chỗ nào có lính, có súng nổ thì đừng tới. Nghe chưa?”

Ông già lại “dạ, dạ” thêm mấy tiếng nữa, rồi đi nhanh vô bến xe.
Tịnh nói với tôi: “Con sống cũng khổ, con chết cũng khổ. Thiệt làm cha mẹ…”

 Hoàng Long Hải
………………………………..

(1)-Sông Trường Sanh, còn gọi là sông Diên Trường, có “bến đò Diên Trường”, chỗ có câu hò:
Trăm năm “diều” (nhiều) nỗi hẹn hò,
Cây đa bến “cộ” (cũ) con đò khác đưa
Cây đa bến cộ còn “lưa” (còn lại)
Con đò đã “thác” (chết) năm xưa “tê” (kia) rồi.
(2)-Tịnh là em rể Tướng Lãm, có lẽ vì vậy nên anh ta biết tin ấy sớm hơn những người khác.
(3)-Tiểu Đoàn 610 Truyền Tin, đóng ở Đà Nẵng – đơn vị của Tịnh
(4)-Tôi đi dạy 10 năm trước khi nhập ngũ.
(5)-Đèo Hải Vân, xe Quân Đội qua đèo, thường bị bắn sẻ.

Nguồn: https://www.tvvn.org/cai-hom-thiec-hoang-long-hai/

Tấm Lòng Của Mẹ

  • Nguyễn Minh Thanh

“Lá vàng còn ở trên cây
Lá xanh rụng xuống Trời hay chăng Trời..!!”

Lòng của Mẹ mãi ghi ngày hôm ấy
Mới hừng đông Mẹ tiễn bước con đi
Mái đầu xanh bịn rịn khoát chiến y
Rồi giũ bóng tà huy không về nữa..!!

Mẹ: từng đêm … để tai ngoài hiên cửa
Lắng chân con gieo bước trở vê nhà
Dẫu biết rằng con trẻ đã phôi pha
Thân vùi dập nơi đồi mây hóc đá..!!

Mẹ: từng đêm…đèn dầu chong buồn bã
Vẫn mơ con có lúc sẽ quay về
Hắt hiu đèn cho trẻ hướng đường quê
Ngôi nhà cũ bên hông trồng cội khế

Nếu như con hồn sương nương bóng quế
Nhà có đèn chắc dễ việc nhận ra
Giữa chính đường thờ phượng quí Ông Bà
Phía bên trái là giường Ba với Mẹ

Từ hung tin, Ba con ngùi lặng lẽ
Cội tòng già chẳng kể uống ăn chi
Mắt xa xăm ghé núi phủ xanh rì
Và mường tượng con đang nằm đâu đó..!!

Đêm nguyệt tận, Mẹ mơ vầng trăng tỏ
Nhớ thương con vò võ biển mênh mông
Dòng sông sâu nước lớn có khi ròng
Nhưng lòng Mẹ không bao giờ suy suyển !!

Ôi, lòng Mẹ nghẹn ngào cơn quốc biến
Dõi theo con ngọn gió chuyển đường mây
Nghe đạn bom thắt thẻo héo thân gầy
Thầm khấn nguyện con mình còn nguyên mạnh..!!

Nếu môt mai đường bay chim gãy cánh
Thì quạnh hiu trơ cảnh cội mai già
Ngày qua ngày ủ rũ lá sương pha              
Thân cằn cỗi dần dà ra thiên cổ..!!

Ôi, chiến tranh, chiến trường tươm máu đỏ
Biết bao chàng trai trẻ đã hy sinh ?!
Và, biết bao Bà Mẹ khóc con mình ?!
Từ thuở có loài người trên trái đất..!!

Hỡi, Đức Chúa.Toà sen ngời Đức Phật
Hỡi, quí Ngài hằng thương xót chúng sinh
Trổ thần thông dẹp hết chuyện đao binh
Cho nhân loại hòa bình trong vĩnh cữu..!!!

Nguyễn Minh Thanh

Nguồn: https://hung-viet.org/p22826a27906/tam-long-cua-me

Người Thủy Thủ Giang Đoàn 21&33 Xung Phong – Nguyên Văn Ơn

Nguyên Văn Ơn

Huy hieu GD21XP
HUY HIEU GIANG DOAN 33 XUNG PHONG

Theo sử gia Bill Laurie (1) thì QLVNCH đã có sự thay đổi đáng kể về quân số cũng như khả năng tác chiến vào những ngày Tết-Mậu-Thân 1968 cho đến ngày Quốc hận 30 tháng 4 năm 1975. Mặc dầu chiến tranh VN đưọc cả thế giới lần đầu tiên gọi là cuộc chiến trên truyền hình (The first televised war), nhưng giới truyền thông thường làm ngơ trước các thành tích đáng kể của QLVNCH – một binh chế có trên một triệu quân – khiến cho dân chúng Hoa-Kỳ cách xa bán đảo Đông-Dương gần nửa trái đất, không thể nào biết được việc gì đã xảy ra tại nơi đó. Hậu quả của sự làm ngơ thiếu công bằng này làm cho sách sử không có đủ chứng liệu thật sự nhằm lưu lại cho hậu thế. Laurie cũng nhìn nhận, ngoài việc một số hảng thông tấn chạy theo lợi nhuận quá đáng cũng còn có không ít ký giả mang cái nhìn thiên kiến rõ rệt (Media of bias), vì sợ mất lòng CSBV nên không dám đề cao tinh thần chiến đấu của QLVNCH, điểm mạnh tích cực của Quân đội miền Nam lúc bấy giờ. Laurie còn nhắc lại rằng học giả uyên bác hàng đầu về chiến tranh VN tại Mỹ là Douglas Pike, trong quyển History of Vietnamese Communism 1925-1976 Hower Institution Press 1978, cũng đi đến kết luận là CSBV và con đẻ Việt-Cộng của họ đã bị QLVNCH đánh đại bại trong hai chiến dịch lớn Tết-Mậu-Thân và Hè-Đỏ-Lửa tại miền Nam; lý do là chiến thuật và tinh thần quân tranh của Quân đội miền Nam vượt trội hơn bất kỳ một Sư đoàn tinh nhuệ nào của miền Bắc. Bất bình trước những lời buộc tội vô căn cứ của một số đông ký giả chưa hề đặt chân đến chiến tuyến như David Halberstam chẳng hạn – người thắng nửa giải Pulitzer 1964 – thường đổ riệt cho QLVNCH là không đủ sức đánh nhau, nên sử gia Laurie quyết định tổ chức cuộc hội luận” Nghĩ lại và tái thẩm định QLVNCH sau 30 năm – RVNAF: Reflection and Reassessment after 30 years”, tại đại học Texas Tech vảo tháng 3/2006 và cho ông Nguyễn-Tiến-Việt dịch bài thuyết trình này ra Việt ngữ nhằm phổ biến rộng rãi trên các nhật báo cùng tuần san địa phương.

Cần nói thêm là trong thời gian phục vụ tại VN, Thiếu tá Laurie đã bỏ ra thật nhiều công sức sát cách thường xuyên với quân binh chủng thuộc Vùng 4 Chiến-Thuật đang hành quân để được tận mắt mục kích chiến trường. Dựa vào quá trình này, trong khi thuyết trình, Laurie thỉnh thoảng kể lại câu chuyện bên lề, trích từ Nhật ký công tác Mỏ-Vẹt (Parot’s Beak Border Diary) bên cạnh, đưa ra những thí dụ cụ thể để thu hút thêm sự chú ý của cử tọa. Trong đó có kế hoạch đặt máy báo động điện tử (Remote Electronic Detection Devices: ADSID Sensor)(2) vùng phía bắc kinh Lagrange do Laurie thực hiện đã cứu đến hàng trăm sinh mạng quân nhân QLVNCH và gia đình họ trong Căn cứ Hải quân Tuyên-Nhơn kể cả Chi khu Tuyên-Nhơn sát nách, khi Đoàn đặc nhiệm 232 Việt-Cộng/CSBV do tướng Lê-Đức-Anh chỉ huy (3) tấn công tàn bạo vào đây hai lần, hồi đầu năm 1975.
    Nhờ hệ thống Sensor tầm xa báo động sớm mà HQ/Thiếu tá Lê-Anh-Tuấn, Chỉ huy trưởng Giang đoàn 43 Ngăn-Chận trú đóng nơi này mới có quyết định áp dụng chiến thuật phòng thủ thích hợp nhất, đánh hai trận phòng ngự tuyệt vời bẻ gãy mưu đồ của đoàn 232 định san bằng căn cứ này (3). Cũng qua buổi hội luận, người ta được biết thêm sử gia Laurie là một diễn giả nói và viết khá rành tiếng Việt; riêng người sưu tập sử liệu hết sức xiển dương văn phong sống động của ông ta khi tường thuật lại cuộc chạm súng trong sông mà hoạt cảnh tác chiến không thua gì những phim chiến tranh trên màn bạc. Từ xưa đến nay, ai cũng biết rằng đối tượng được sách sử ca ngợi hầu hết là cấp tướng, tá đang cầm quân; hiếm thấy ai hoài công đề cao khả năng và tinh thần chiến đấu của người thủy thủ trên chiến đĩnh. Mặc dầu không cùng một màu áo và cũng không thường xuyên sinh hoạt trên tàu, nhưng nhờ có cái nhìn tinh tế chính xác, nên Laurie ghi lại những điều thật tâm đắc với người thủy thủ Nước-Ngọt. Thiển nghĩ, nghe được một sử gia đề cập đến Quân chủng mình thì còn thú vị nào bằng. Do vậy, phần câu chuyện bên lề của thuyết trình viên trở thành đắt địa và đáng được chuyển ngữ để cựu Hải quân chúng ta có dịp ôn lại kỷ niệm một thời tung hoành. làm chủ sông nước:
Gần cuối năm 1971, tôi (Bill Laurie) đi theo toán giang đĩnh thuộc Liên giang đoàn 21×33 Xung-Phong (Chỉ huy trưởng là HQ/Trung tá Lê-Thành-Uyển) vượt sông Vàm-Cỏ-Tây, nhập Đồng-Tháp-Mười (Plain of the Reeds) nhằm kiện toàn mạng lưới tình báo J2 (Electronic Surveillance) vùng Mộc-Hóa và Mỏ-Vẹt có mật khu 367 Việt-Cộng thuộc tỉnh Kiến-Tường. Đoàn giang đĩnh gồm sáu chiếc dưới sự điều động của HQ/Trung úy Tân, phải qua đêm tại căn cứ Tuyên-Nhơn nằm trên bờ Nam con kinh Lagrange để cập nhật hóa tin tức tình báo từ cuộc hành quân Giant Slingshot đang khai diễn. Sáng sớm hôm sau, lúc thủy triều lên, chúng tôi tiếp tục xuôi thủy trình về thị xã Mộc-Hóa. Trên con kinh hẹp té số 12 um tùm cỏ lác và lau sậy mộc hoang cao hơn đầu người, đoàn chiến đĩnh theo đội hình tác chiến hàng dọc với 2 FOM + 1 MONITOR COMBAT +3 LCVP thận trọng giang hành độ 4 gút (7,5 cây số/giờ) . Khoảng 10 giờ sáng, đoàn tàu chúng tôi lọt vào ổ phục kích của Đại đội B thuộc Tiểu đoàn 263 Chủ lực miền Đồng-Tháp, khi còn cách Mộc-Hóa chừng 10 cây số. Tiếng Thượng liên RPD và Tiểu liên AK.47 của địch từ tả ngạn kinh 12 nổ dữ dội và liên tục vào đoàn tàu. Ngay đợt khai hỏa đầu tiên của địch, tất cả vũ khí cộng đồng trên các chiến đĩnh đều tức tốc hướng về mục tiêu, đồng loạt nổ râm ran đáp ứng lại rất ngon lành; bởi vì thủy thủ đoàn trên mọi chiến đĩnh đang trong tình trạng “nhiệm sở tác chiến” và sẵn sàng giao tranh.

Cũng áo giáp, nón sắt hai lớp, súng cá nhân M.16, tôi có mặt tại vị trí ứng chiến được chỉ định trước của mình là pháo tháp đại bác 20 ly Oerlykon, sau lái chiếc MONITOR COMBAT. Tại đây, tôi được chứng kiến cách đánh giặc gan lì, dày dạn của anh Hạ sĩ Trọng pháo, xạ thủ vũ khí này. Bàn tay chuyên nghiệp của anh cho nổ giòn giã từng loạt ba viên một – loại đạn đun đun, đầu chạm nổ – đốn ngã sát rạt lùn cây, bụi sậy dọc bờ kinh. Người xạ thủ với thao tác rất điêu luyện: tì chặt hai càng pháo lên vai, vừa xoay trở súng thật nhanh nhẹn quanh bán kính 180 độ theo đường ngắm, vừa bắn khốc liệt vào các mục tiêu. Để khống chế hỏa lực đối phương từ các giao thông hào, anh nã không ngừng nghỉ hết 4 nồi đạn mà không bị một trở ngại tác xạ nào. Trong khi đó, về phía trước mũi, đứng xõng lưng bên cạnh pháo tháp đôi 40 ly Bofors và Đại liên 50, Trung úy Tân, trưởng toán giang đĩnh đang chỉ điểm mục tiêu tác xạ cho từng chiếc, đồng thời chỉ huy tổng thể đội hình tác chiến qua máy truyền tin PRC.25, bất chấp đạn địch rào rào bay tới. Cây Bofors và Đại liên 50 luân phiên phát quang bờ kinh cả cây số. Đụng trận trong sông lúc thủy triều lên, lần đầu tiên tôi mới thấy rõ sự lợi hại của Đại bác 40 ly. Nhờ mực nước sông dâng cao chiến đĩnh làm cho pháo tháp cao hơn bờ, xạ trường không còn bị bờ kinh che khuất nữa, nên Bofors thuận tiện trực xạ diệt gọn đối phương đang ẩn núp dưới các hầm hố đã đào sẵn. Với 30 phút chạm súng ngắn ngủi, hỏa lực áp đảo của đoàn tàu chiến đĩnh đã đè bẹp tiếng Thượng liên RPD và sau đó chỉ còn tiếng Tiểu liên AK.47 của địch rời rạc rồi im bặt: Việt-Cộng chém vè về hướng có cây cối rậm rạp vùng Tân-Thiết. Tôi ước lượng, ít nhất là 40 địch quân bị loại khỏi vòng chiến. Nếu có đơn vị Bộ binh Tùng đĩnh đi theo trong chuyến này, chắc hẳn chúng tôi sẽ thu được một mớ chiến lợi phẩm khi được lệnh đổ bộ lên bờ kinh. Đổi lại, chỉ có một Đoàn viên bị trúng đạn nơi bắp chân, liền đó được trực thăng tải thương về Long-An.
    Thành thật mà nói, tôi học hỏi được rất nhiều thứ từ cuộc phục kích này, nhiều hơn những gì mà tôi học hỏi tại Georgia, nhất là tinh thần chiến đấu dũng cảm, sự phản ứng kịp thời và có kỷ luật của Sĩ quan cũng như Đoàn viên Hải quân trong sông. Cần nói thêm, hầu hết thủy thủ VNCH đều là thành phần tình nguyện nhập ngũ; ngoài mộng hải hồ của ngưới trai trẻ, họ còn có chung quan niệm chiến đấu bảo vệ chính nghĩa Tự-Do là một nhiệm vụ cao quý. Vì vậy, lúc xông pha lửa đạn, họ thị tử như qui và xem cơ thể mình như kim cương bất hoại … Thông thường, Hải quân VNCH rất tự tin vào hỏa lực vượt trội cơ hữu của mình, ít khi họ chịu yêu cầu phi pháo yểm trợ; lần này cũng vậy, Trung úy Tân chỉ yêu cầu tôi làm một việc trong vai trò cố vấn là khẩn cấp gọi trực thăng tản thương mà thôi.(giống như nhận định của Đại tá …)
    Trên thực tế, khả năng tác chiến của Hải quân nói riêng và QLVNCH nói chung phải liệt vào bực thầy. Tôi không chủ quan hay đơn độc nhận định như vậy đâu. Thiếu gì cố vấn Mỹ tại mặt trận cũng nhận xét là binh sĩ VNCH giàu kinh nghiệm tác chiến và tinh thần đánh trận cao độ của họ rất đáng được ca ngợi.”
Trong phần kết thúc bài thuyết trình, sử gia Laurie mạnh mẽ bênh vực việc làm của QLVNCH trong quá khứ, đồng thời ông đã qui trách nặng nề cho Chính phủ Mỹ là đã quá thô bạo can thiệp vào chính tình Việt-Nam, nh? ép bu?c T?ng th?ng Thi?u ph?i ký Hi?p ??nh Paris (?úng v?i tài li?u gi?i m?t c?a Washington tháng 06/2009); nhất là việc cắt giảm viện trợ, tạo gánh nặng trầm kha cho VNCH khiến binh sĩ miền Nam không thể nào vượt thắng được: “…. Đúng là một đồng minh bất xứng, ngu dốt và gây rối một cách đáng kinh ngạc, dưới hình thức cái gọi là Chính phủ Hoa-Kỳ …” Bill Laurie. RVNAF 1968-1975, March 18 2006 Texas Tech, trang 18 (chữ Việt trong câu này là của sử gia Laurie viết).

Chú Thích
(1) Sử gia quân đội Bill Laurie là một người khiêm cung – có trình độ đại học nhưng lại không thích đánh giá cao bản thân – nên hiếm người biết được tiểu sử của ông. Đại khái, người ta chỉ biết “Thiếu tá ghét showing-off” này đã học qua các khóa Sĩ quan Lục quân (Fort Benning Georgia), Tình báo chiến lược Đông-Nam-Á (Ft.Halabird, Maryland), Ngôn ngữ Việt và Hán-Việt (Ft.Bliss, Texas), rồi sang VN phục vụ hai nhiệm kỳ. Nhiệm kỳ 1, đảm nhận Trưởng lưới tình báo biên giới Việt-Miên MACV.J2 từ tháng 1/1970 đến tháng 8/1971; nhiệm kỳ 2, Trung tá Laurie đồng nhiệm với Đại tá William Legro tại cơ quan DAO từ tháng 3/1974 đến ngày 30/04/1075. Nhờ biết thông thạo tiếng Việt, Laurie dễ dàng được BTL/V4 Chiến-Thuật chấp thuận cho đi theo những đơn vị VNCH đang hành quân trong vùng đồng bằng sông Cửu-Long như Địa phương quân, Sư đoàn Bộ binh, Biệt động quân và Hải quân sông ngòi để hoàn thành nhiệm vụ nói trên. Sau năm tốt nghiệp PhD.Quân sử, Laurie tổ chức cuộc hội luận “The Republic of VN Armed Forces 1968-1975: Reflection and Reassessments after 30 years” vào tháng 3/2006 tại Đại học Texas Tech. Laurie đặc biệt nhấn mạnh đến mục tiêu đề ra, khi giới thiệu quyển Whitewash/Blackwash: Myths of the VN war (Thanh minh/Bôi lọ: Chuyện hoang đường về chiến tranh VN). Ông ta khẳng định là bản thân mình lúc này đã hội đủ thời gian cũng như tư cách để dàn trải tư duy vào quyển sách khiêm nhượng này. Đây là quyển sách gạn lọc ra các sự thật về chiến tranh VN nhằm giúp cho những ai quan tâm đến – nhất là quí vị sử gia – có được chứng liệu đầy thuyết phục ngõ hầu mạnh mẽ bác bỏ huyền thoại và đồng thời quyết tâm tu chính lại mọi trang sử sai lầm trong quá khứ. Chính những trang sử thiếu công bằng này đã làm đau khổ hàng vạn cựu chiến binh QLVNCH đang lưu vong trên khắp thế giới và ảnh hưởng sâu đậm đến con cháu họ mai sau.
(2) Khoảng đầu tháng 4/1975, sau hai trận tấn công khốc liệt của đoàn 232 Việt-Cộng/CSBV (đêm 06/12/1974 và đêm 26/03/1975) vào căn cứ Hải quân Truyên-Nhơn, Trung tá Lê-Tấn-Triệu, Trưởng phòng 7/BTTM nhận xét Căn cứ tác chiến này bẻ gãy được ý đồ của địch bằng hệ thống trinh sát điện tử Sensor SID (Hà-Nội gọi là Cây-Nhiệt-Đới) mà Thiếu tá Bill Laurie đã thiết kế cho phi cơ rải xuống vùng phía Bắc căn cứ từ cuối năm 1971. Nhờ đó Liên đoàn đặc nhiệm Hải quân đồn trú nơi này giải đoán chính xác đường lối điều quân của địch, qua sự hổ trợ của toán Tác chiến Điện tử do Phòng 7/BTTM huấn luyện, nên đánh bại Trung đoàn Z.15 và Liên đoàn chủ lực địa phương địch (có 1 đại đội Đặc công Biệt động).
Còn Lực lượng đặc nhiệm 212 (Tuần-Thám) đưa ra nhận định là HQ/Thiếu tá Lê-Anh-Tuấn, không những biết cải tiến hệ thống phòng thủ đơn vị mà còn vận dụng chiến thuật phòng ngự thật hữu hiệu, làm cho đối phương có quân số đông gấp bốn lần cũng bị đại bại.
(3) Đoàn 232 được CSBV thành lập tháng 2/1975, tương đương với cấp Quân đoàn gồm Sư đoàn 2, 5 và 9 Bộ binh cùng với lữ đoàn Pháo binh 232 và Trung đoàn 25 Công binh. Tư lệnh đầu tiên là tướng CSBV Lê-Đức-Anh (Sáu-Nam) và Chính ủy là tướng Trần-Văn-Phác (Tám-Trần). Sau hai trận tấn công vào căn cứ Hải quân Tuyên-Nhơn đều đại bại, Hà-Nội ra lệnh cho tướng CSBV Nguyễn-Minh-Châu (Năm-Ngà) thay thế tướng Anh để chuẩn bị đánh chiếm thành phố Sài-Gòn qua ngã Chợ-Lớn..

Nguồn: http://hqvnch.net/htmlpages/haiquan.html

Rau Cần Nước (Cần Ta hay Cần Ống)

Dược Sĩ Trần Việt Hưng

‘Có con mà gả chồng gần
Có bát canh cần nó cũng mang cho’

https://mabio.vn/wp-content/uploads/2019/01/sau-khi-sinh-an-rau-can-3-600x400.jpg

Ảnh minh họa Rau cần nước của Mabio.

Rau cần nước (khác với cần tây) còn được gọi là cần ống, cần ta, cần cơm.. là một cây rau khá thông dụng trong vùng Đông Nam Á, Nhật Bản, Trung Hoa. Cần nước có mặt trong nhiều món ăn truyền thống tại Việt Nam, Nam Hàn và Nhật. Trong dân gian cần nước cũng là một phương thuốc trị được một số bệnh thông thường. Về phương diện dược học, cần nước có một số dược tính đáng chú ý. Ngoài ra, cần nước còn được dùng làm cây ‘làm sạch nước’ trong các hồ nuôi cá cảnh và các nhà vườn còn lai tạo được một chủng trồng (cultivar) cho lá khá đẹp để trồng làm cây kiểng.

Rau cần nước (Water dropwort) thuộc chi thực vật Oenanthe. Đa số các cây trong chi này thuộc loài thủy sinh, có thể sống trong nước, mọc tại nơi đất ẩm và đầm lầy. Nhiều loài mọc hoang có độc tính khá mạnh. Tuy nhiên cần nước (Oenanthe javanica) là một trong những loài rau nuôi trồng ăn được.
Tên Oenanthe, khi dùng trong sinh vật học, có thể để gọi một loài chim sơn ca (Oenanthe oenanthe) tại vùng Bắc Bán Cầu.
Tại Hoa Kỳ, rau cần nươc được trồng tại Hawaii. Người Việt sống tại Bắc Mỹ đã trồng cần nước một cách rải rác tại một số tiểu bang (Hoa Kỳ) và tỉnh (Canada). Hiện nay đang có những chương trình thử nghiệm để trồng cần nước trên quy mô có thể khai thác thương mãi tại Florida và cả tại Ontario (Canada).

Tên khoa học và các tên khác:
Oenanthe javanica (tên đồng nghĩa: Oenanthe stolonifera) thuộc họ thực vật Apiacea (Umbelliferae).
Tên Anh-Mỹ: Water Dropwort. Tại các chợ thực phẩm, đôi khi được ghi dưới tên Water celery, Water parsley, Chinese celery hay Japanese parsley.
Tên Pháp: Oenanthe de Java; Persil séri; Cigue phellandre
Nhật: Seri; Đại Hàn: Minari; Trung Hoa: Shui-qin, Shui-qin cai, Shui ching (Phổ thông); Shui kan (Quảng Đông) (Hán-Việt = Thủy cần); Thái Lan: ak chi lawn.
(Oenanthe từ tiếng Hy Lạp Oinos = rượu nho và anthos= hoa do ở Hoa có mùi thơm như rượu nho)
Tên gọi của cần nước trong Anh ngữ có thể gây nhiều nhầm lẫn:
Chinese celery, tên còn được gọi cả cho cây Ngò Tàu=Coriandrum sativum.
Japanese parsley, tên còn gọi cho Mitsuba (Cryptotaenia japonica)
Tên Anh ngữ Water Dropwort gồm
‘Dropwort’ là tên gọi cho một số loài cây: Drop có thể do hình dạng của thân ngó của những loài cây có dạng như một giọt nước treo trên một thân mỏng manh. ‘Water’ để chỉ đặc tính thủy sinh.
Cây thủy sinh Oxypolis filiformis, thuộc họ thực vật cà rốt, mọc tại vùng Đông Nam Hoa Kỳ, Bahamas và Cuba cũng được gọi là Dropwort nhưng không ăn được.

Đặc tính thực vật:
Cây thân thảo, sống lưu niên. Thân mọc bò dài, ngập trong bùn, bén rễ ở những mấu, sau đó đứng thẳng. Thân rỗng không lông, mềm và xốp, có nhiều đốt nhỏ (dài khoảng 2 cm ở phần gốc, 10 cm tãi đoạn giữa) và có khía dọc. Lá mọc so le, chia thùy, hình lông chim; thùy hình trái soan, hình thoi hay hình mác, gốc lá tròn, đầu lá nhọn. Phiến lá có mép răng không đều. Bẹ lá lớn, rộng, ôm sát vào thân. Cuống lá dài 3-8 cm; những lá nơi gần ngọn không có cuống. Lá có mùi thơm.
Rễ chùm dạng sợi, có thể mọc dài đến 30 cm trong nước.
Cụm hoa gồm những tán kép, mọc đối diện với lá (cỡ 3-5 cm), có 5-15 nhánh đơn, có cuống dài 2-16 cm mang các tán con. Mỗi tán con lại chia 10-20 nhánh gần bằng nhau, mang 10-20 hoa màu trắng hoặc hồng nhạt. Hoa lưỡng phái, thụ phấn do côn trùng.
Quả hình ống 2.5 x 2 mm, thuôn có 4 cạnh lồi.
Cây trổ hoa trong các tháng 4-6.
Rau cần nước được xem là có nguồn gốc từ vùng Á Châu nhiệt đới, và được trồng từ lâu đời tại Nhật, Pakistan, Thái Lan, Trung Hoa, Mã Lai, Việt Nam, Philippines, Indonesia và Úc. Tại Việt Nam, rau hầu như có mặt trên toàn quốc được trồng tại nhiều địa phương (cần nước Vĩnh Thạnh (Bạc Liêu) được xem là ngon, phẩm chất cao nhất tại Miền Nam)
Rau thích hợp với ruộng nước có đáy bùn, nhiệt độ mát, phát triển mạnh vào các tháng Thu-Đông và qua Xuân, cây phát triển chậm trong mùa Hè.
Các nhà vườn đã lai tạo để có chủng trồng (cultivar) Oenanthe javanica ‘Flamingo’ còn gọi là Rainbow Water celery= Flamingo Silom hay Flamingo seri. Cây nhỏ hơn chỉ cao khoảng 30 cm và ít mọc lan. Lá nhiều màu như kem, xanh và hồng. Có thể dùng làm rau ăn đồng thời làm cây cảnh, trồng ven hồ nuôi cá.

Thành phần hóa học và dinh dưỡng:
Thành phần hóa học:
Tinh dầu (0.066%) trong đó có các alpha và beta pinene, myrcene, terpinolen.
Glucosids thuộc loại phenylpropanoid như Oenanthosid A, Eugenyl beta-D-glucopyranoside; Pinoresinol beta-D- gluco pyranoside (Bioscience -Biotechnology and Biochemistry Số 59-1995)
Flavonoids (45.5 mg trog 100 gram cây khô): Isorhamnetin, Afzelin, Hyperoside, Persicarin. Quercitrin, Myriscetin, Luteolin, Kaemferol.
Mùi thơm của rau cần nước:
Phân chất tại ĐH Dankook, Cheonan (Nam Hàn) ghi nhận các hợp chất tạo mùi của cần nước gồm: Alpha-Terpinolene (cho mùi giống dưa leo, mùi rõ nhất trong cần nước); p-cymene (mùi dầu lửa); alpha-terpinene và beta-terpinene (mùi chanh); (E)-caryophyllene và (Z.,E)-alpha-fernesene (mùi gỗ); hexanal và (Z)-3-hexenol (mùi rau xanh); phenylacetalde hyde (mùi mật ong), bornyl acetate (mùi rau nấu chín). P-cymene , khi ở nồng độ cao, tạo cho rau cần nước thoáng mùi dầu lửa, mùi này thay đổi thành mùi hương chanh khi nồng độ xuống thấp.(Journal of Agricultural and Food Chemistry Số 53-2005)
Quả: chứa khoảng 1.5 % tinh dầu, phần chính là limonene, beta-pinene, phellandren và myristicine.
Rễ có falcarinol, acid béo như stearic, behenic, cerotic acid, umbelliferone.

Thành phần dinh dưỡng:
Theo ‘Medicinal Plants of China’ (J. Duke) trang 89
100 gram rau cần nươc (xấy khô hoàn toàn= Zero Moisture Basis = ZMB) chứa:
– Calories 298
– Chất đạm 19.9 g
– Chất béo 3.2 g
– Carbohydrates 62.8 g
– Khoáng chất:
– Calcium 1202 mg
– Phosphorus 585 mg
– Sắt 32 mg
– Sodium 192 mg
– Potassium 4713 mg
– Vitamins:
– Thiamin 0.64 mg
– Riboflavin 2.34 mg
– Niacin 10.6 mg
(Trong khi đó, 100 gram cây tươi chứa 95.3 gram nước; 1 gram chất đạm và 1.5 g carbohydrate.)
Các nghiên cứu dược học về cần nước:

Cần nước và tiểu đường:
Nghiên cứu tại bộ môn Dược Lý ĐH Y Khoa Bắc Kinh ghi nhận khi chích cho chuột (bị gây tiểu đường bằng alloxan) liều 200 mg/kg flavones trích từ cần nước: lượng đường trong máu giảm xuống sao 30 phút, kéo dài trong 6 gìờ. Flavones trich từ cần nước gây bài tiết insulin từ các tế bào loại B của đảo Langerhans, ở cả chuột bình thường lẫn chuột bị tiểu đường; đồng thời gây giảm triglycerides, làm tăng men amylases nơi lá lách (vốn xuống thấp nơi chuột bị tiểu đường) (Acta Pharmacologica Sinica Số 2-2000)

Cần nước và Bệnh Gan:
Nghiên cứu tại Viện Khoa Học Trung Hoa (Bắc Kinh) về hoạt tinh của flavones trích từ cần nước (Oenanthe javanica flavone =OjF) trên sự nhiễm bệnh gan do siêu vi B nơi người (dùng hệ thống cấy mô hepatoma HepG 2.2.15) và dùng siêu vi B gây sưng gan nơi vịt (Duck hepatitis B virus=DHBV). Vịt con bị gây nhiễm bằng chích DHBV được chia thành 5 nhóm và được điều trị bằng OjF, Acyclovir, và chỉ dùng nươc muối. Trị liệu kéo dài trong 10 ngày
Kết quả ghi nhận: OjF có hoạt tính ức chế rất mạnh sự bài tiết HBsAg và HBeAg nơi các tế bào 2.2.15 sau 9 ngày trị liệu đồng thời làm hạ các mức DHBV-DNA khi thử nơi vịt bị gây nhiễm. Liều có hoạt tính tối ưu là 1 g/ kg. Hoạt tính ức chế đạt 54.3 % ở ngày thứ 5 và lên đến 64.5 % ở ngày thứ10. (Acta Pharmacologica Sinica Số 26-2005).

Nghiên cứu tại ĐH Sunchun (Nam Hàn) ghi nhận: Dich chiết cần nước bằng methanol (liều 250 mg/kg) và Persicarin (5mg/kg) khi thử trên chuột bị gây sưng gan bằng bromobenzene, trong 4 tuần, có khả năng làm sụt giảm tác động gây hại gan của các men lipid peroxidase bằng cách cải thiện hoạt tính của men epoxide hydrolase. Nghiên cứu này giúp xác định tác dụng bảo vệ gan của cần nước như đã được dùng trong dược học cổ truyền (Planta Medica Số 62-1966).
Ngoài ra, một số nghiên cứu khác ghi nhận:
Cần nước bảo vệ được gan nơi chuột thí nghiệm bị gân tổn thương gan bằng acetaminophen (Yakhak Hoeji Số 52-2008)
Cần nước và Hệ thần kinh:
Nghiên cứu tại Khoa Dược ĐH Seoul (Nam Hàn) ghi nhận Persicarin từ cần nước có khả năng làm giảm sự vận chuyển ions calcium, và ngăn chặn được sự tạo ra quá mức nitric oxide và peroxide nơi tế bào, đồng thời tái tạo được hoạt động của men Glutathione reductase, Glutathione peroxidase..Càc tác động này giúp bảo vệ được chuột bị gây tổn hại thần kinh bằng glutamate (Phytotherapy Research Số 24-2010)
Hoạt tinh ‘giải rượu’ của cần nước:
Cần nước có khả năng giải trừ ethanol trong máu, nên có hoạt tính giải rượu rất tốt.Cảm giác ‘nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, mệt mỏi, rối loạn nhận thức..’ gọi chung là say, xỉn sau khi uống rượu quá độ được chứng minh là do tác động của aldehyde, một chất biến dưỡng từ ethanol trong rượu.
Nghiên cứu tại ĐH Sunchon (Nam Hàn) ghi nhận:
Dịch chiết rau cần nước bằng nước nóng, khi thử trên thỏ và chuột cho thấy có khả năng loại trừ ethanol rất nhanh (thú vật thí nghiệm được chích chung ethanol và nước rau cần). Hoạt tinh này tương tự như hoạt tinh của methadoxine (pyridoxol và 1-2-pyrrolidol-5-carboxylate), một dược phẩm dùng trị ngộ độc do ethanol). Phần n-butanol trong dịch chiết bằng nước nóng của rau cần nước là phần có hoạt tinh chuyên biệt trừ rượu mạnh nhất. Khi cho uống ethanol, và uống nước rau cần nước đun sôi, lượng ethanol bị giải trừ lên đến 44 %, riêng phần n-butanol có thể giải trừ ethanol đến 70 %.
(Nước đun sôi rau cần nườc được pha chế như sau: Rau cần, phần khí sinh (không rẽ), phơi khô trong 7 ngày. Đun sôi 600 gram cây khô trong 6 lít nước, đung trong 3 giờ đến khi còn lại khoảng 180 gram) Dịch chiết trong nghiên cứu còn được cô đặc và sau đó tiếp tục ly trích thên bằng butanol.. (BMB Reports, 13 November 2008)

Rau cần nước trong dược học cổ truyền:
Tại Việt Nam:
Rau cần nước được dùng làm thuốc dưới dạng rau tươi. Rau được xem là có vị ngọt, hơi cay, tính mát, tác động vào các kinh-mạch thuộc Phế và Vị .Cây có các tác dụng ‘thanh nhiệt’, ‘lương huyết’, lợi tiểu, tiêu thũng, lợi đại và tiểu tràng, giảm đau và cầm máu. Quả có tác dụng chống đầy hơi, trị buồn nôn.Thường được dùng để trị cao huyết áp, nhiễm trùng và sưng đường tiểu, trị chấn thương, té ngã (đắp bên ngoài).
Tại Trung Hoa, cần nước còn được dùng để trị ‘vàng da’ do đau gan. Đái buốt, đái ra máu.
Tại Thái Lan, rau được dùng trị ho.

Rau cần nước trong ẩm thực:
Rau cần nước được xem là một loại rau ‘thơm’ có vị ngọt được ưa chuộng tại Á châu, giúp gia tăng hương vị cho một số món ăn. Đọt non có thể ăn sống như salad hay bày thêm trên món ăn như rau ngò, hay hấp, nấu chín trộn cơm, cháo hoặc bằm nhỏ. Hương vị của cần nước thường được mô tả là ‘pha trộn giữa ngò tàu và cà rốt’. Lá và chồi non được xem là ngon nhất vào cuối Thu và đầu Đông, khi cây còn mềm , mùi hương chưa quá nồng. Lá non tuy dễ ăn hơn lá già, nhưng cả hai đều thích hợp khi trộn gỏi. Mùi thơm gần giống cần tây khiến rau được dùng trộn thêm trong các món thịt hầm.

Tại Nhật:
Cần nước hay Seri được xếp vào loại rau ‘truyền thống’, khá được ưa chuộng. Rau được dùng trong món sukiyaki. Rễ cần nước cũng được dùng để nấu thành một món ăn đặc biệt.
Món ăn đặc biệt nhất: Nana-kusa-gayu (Cháo nấu bằng 7 loại rau). Nana= bẩy; Kusa= rau, cỏ; là món ăn truyền thống của Nhật, được ăn hàng năm vào ngày 7 tháng Giêng. Món ăn được cho là lưu truyền từ thời Nhật Hoàng Dengo (đầu thế kỷ thứ 10). Số 7 là con số ‘may mắn’ tại Nhật, và món ăn được tin là khi ăn vào dịp dầu năm sẽ giúp được ‘mạnh khoẻ’ suốt cả năm. Ngày nay tại Nhật, có bán sẵn những gói chứa gạo cùng 7 loại rau, để chỉ việc nấu khi cần ăn. Bảy loại rau, có thể thay đổi tùy địa phương, nhưng thường gồm: Cần nước (seri), Nazuna (Rau Tề thái= Shepherd’s purse= Capsella bursa-pastoris), Gogyo (Cudweed= Gnaphyllum multiceps), Hakobera (Chicweed= Stellaria media) Hotoke-no-za (Henbit= Lamium amplexicaule) Suzuna (Turnip top) và Suzushiro (Củ cải trắng). Đôi khi Sắn dây (Kudzu) được dùng thay cho một trong bẩy loại rau trên.
Tại Việt Nam:
Rau cần nước tại Việt Nam được chia làm hai loại: loại trồng dưới nước, bùn và loại trồng cạn. Loại trồng dưới nước có thân trắng (Trắng như ngó cần), dài có khi đến 1m; loại trồng cạn , thân ngắn , màu tím nhạt. Rau cần nước được chế biến thành những món ăn thông dụng như: Rau cần xào bún; Rau cần nước muối với bắp cải, bóp giấm, Rau cần xào thịt bò, Rau cần xào mắm ruốc. Có thể nấu canh như canh khoai sọ nấu cần

Ghi chú:
Một số cây trong chi Oenanthe có độc tính khá mạnh, cần thận trọng khi thu hái những cây hoang:Oenanthe sarmentosa = Pacific water parsley, nguồn gốc tại vùng duyên hải California, rặng núi Sierra Nevada, theo truyền thuyết được thổ dân thu hái để làm thực phẩm. Thân ngó, và lá có mùi vị như rau cần tây. Tuy nhiên cũng có những tài liệu ghi lại là thổ dân dùng cây này làm thuốc độc. Cây được dùng như một tác nhân ‘thanh lọc’ nước, giúp kiểm soát sự tăng trưởng và phát triển của rong, rêu..Oenanthe crocata rất thông thường tại Anh. Cây được xếp vào nhóm những cây có độc tính mạnh nhất (tại Anh) và là cây đã gây ra nhiều vụ ngộ độc gây chết thú vật và người. Trâu bò có thể ăn lá nhưng thân và rễ nguy hại hơn nhiều. Cây còn nguy hiểm hơn vì hình dạng rất giống với một số loại rau ăn được. Thi sĩ cổ Hy Lạp Homer đã mô tả ‘nụ cười méo xệch miệng’ (sardonic smile) của những tử tội bị hành quyết bằng độc chất của cây này. Trong cây có một độc chất tác động lên bắp thịt nơi miệng.

Tài liệu sử dụng:
Top 100 Exotic Food Plants (Ernest Small)
Plants For a Future DataBase: Oenanthe javanica
Cây Thuốc và Động vật làm Thuốc ở Việt Nam. Tập II (Viện Dược Liệu VN)
Vegetables as Medicine (Chang Chao-liang)

TranVietHung, 27 tháng Ba 2012#1

Nguồn: https://www.tvvn.org/forums/threads/rau-c%E1%BA%A7n-n%C6%B0%E1%BB%9Bc-c%E1%BA%A7n-ta-hay-c%E1%BA%A7n-%E1%BB%90ng.36172/